Đau lòng những đứa trẻ đuối nước
Cập nhật ngày: 20/08/2012 14:10:49
6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh xảy ra 20 trường hợp trẻ đuối nước. Các em ra đi quá đột ngột, để lại nỗi nhớ thương và cả nỗi niềm ray rức của những người thân trong gia đình.
Mất mát quá lớn
Trong căn nhà đơn sơ, chỉ chiếc giường nằm khá rộng là tài sản có giá trị nhất, vậy mà hai tháng nay, chiếc giường ấy trở nên lạnh lẽo khi những đêm vắng con, anh Lê Minh Duy lặng lẽ khóc. Mắt đỏ hoe, anh cố nén tiếng khóc nhìn về chiếc giường trống hoác kể: “Tối nào trước khi đi ngủ, hai ba con cũng giỡn trên giường. Giờ thằng Vũ không còn, vô mùng ngủ tôi nhớ nó chịu không được. Có hôm nằm mơ thấy nó về đứng trước cửa nhà, tôi giật mình ngồi dậy biết mình mơ, nước mắt tôi trào ra, cả đêm không ngủ”.
Trẻ em vui chơi dưới bến sông không được người lớn trông coi
Ở khu dân cư 1, xã Phú Điền, huyện Tháp Mười, ai cũng biết hoàn cảnh đáng thương của cha con anh Duy. Cách đây 6 năm, vợ anh bỏ đi, khi ấy bé Lê Minh Vũ - con anh chỉ mới 2 tháng tuổi. Kể từ đó một tay anh Duy vừa đi làm mướn, vừa chăm sóc con. Để kiếm tiền phụ giúp ba, hàng ngày Vũ đi nhặt phế liệu. Những lúc nhặt phế liệu bán được năm, bảy ngàn đồng, em mua bánh về cho ba ăn, số tiền còn lại đưa ba cất để dành khi nào nhà túng tiền thì dùng đến.
Cách nay 2 tháng, sau khi lượm phế liệu, Vũ đến bến sông cách nhà gần 500m để rửa tay, sơ suất trượt chân, mấy đứa bạn cùng đi nhặt phế liệu với Vũ chạy về cho gia đình em hay, mọi người dù cố gắng mò tìm nhưng không cứu được. Dẫn tôi đến bến sông Sáu Ngã, anh Duy trầm ngâm nhìn về phía bờ sông - nơi con bị nạn, có lẽ vì quá nhớ con, vì quá đau xót trước sự ra đi đột ngột của đứa con duy nhất mà trong lúc trò chuyện cùng anh, miệng anh cứ bập bẹ, tiếng được, tiếng không.
Những ngày này, bến sông Sáu Ngã nước đã dâng cao, ghe xuồng đi qua lại nhiều, người dân nơi đây có cảm giác ái ngại khi nhìn về nơi em Vũ bị nạn, một người đứng trên bờ nói vọng xuống: “Đó là bến tàu cũ của chợ Phú Điền, hồi trước đến giờ có tổng cộng 3 đứa chết ở đó”. Nhìn ra sông, tôi thấy dòng nước lúc này vẫn hiền hòa, vậy mà cả 3 sinh mạng trẻ thơ đều bị tước đi vì ngạt nước.
Từ nhiều năm nay, con kênh Rạch Miễu, ấp Tịnh Châu, xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh trở thành nỗi ám ảnh cho người dân trong ấp bởi con kênh này đã có nhiều đứa trẻ tử vong do đuối nước. Hôm tôi tìm đến nhà chú Út Lớn, thấy nhà đóng cửa, kêu không ai lên tiếng, định quay về thì một người hàng xóm của chú lại nói nhỏ: “Ông ở trong nhà, cháu ông chết ông buồn nên thường xuyên đóng cửa nhà”. Kêu cửa một hồi chú mới thẫn thờ, ánh mắt đượm buồn ra mở cửa.
