Đan lờ tôm tạo thu nhập thêm cho nhiều phụ nữ
Cập nhật ngày: 05/12/2012 13:24:19
Nghề đan lờ tôm ở xã Hòa Long, huyện Lai Vung là nghề thủ công truyền thống tạo thu nhập thêm cho nhiều chị em phụ nữ nhất là phụ nữ độ tuổi trung niên. Đan một chiếc lờ tôm hoàn tất phải trải qua nhiều công đoạn như: đan mình lờ, mặt lờ và hom lờ. Mỗi công đoạn đều cần đến những người thợ đan.
Đan mình lờ tôm
Công đoạn đan mình lờ tôm được xem là công đoạn dễ và khá đơn giản nên được nhiều chị em tham gia. Mình lờ tôm sau khi đan xong được các thương lái đến tận nhà thu mua với giá 250 ngàn đồng đến 260 ngàn đồng/một trăm chiếc. Trung bình người đan nhanh 3 đến 4 ngày xong 100 chiếc còn người đan chậm có thể 4 đến 5 ngày. Thời điểm bán lờ nhiều nhất là từ tháng 7 đến tháng 8 (âm lịch) hàng năm.
Chị Nguyễn Thị Lựu, ngụ ấp Long Bửu, xã Hòa Long, ngoài việc làm đồng, chị còn làm thêm nghề đan mình lờ tôm từ 25 năm qua. Chị Lựu nói: “Trước đây, nghề này cũng kiếm thu nhập khá nhưng hiện nay giá nguyên liệu (trúc) ngày một tăng cao nên bà con làm nghề đan lờ lời ít, chủ yếu lấy công làm lời. Tuy đồng lời không nhiều nhưng cũng có thêm thu nhập cho gia đình. Trung bình 100 cái mình lờ tôm trừ đi tiền trúc, tôi lời 150 ngàn đồng”.
Đan mình lờ tôm thì công đoạn chẻ nan cũng khá quan trọng bởi vì chẻ nan không đều tay, sản phẩm làm ra sẽ không đẹp. Cho nên có chị em không chẻ được nan thì lãnh nan chẻ sẵn từ thương lái hoặc những hộ làm với số lượng nhiều về đan. Chị Võ Thị Cá, ngụ 174 - Khu dân cư Hòa Long, làm nghề đan mình lờ tôm được 3 năm tâm sự: “Nhà tôi không có ruộng, làm thuê là chính nên ngoài giờ đi làm, tôi đan mình lờ tôm kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Tôi thường lãnh nan của thương lái về đan mướn với giá 100 chiếc mình lờ, được 70 ngàn đồng.
Dù chủ yếu lấy công làm lời nhưng bà con xóm lờ tôm vẫn duy trì nghề. Bởi vì nó vừa là nghề truyền thống vừa tạo thêm thu nhập thêm cho nhiều gia đình, góp phần tạo việc làm cho phụ nữ ở nông thôn trong thời gian nhàn rỗi.
Mỹ Xuyên