Cách sử dụng thiết bị điện tránh tai nạn điện
Cập nhật ngày: 01/08/2024 05:33:45
ĐTO - Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp xảy ra 7 vụ tai nạn điện, làm 8 người chết. Nguyên nhân chủ yếu là người dân bất cẩn trong việc sử dụng điện. Ngoài những tiện ích mà điện mang lại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày, điện còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn, nếu chúng ta sử dụng chưa đúng cách. Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng điện, gia đình và cộng đồng, ngành điện thường xuyên tuyên truyền khuyến cáo khách hàng sử dụng các thiết bị đảm bảo an toàn. Khi sử dụng các thiết bị điện, người dân cần lưu ý các nội dung sau đây:
Nhân viên Điện lực Thanh Bình hướng dẫn nông dân làm vườn sử dụng điện an toàn
Các đầu dây nối vào thiết bị điện phải được xiết chặt; bọc cách điện, quấn băng keo kín các đầu dây, hộp đấu nối điện phải đậy kín chắc chắn tránh thấm nước.
Đối với thiết bị điện (các cầu dao, CB, máy điện, động cơ điện) nếu để ngoài trời phải có mái che, hộp ron che kín nước.
Lắp đặt tiếp đất an toàn mô tơ điện, tủ lạnh, máy giặt, máy nước nóng, lạnh,... khung nhà sắt, mái nhà tole; khi có tiếp đất vỏ (kim loại) của thiết bị điện nếu bị rò điện thì dòng điện sẽ đi vào trong đất và thiết bị bảo vệ ELCB sẽ tác động ngắt nguồn điện đến môtơ điện, đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Lắp đặt cầu dao chống giật riêng cho các thiết bị điện thường hay chạm chập, rò điện (máy trộn hồ, máy uốn sắt, palan điện, mô tơ bơm nước...) và định kỳ test kiểm tra cầu dao chống giật còn làm việc tốt không; đi dây điện đến các thiết bị này phải lựa chọn loại dây có cách điện tốt, có 2 lớp cách điện trở lên và đi trong ống nhựa cách điện.
Phải ngắt nguồn đến thiết bị điện, thử điện và cử người cảnh giới trước khi sửa chữa. Lưu ý, kiểm tra bằng bút thử điện, chắc chắn rằng thiết bị đã được cắt điện hoàn toàn.
Đối với động cơ điện lắp vào các giàn khung sắt phải nối đất thêm giàn khung sắt cửa cuốn, pa lăng, cổng, máy trộn hồ, máy bẻ sắt, các dây chuyền sản xuất...
Đối với các bộ phận truyền động lắp đặt phải chú ý chống cấn, kẹt dây dẫn điện; để tránh chạm chập cuộn dây bên trong, rò điện ra vỏ.
Thiết bị điện phải được bảo trì định kỳ, thay ngay nếu thấy hỏng (các động cơ điện bị lỏng bạc đạn, bạc thau, phốt nước, hộp đấu dây, thiết bị đóng cắt bảo vệ...).
Khi thiết bị đang mang điện không di dời, không chạm, cầm nắm khi đang ở dưới nước hoặc nơi ẩm ướt; khi tay ướt không được cầm chui ghim ổ điện, đóng cắt cầu dao, CB, công tắc điện.
Việc sử dụng điện an toàn không chỉ bảo vệ chính bản thân mỗi người mà còn bảo vệ gia đình và cộng đồng xung quanh. Tuân thủ các nguyên tắc an toàn khi sử dụng thiết bị điện là cách tốt nhất để tránh các tai nạn điện. Ngành điện luôn đồng hành và chia sẻ những kiến thức cơ bản, cần thiết để người dân có thể sử dụng điện một cách an toàn và hiệu quả. Mỗi người dân hãy luôn cẩn trọng và tuân thủ các biện pháp an toàn để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh.
TN