Trò chuyện cùng tôi, chú cho biết đến giờ chưa hết bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của đứa cháu nội duy nhất của mình là bé Nguyễn Đăng Khoa, sinh năm 2010. Do ba mẹ đi làm mướn ở Bình Dương, Khoa được ông bà nội nuôi. Sau khi ru Khoa ngủ, cô Nguyệt - bà nội Khoa cùng chồng vác máy ra đồng cách nhà khoảng 50m, trước khi đi, cô khóa cửa nhà trước và khép kín cửa nhà sau. Theo cô Nguyệt, thường ngày Khoa ngủ trưa khoảng 3 tiếng đồng hồ mới thức giấc, không ngờ hôm đó Khoa ngủ chưa đầy 30 phút thì thức dậy mở cửa nhà sau tìm ông bà nội thì bị nạn tại con kênh Rạch Miễu phía trước nhà mình.
Mang tấm ảnh bé Khoa cho tôi xem, cô Nguyệt rưng rưng nước mắt: “Ba mươi tháng tuổi mà cháu nội tôi khôn lắm, biết đếm từ một đến năm mươi. Nó mất cả nhà không ai muốn làm ăn. Không ngờ tôi chỉ đi 15 phút trở vô nhà mà mất cháu vĩnh viễn”.
Chủ quan
Từ nhiều năm qua, năm nào cũng nghe chuyện các cháu bé trên địa bàn tỉnh bị đuối nước. Thế nhưng có một thực tế là còn nhiều người dân vẫn chủ quan trong việc trông coi trẻ. Hôm tôi đến, tại con kênh Rạch Miễu - nơi bé Khoa bị nạn có 3 đứa trẻ độ năm, sáu tuổi chạy chơi cặp bờ kênh, xung quanh không một người lớn nào trông chừng các em. Trong lúc đến nhà anh Đinh Nghĩa Hiệp - Trưởng ấp Tịnh Châu, tôi gặp bác N.P.T., một người dân trong ấp. Hỏi bác có hay tin cháu Khoa bị nạn? Bác N.T.T. kể: “Chuyện đó ở đây ai cũng biết hết. Tôi cũng thường dặn các con tôi để ý coi chừng mấy đứa cháu xuống sông. Nhưng tôi nghĩ mấy đứa té xuống sông chết là do tới số, nó không muốn ở với mình nữa”.
Tôi thật bất ngờ khi nghe bác nói từ “tới số”. Tôi nghĩ, từ trước đến nay, không biết bao nhiêu lần các phương tiện truyền thông, các ban, ngành, đoàn thể địa phương đã tuyên truyền đến người dân nhưng không biết vì sao sự chủ quan, mê tín dị đoan về cái chết của trẻ vẫn còn trong tâm trí nhiều người?
Trước sự việc trẻ đuối nước vừa xảy ra trên địa bàn ấp mình quản lý, anh Đinh Nghĩa Hiệp - Trưởng ấp Tịnh Châu cho biết: “Trước giờ địa phương chỉ tập trung tổ chức dạy bơi lội cho trẻ và thường xuyên tuyên truyền đề phòng trẻ đuối nước trong mùa lũ lụt. Sự việc xảy ra thật đau lòng nhưng cũng là kinh nghiệm để ấp đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền cả mùa nước lẫn mùa khô”.
Danh sách trẻ em chết đuối năm 2012 do Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội tỉnh cung cấp cho thấy trong 6 tháng đầu năm (trừ huyện Thanh Bình) các huyện, thị, thành khác trên địa bàn tỉnh đều có trẻ em đuối nước, có địa phương xảy ra đến 3 trường hợp. Một cán bộ đang công tác ở Phòng Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em cho biết, thường trẻ đuối nước xảy ra vào mùa lũ nhiều hơn đã khiến tôi không khỏi giật mình khi nhớ trong năm 2011 có 56 trẻ em trên địa bàn tỉnh bị đuối nước. Và rất có thể con số 20 trẻ bị đuối nước trong 6 tháng đầu năm không phải là con số cuối cùng trong năm 2012 khi không ít người vẫn còn chủ quan trong việc trông giữ trẻ.
Hữu Nghĩa