Hậu quả của việc cư trú bất hợp pháp khi sang Hàn Quốc lao động thời vụ

Cập nhật ngày: 26/06/2024 06:40:52

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240626064217dt2-9.mp3

 

ĐTO - Những năm gần đây, lãnh đạo tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), UBND các huyện, thành phố quan tâm, kết nối đẩy mạnh mối quan hệ ngoại giao với các đối tác đến từ Hàn Quốc để tạo việc làm, giúp người dân cải thiện thu nhập, vượt qua hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, vừa qua, khi người lao động sang Hàn Quốc làm việc thời vụ theo thỏa thuận được ký kết trước đó, tính đến ngày 24/6, có 6 lao động tự ý rời khỏi nơi làm việc, mất liên lạc, bất chấp những nguy hiểm, rủi ro khi cư trú bất hợp pháp nơi xứ người.


Đại diện lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm (bìa trái) nắm thông tin người thân lao động thời vụ Hàn Quốc tại Phường 3, TP Sa Đéc

Tự ý rời khỏi nơi làm việc

Theo Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL), đến ngày 24/6, ghi nhận thông báo từ Hàn Quốc, toàn tỉnh có 6 lao động Đồng Tháp khi sang làm việc tại Hàn Quốc bỏ trốn ra ngoài. Đó là các lao động: Lâm Văn Nhẹ (SN 1986) ngụ ấp Chiến Thắng, xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng; Trương Gia Lân (SN 1995) ngụ Tổ 2, Khóm 1, Phường 3, TP Sa Đéc; Nguyễn Hiệp Sĩ (SN 1992) ngụ ấp Phú Điền, xã Phú Thành A, huyện Tam Nông, Nguyễn Thị Trinh (SN 1995) và Nguyễn Văn Lợi (SN 1990) cùng ngụ ấp Phú Long, xã Phú Thành B, huyện Tam Nông; Nguyễn Văn Long (SN 1994) ngụ ấp K10, xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông. Các lao động trên được tạo điều kiện thuận lợi khi sang làm việc tại huyện Cheorwon (tỉnh Gangwon), huyện Yeoncheon (tỉnh Gyeonggi) trong các đợt xuất cảnh tháng 3, 4, 5/2024 và đã rời khỏi nơi làm việc ở Hàn Quốc trong khoảng thời gian từ ngày 14/5 - 14/6/2024.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin lao động bỏ trốn, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm DVVL đến trực tiếp các huyện, thành phố có lao động bỏ trốn xác minh, củng cố các thông tin cần thiết; phối hợp các ngành liên quan, thân nhân người lao động có biện pháp thông báo, vận động người lao động nhanh chóng trở về công ty, nông hộ, nơi làm việc tại Hàn Quốc tiếp tục thực hiện các cam kết theo hợp đồng đã ký trước đó. Tại ấp Phú Long, xã Phú Thành B (huyện Tam Nông), đại diện lãnh đạo Trung tâm DVVL, Phòng LĐ-TB&XH, Công an huyện, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tam Nông, UBND xã Phú Thành B đến gặp gỡ thân nhân của lao động bỏ trốn khi sang Hàn Quốc làm việc.

Qua buổi làm việc với thân nhân 2 lao động bỏ trốn là Nguyễn Thị Trinh (SN 1995) và Nguyễn Văn Lợi (SN 1990) cùng ngụ ấp Phú Long. Được biết, Nguyễn Thị Trinh xuất cảnh ngày 11/3/2024, ngày hết hạn hợp đồng là 1/11/2024 và Nguyễn Văn Lợi ngày xuất cảnh 1/5/2024, ngày hết hạn hợp đồng là 25/11/2024. Qua biên bản làm việc ngày 14/6/2024, hiện 2 lao động trên đã rời khỏi công ty, nông hộ và tắt điện thoại di động, không liên lạc được. Trước những nguy cơ tiềm ẩn nếu người lao động bỏ trốn, các thành viên Đoàn công tác đã trao đổi, thông tin với gia đình sớm liên hệ, vận động 2 lao động trở lại làm việc theo đúng hợp đồng ký kết; nếu không tuân thủ, cố tình vi phạm hợp đồng, mọi trách nhiệm, rủi ro sau này có liên quan người lao động sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Trong ngày 14/6/2024, tại xã Phú Thành A (huyện Tam Nông), Đoàn công tác trao đổi với người thân của lao động Nguyễn Hiệp Sĩ ngụ ấp Phú Điền, được biết, gia đình không liên lạc và không biết Sĩ đã bỏ trốn khỏi nơi làm việc, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Gia đình hứa sẽ cố gắng liên lạc, động viên Sĩ trở lại nơi làm việc đã ký hợp đồng, nếu không quay lại, mọi rủi ro sau này có liên quan đến Sĩ, gia đình và Sĩ hoàn toàn chịu trách nhiệm, không khiếu nại.

Qua thông tin khảo sát bước đầu, trước khi xuất cảnh, 6 lao động trên cùng với các lao động sang Hàn Quốc làm việc thời vụ đều được Trung tâm DVVL, chính quyền địa phương hướng dẫn kỹ về chế độ lương, chính sách, thủ tục xuất cảnh, luật pháp nước sở tại, các giấy tờ cam kết và về nước đúng hạn. Việc các lao động bỏ trốn là vi phạm hợp đồng đã ký với chủ sử dụng lao động tại Hàn Quốc, làm ảnh hưởng rất lớn đến mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh Đồng Tháp và huyện Cheorwon, Yeoncheon. Ngoài ra, nếu lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp, bị chính quyền sở tại bắt giữ sẽ bị xử phạt và trục xuất. Cùng với đó, lao động phải bồi thường hợp đồng, chịu mọi chi phí phát sinh, nếu tự ý trốn về Việt Nam sẽ bị cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Hậu quả của việc cư trú bất hợp pháp

Với những trách nhiệm được giao, Sở LĐ-TB&XH đã báo cáo tình hình với UBND tỉnh, thông tin đến UBND các huyện, thành phố và thành lập Đoàn công tác đến gia đình người lao động. Đồng thời sang Hàn Quốc gặp gỡ người lao động đang làm việc tại các công ty, nông hộ, động viên, vận động người lao động chấp hành nghiêm pháp luật của nước sở tại, không bỏ trốn trở thành những lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Tại tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, chương trình đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là một hoạt động kinh tế, xã hội góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao trình độ nghề nghiệp, tác phong làm việc của người lao động. Tỉnh luôn quan tâm việc mở rộng thị trường, tìm đối tác mang đến cơ hội việc làm tốt, thu nhập cao cho người lao động. Qua đó, tuyên truyền pháp luật quốc tế, Việt Nam và nước sở tại đến người lao động tham gia chương trình. Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh, có gần 14.200 lao động đi làm việc ở nước ngoài, giúp người lao động, gia đình người lao động cải thiện thu nhập, góp phần nâng cao đời sống, phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Trong các thị trường lao động hiện tỉnh Đồng Tháp đang hợp tác, chương trình lao động thời vụ được thực hiện từ năm 2018 đến nay, có hơn 534 người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo chương trình ký kết giữa tỉnh Đồng Tháp với các địa phương Hàn Quốc đạt hiệu quả cao trong giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Rất nhiều lao động sang Hàn Quốc làm việc chấp hành nghiêm pháp luật của nước sở tại được chủ nông hộ quý mến, tái ký các hợp đồng làm việc nông vụ nhiều năm tại Hàn Quốc. Bên cạnh đó, không chỉ có mức thu nhập cao khoảng 35 triệu đồng/tháng, lao động Đồng Tháp còn tiếp cận tác phong công nghiệp, văn hóa Hàn Quốc; cách vận hành nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp, du lịch... khi trở về địa phương khởi nghiệp, kinh doanh rất thành đạt.


Bà Nguyễn Thị Minh Tuyết - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (thứ 5 từ trái sang) cùng đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm, các đơn vị liên quan gặp chủ nông hộ, lao động, cán bộ phòng Chính sách nông nghiệp huyện Yeoncheon (Hàn Quốc)

Thông qua các quan hệ ngoại giao giữa tỉnh Đồng Tháp và các huyện của Hàn Quốc, năm 2024, ngoài các thỏa thuận về làm việc nông vụ, lao động Đồng Tháp có thêm cơ hội làm việc tại các Hợp tác xã (HTX) huyện Cheorwon (tỉnh Gangwon), huyện Yeoncheon (tỉnh Gyeonggi) với môi trường làm việc rất thuận lợi cho người lao động. Đối với mô hình HTX hỗ trợ chủ nông hộ trồng, chăm sóc và thu hoạch nông sản. Trong thời gian làm việc, lao động được chủ nông hộ bố trí ăn uống và nghỉ ngơi trong khu tập thể của HTX, được xe đưa đến nơi làm việc. Các buổi sáng, trưa, chiều đều được hỗ trợ các bữa ăn; đưa đi tham quan vào cuối tuần... Nếu lao động làm thêm giờ sẽ được chủ nông hộ trả thêm tiền. Có thể nói, các chính sách hỗ trợ, môi trường làm việc, thu nhập dành cho người lao động được tỉnh, các sở, ngành, chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện tốt nhất.

Tuy nhiên, khi sang Hàn Quốc làm việc, người lao động thường đối mặt với các nguy cơ bị dẫn dụ từ những kẻ xấu và lời hứa sẽ trả lương cao. Và đổi lại sẽ là người cư trú bất hợp pháp nơi xứ người. Nếu không nâng cao ý thức cảnh giác, người lao động sẽ vi phạm hợp đồng, trở thành đối tượng cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Mặt khác, việc tự ý bỏ trốn của một số ít người lao động tỉnh Đồng Tháp sẽ ảnh hưởng xấu đến những cam kết của địa phương đối với việc giới thiệu lao động sang Hàn Quốc làm việc. Ảnh hưởng đến chủ nông hộ, chính quyền địa phương của Hàn Quốc trong việc tuyển dụng, quản lý người lao động...

Đề cập đến những hậu quả của vấn nạn lao động bỏ trốn, ông Nguyễn Phú Hiếu - Giám đốc Trung tâm DVVL, cho biết: “Tỉnh Đồng Tháp là 1 trong số 14 tỉnh, thành phố trong cả nước được đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc thời vụ, mới đây là cơ hội việc làm từ mô hình HTX. Việc lao động bỏ trốn sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín của tỉnh. Luật pháp Hàn Quốc rất nghiêm, các đối tác tại Hàn Quốc có thể sẽ dừng không tuyển lao động tỉnh Đồng Tháp nếu để tình trạng lao động bỏ trốn. Nếu như Hàn Quốc dừng thị trường tuyển dụng lao động này, sẽ mất rất nhiều cơ hội cho những người lao động sau đang có nguyện vọng muốn sang Hàn Quốc làm việc. Ngoài ra, người lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc sẽ phải sử dụng nhờ 1 tài khoản của 1 người khác, khi bệnh không được đến cơ sở y tế để điều trị, nếu chủ nông hộ không trả lương sẽ không dám trình báo... Vì uy tín của địa phương, trách nhiệm với những người lao động đã đăng ký sang Hàn Quốc làm việc trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn, người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc chấp hành nghiêm các quy định pháp luật ở nước sở tại. Thân nhân của những lao động đã tự ý rời khỏi nơi làm việc, vi phạm hợp đồng tại Hàn Quốc, sớm tìm cách liên lạc, vận động người lao động trở về công ty, nông hộ, tuyệt đối không bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp...”.

C.P

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn