Hiệu quả từ công tác dạy nghề ở xã Tân Nhuận Đông

Cập nhật ngày: 08/08/2012 09:15:55

Thời gian qua, xã Tân Nhuận Đông, huyện Chân Thành có rất nhiều nghề đang phát triển mạnh như: đan lục bình, đan giỏ bẹ, đan thảm lát... ban đầu chỉ phát triển với hình thức nhỏ lẻ, nhưng được một số thợ tập trung duy trì và phát triển nên ngày càng mở rộng qui mô, hình thành những cơ sở dạy nghề, giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động.


Nhiều phụ nữ xã Tân Nhuận Đông chọn nghề đan thảm lát
để cải thiện kinh tế gia đình

Cơ sở sản xuất thảm lát, lục bình và giỏ bẹ của anh Thái Minh Công đang phát triển rất mạnh, thu hút hàng trăm lao động địa phương tham gia. Hiện tại, ngoài việc cung cấp nguyên liệu cho bà con làm, cơ sở còn hỗ trợ dạy nghề miễn phí cho lao động có nhu cầu học nghề. Trung bình, mỗi năm, xã Tân Nhuận Đông phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện Châu Thành và cơ sở của anh Công mở ít nhất 3 lớp dạy nghề, với hơn 100 lao động tham gia học nghề. Tính đến nay, toàn xã có gần 100 hộ dân theo nghề đan thảm lát, lục bình, đan giỏ bẹ thu nhập mỗi lao động từ 30.000 đồng - 60.000 đồng/ngày.

Tại ấp Tân Lập, trước năm 2011 chỉ có hơn chục hộ dân làm nghề đan lục bình. Thấy bà con làm nghề có thu nhập khấm khá nên nhiều người học và làm theo, đến nay đã có hơn 30 hộ theo nghề này. Tương tự tại ấp Tân An, Tân Bình và Tân Thanh, mỗi ấp có khoảng 20 đến 30 hộ làm nghề đan giỏ bẹ, lục bình và đan thảm lát. Thu nhập tuy không nhiều nhưng phần nào giúp các gia đình có thêm thu nhập, đảm bảo cuộc sống. Điển hình như chị Trần Hoàng Phượng ở ấp Tân Lập trước kia thuộc diện hộ nghèo, nhà không có đất sản xuất, gia đình có 4 nhân khẩu, chồng chị làm nghề chạy xe ôm, chị ở nhà nội trợ và chăm sóc con, thời gian rảnh không biết làm gì ra tiền. Năm 2011, chị được địa phương hỗ trợ học nghề đan thảm lát. Sau gần 10 ngày tham gia học nghề, chị nhận nguyên liệu về nhà làm thêm. Mỗi ngày chị Phượng tranh thủ làm việc nhà, thời gian còn lại chị miệt mài đan thảm lát, nhờ chăm chỉ, nên mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 50.000 đồng, có thêm khoản tiền lo cho con cái ăn học.

Chị Nguyễn Thị Chinh ở ấp Tân Lập gia đình cũng thuộc hộ nghèo không có đất sản xuất, chồng chị bị bệnh nặng không còn sức lao động, chị phải về sống nương nhờ mẹ ruột, mỗi ngày chị Chinh vừa phải chăm sóc chồng vừa phải lo cho hai con nhỏ, không thể đi làm thuê được, cuộc sống rất khó khăn. Từ khi được học nghề đan thảm, chị nhận nguyên liệu về nhà làm, nhờ đó có tiền lo thuốc thang cho chồng và lo cho các con. Hiện chị có thu nhập từ 60.000 - 70.000 đồng/ngày, nên cuộc sống gia đình đỡ cực hơn nhiều.

Chị Đinh Thị Thu Trang - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Nhuận Đông cho biết: “Địa phương rất chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Chúng tôi đã chủ động trong công tác vận động học nghề bằng cách tìm hiểu cụ thể những ngành nghề phù hợp, có thu nhập khá và nắm bắt nhu cầu thiết thực của bà con lao động, sau đó vận động bà con học nghề. Sau khi đào tạo nghề, địa phương tiếp tục vận động bà con nhận sản phẩm về làm tại nhà, tăng thu nhập cho gia đình”.

Với cách làm trên, những năm qua công tác dạy nghề cho lao động nông thôn của xã Tân Nhuận Đông đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, góp phần thực hiện thành công công tác xóa đói giảm nghèo cho địa phương.

Lệ Chi

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn