Đào tạo nghề gắn với nhu cầu lao động

Cập nhật ngày: 14/09/2012 14:24:11

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, Trung tâm Dạy nghề huyện Cao Lãnh đã cố gắng hoàn thành tốt các chỉ tiêu đào tạo nghề lao động nông thôn với việc chọn nghề đào tạo gắn với nhu cầu lao động tại địa phương.


Nghề đan lục bình mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương

Để đảm bảo công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu lao động tại địa phương, Trung tâm dạy nghề huyện Cao Lãnh đã thông báo tuyển sinh, triển khai công tác đào tạo nghề đến 18 xã, thị trấn trong huyện. Đồng thời phối hợp cùng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cao Lãnh tổ chức hội thảo phổ cập giáo dục và công tác phân luồng hướng nghiệp dạy nghề cho học sinh sau tốt nghiệp THCS, tham gia tư vấn trực tiếp về công tác phân luồng tại 18, xã, thị trấn trong huyện. Ngoài ra, Trung tâm còn liên hệ với các ngành, cơ sở tại địa phương để nắm bắt nhu cầu và đề ra những ngành nghề phù hợp với xã hội, thị trường lao động.

Sau thời gian tập trung vào các hoạt động trên, năm 2012, Trung tâm Dạy nghề huyện Cao Lãnh đã tuyển sinh 200 học viên hệ trung cấp nghề gồm các nghề Điện công nghiệp, kỹ thuật xây dựng, hàn tiện, thú y, kỹ thuật lắp ráp, sửa chữa máy tính. Hiện tại Trung tâm đang đào tạo 4 lớp nghề, gồm kỹ thuật xây dựng, điện công nghiệp. Cùng với công tác tuyển sinh hệ trung cấp, hệ đào tạo nghề sơ cấp cũng được trung tâm thực hiện tại các xã, thị trấn. Đến nay, Trung tâm dạy nghề đã mở được 19 lớp nghề nông thôn với 180 học viên tham gia. Hiện đã bế giảng được 4 lớp với 120 học viên được cấp giấy chứng nhận, các lớp còn lại đang tiếp tục duy trì.

Các nghề được chọn đào tạo gồm đan sản phẩm từ lục bình, dây cói. Sau đào tạo, học viên gia công sản phẩm cho cơ sở bà Nguyễn Thị Nương, khóm Mỹ Tây, thị trấn Mỹ Thọ, mỗi lao động thu nhập trên dưới 40.000 đồng/ngày. Bên cạnh đó, các nghề nông thôn được đào tạo và phát triển mạnh như: nghề đan thảm, dệt chiếu (xã Bình Thạnh), nghề đan thảm (xã Mỹ Hiệp), nghề đan ghế nhựa (xã Mỹ Hội, Mỹ Xương), nghề kết cườm (xã Phong Mỹ)...

Trung tâm cũng đã mở các lớp dạy nghề theo đề xuất của UBND các xã như nghề sửa kiểng Bonsai. Sau khảo sát thực tế, Trung tâm đã mở 1 lớp sửa kiểng Bonsai tại 2 ấp Bình Linh, Bình Hòa (xã Bình Thạnh) với hơn 20 học viên theo học. Theo anh Đỗ Việt Hưng - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Cao Lãnh: “Hiện tại các xã, thị trấn đề nghị Trung tâm tiếp tục mở lớp theo nhu cầu. Tuy nhiên để đảm bảo đầu vào cũng như đầu ra cho học viên sau khi kết thúc khóa học, Trung tâm phải rà soát các nghề đã mở tại các xã để tránh trùng lặp người học, nghề đã học tại cùng một khóm ấp. Ngoài ra, đối với những nghề không mang lại hiệu quả, Trung tâm thực hiện cắt giảm để đảm bảo chất lượng đào tạo, hiệu quả làm việc cho học viên sau khi hoàn thành khóa học...”.

Để hoàn thành các chỉ tiêu được giao, 6 tháng cuối năm, Trung tâm tiếp tục khai giảng các lớp nghề còn lại của giai đoạn 1, giai đoạn 2, trong đó ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng khó khăn, các xã được chọn xây dựng nông thôn mới.

C.P

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn