Huyện Tháp Mười
Đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm trong thanh niên
Cập nhật ngày: 24/10/2012 05:42:23
Nhờ đẩy mạnh thực hiện các mô hình tạo việc làm mà đến nay phần lớn đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) ở các xã, thị trấn trong huyện Tháp Mười đã có việc làm ổn định, góp phần cải thiện cuộc sống.
|
Điển hình như ở xã Hưng Thạnh, để tạo việc làm cho ĐVTN Xã đoàn đã kết hợp với các đoàn thể xã và Huyện đoàn thực hiện được nhiều mô hình tạo việc làm cho TN địa phương như giới thiệu việc làm ở các công ty doanh nghiệp trong và ngoài huyện, thực hiện mô hình hùn vốn xoay vòng, hay cho TN vay vốn ủy thác từ vốn giải quyết việc làm. Ngoài ra, các TN còn được hướng dẫn cách làm ăn, chọn những mô hình việc làm phù hợp với khả năng và hoàn cảnh kinh tế của mình để quản lý vốn có hiệu quả. Nhờ cách làm phù hợp, các mô hình tạo việc làm cho TN trong thời gian qua ở xã Hưng Thạnh đều phát huy hiệu quả. TN Trần Thanh Điền, sau khi học nghề sửa chữa điện thoại di động, dự định về quê mở tiệm, nhưng do thiếu vốn nên việc mở tiệm đành gác lại. Thấy được hoàn cảnh khó khăn của Điền, Xã đoàn đã cho em vay vốn xoay vòng 8 triệu đồng để tạo điều kiện cho Điền mở tiệm. Sau khi mở tiệm, Điền có điều kiện phát huy tay nghề và có thu nhập 50 - 70.000 đồng/ngày.
Đối với những ĐVTN không có tay nghề thì tùy vào hoàn cảnh kinh tế của mỗi người mà Xã đoàn tạo mô hình việc làm phù hợp. ĐV Nguyễn Văn Ngọc, là một trong những ĐV không có nghề nên không có việc làm ổn định. Trước đây em đi làm ở tỉnh Bình Dương nhưng do không có tay nghề nên việc làm bấp bênh. Sau khi về địa phương, xét thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình em nên Xã đoàn đã hỗ trợ 4 triệu đồng từ nguồn vốn xoay vòng để Ngọc thực hiện mô hình chăn nuôi chim cút thương phẩm.
Việc tạo các mô hình việc làm cho TN nông thôn đã gắn kết TN đến với công tác Đoàn nhiều hơn, đồng thời hạn chế được tình trạng tụ tập gây mất trật tự an ninh ở địa phương. Mỹ Quý là một trong những địa phương hình thành và duy trì nhiều tổ hùn vốn trong TN. Định kì hàng tháng, quý, mỗi ĐV đóng góp 200.000 - 500.000 đồng. Từ nguồn vốn đóng góp, các TN có điều kiện mua vật tư sản xuất hay thực hiện các mô hình chăn nuôi hoặc buôn bán nhỏ kiếm thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. ĐV Nguyễn Thanh Liêm, ở ấp Mỹ Nam 2, xã Mỹ Quý, nhờ tham gia tổ hùn vốn xoay vòng của ấp, có vốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nên thu nhập gia đình đã phát triển hơn trước.
Được biết, hàng năm các cấp, các ngành trong huyện Tháp Mười đã giới thiệu từ 3.500-4.000 lao động có được việc làm trong và ngoài huyện. Đến nay, toàn huyện đã thành lập được 34 tổ hợp tác kinh tế trong TN và nhiều tổ dịch vụ nông nghiệp khác, tạo việc làm tại chỗ cho hàng trăm TN. Chị Trần Thị Ngọc Cẩm - Phó Bí thư Huyện đoàn Tháp Mười cho biết: “Nhằm tạo việc làm cho TN, ngay từ đầu năm Ban Thường vụ Huyện đoàn đã chỉ đạo cho các cơ sở Đoàn rà soát lại lực lượng ĐVTN chưa có việc làm ổn định, sau đó phối hợp với tổ tư vấn đi đến từng hộ TN giới thiệu việc làm. Các mô hình giải quyết việc làm tại chỗ như mô hình kinh tế hợp tác, tổ máy gặt đập liên hợp, tổ máy sạ lúa theo hàng, tổ máy xới hay các tổ cung cấp dịch vụ cưới hỏi, giới thiệu lớp học nghề, các công ty tuyển lao động, đã và đang phát huy hiệu quả”.
Mộng Duy