Khắc phục sự chủ quan - nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông
Cập nhật ngày: 13/04/2024 05:05:30
ĐTO - Tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp diễn biến khá phức tạp, chỉ trong quý I/2024, toàn tỉnh đã xảy ra 64 vụ, làm chết 50 người, bị thương 21 người, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2023. Điều đáng nói, nguyên nhân hàng đầu gây TNGT là do sự chủ quan của người tham gia giao thông.
Lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh Đồng Tháp kiểm tra, xử lý vi phạm tốc độ
Nhiều vụ tai nạn giao thông do sự chủ quan
Trong quý I/2024, các ngành, địa phương, các lực lượng chức năng của tỉnh đã chủ động, quyết liệt trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn tỉnh; các lực lượng chức năng quyết liệt xử lý các vi phạm, đặc biệt xử lý về nồng độ cồn, xây dựng văn hóa giao thông có chiều hướng tích cực. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm trật tự, ATGT vẫn còn tồn tại, hạn chế, TNGT tăng cao. Cụ thể, TNGT đường bộ xảy ra 63 vụ, làm chết 50 người và bị thương 21 người, thiệt hại tài sản trên 186 triệu đồng; đường thủy xảy ra 1 vụ, không thiệt hại về người nhưng thiệt hại tài sản khoảng 450 triệu đồng.
Theo Ban ATGT tỉnh, nguyên nhân TNGT dẫn đến chết người là do ý thức của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông chưa tốt, chưa chấp hành nghiêm các quy định khi tham gia giao thông như: điều khiển phương tiện tránh vượt sai quy định, đi không đúng phần đường, lái xe thiếu chú ý quan sát, chuyển hướng không nhường đường... Qua thống kê các vụ TNGT cho thấy, phần lớn TNGT xảy ra trên các tuyến Quốc lộ, chiếm 46% và trên đường Tỉnh lộ, chiếm 27% số vụ; phương tiện gây tai nạn chủ yếu xảy ra đối với xe ô tô va chạm xe mô tô và mô tô va chạm xe mô tô. Đặc biệt, TNGT xảy ra giữa xe mô tô và người đi bộ và đi xe đạp là 13 vụ, con số khá cao và báo động...
Những tháng đầu năm 2024, các huyện: Lấp Vò, Cao Lãnh và Lai Vung là 3 địa phương xảy ra nhiều vụ TNGT. Bà Trương Thị Diệp - quyền Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò cho biết, có 3 tuyến Quốc lộ và 4 tuyến Tỉnh lộ qua địa bàn huyện với tổng chiều dài trên 100km. Tính từ đầu năm đến ngày 14/3/2024, toàn huyện xảy ra 12 vụ TNGT, trong đó có 8 vụ nghiêm trọng, làm 8 người tử vong, so với cùng kỳ năm trước tăng 4 vụ và tăng 5 người tử vong. Mặc dù địa phương đã quan tâm công tác đảm bảo trật tự, ATGT, nhưng tình hình TNGT chưa được kiềm chế, diễn biến phức tạp, tăng về số vụ và số người tử vong. Nguyên nhân là do một bộ phận người tham gia giao thông chủ quan, chưa chấp hành tốt pháp luật về giao thông; tình trạng lái xe vi phạm tốc độ, đi sai phần đường, làn đường vẫn còn diễn ra.
Một vụ tai nạn giao thông giữa xe tải và xe ô tô tại ngã tư đường Nguyễn Huệ - Lý Thường Kiệt, TP Cao Lãnh
Điển hình vụ TNGT xảy ra lúc 14 giờ ngày 21/3/2024, tại đường dẫn từ Quốc lộ 80 lên Quốc lộ N2B đi TP Cao Lãnh, đoạn thuộc ấp Bình Phú Quới, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò làm 1 người tử vong. Nạn nhân là Nguyễn Văn T. (22 tuổi, ngụ thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) điều khiển xe máy chạy từ Quốc lộ N2B rẽ ra Quốc lộ 80 va chạm với xe tải do ông Tôn Văn H. (52 tuổi, ngụ Ấp 3, xã An Phong, huyện Thanh Bình) điều khiển chạy đúng làn đường rẽ từ Quốc lộ 80 lên Quốc lộ N2B. Hậu quả, Nguyễn Văn T. tử vong, nguyên nhân do Nguyễn Văn T. điều khiển xe đi ngược chiều của đường một chiều, có dải phân cách.
Theo ông Lê Hoàng Bảo - Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh, TNGT xảy ra trên Quốc lộ chiếm đa số (các Quốc lộ: 30, 80 và N2). Các vụ TNGT có nguyên nhân chính là do ý thức của người tham gia giao thông chưa cao; do sự quá tải hạ tầng giao thông đường bộ. Điển hình như Quốc lộ 30, lưu lượng xe lưu thông trong ngày thường từ 11.000 - 12.000 xe/ngày đêm; thời điểm lễ, Tết có khi tăng lên khoảng 18.000 xe/ngày đêm, vượt nhiều lần so với quy mô thiết kế của mặt đường. Thêm nữa, Quốc lộ 30 là làn xe hỗn hợp nên dễ xảy ra va chạm giao thông. TNGT tăng đột biến so với năm ngoái là đáng lo ngại. Lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các địa phương, ngành liên quan kiểm điểm nghiêm khắc, thực hiện các biện pháp để giảm TNGT và thương vong trong năm nay.
Lực lượng Cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông (Ảnh: Phước Thanh)
Tăng cường xây dựng văn hóa giao thông
Việc xây dựng văn hóa giao thông đã được nhiều chuyên gia xem là biện pháp căn cơ nhất nhằm kiềm chế TNGT. Để xây dựng văn hóa giao thông cho người dân, các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Tháp đã tiến hành nhiều giải pháp truyền thông như: phát tờ rơi; phát thanh tuyên truyền về Luật Giao thông trong các khu dân cư; tổ chức các hoạt động giáo dục ý thức tham gia giao thông trong học đường; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Luật Giao thông... Công tác tuyên truyền, giáo dục về ý thức và văn hóa khi tham gia giao thông cũng được triển khai đến nhiều nhóm đối tượng trong xã hội như: học sinh, thanh niên, công nhân, người lao động... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, TNGT vẫn không thuyên giảm đáng kể. Nghịch lý này đặt ra yêu cầu phải có những đổi mới trong mô hình và phương pháp tuyên truyền để nâng cao hiệu quả.
Những tháng đầu năm 2024, bằng nhiều hình thức, các ngành, các địa phương của tỉnh đã chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự, ATGT đến nhiều đối tượng; duy trì, phát triển nhiều mô hình ATGT như: “Cổng trường ATGT”, “Trạm dừng chân nghĩa tình”, “Tổ tự quản ATGT”... Bên cạnh đó, lực lượng Công an và Thanh tra Sở Giao thông vận tải tuần tra, kiểm soát trên đường bộ, đường thủy. Đặc biệt, trên tinh thần “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý gần 3.800 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, hơn 3.200 trường hợp vi phạm quá tốc độ, gần 3.150 trường hợp vi phạm không có Giấy phép lái xe.
Để kéo giảm TNGT, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban ATGT tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương tập trung công tác bảo đảm trật tự, ATGT, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Đồng thời đề nghị Trưởng Ban ATGT cấp huyện phân tích, đánh giá, xác định nguyên nhân các vụ TNGT để có giải pháp khắc phục hiệu quả. Lãnh đạo địa phương trực tiếp đi kiểm tra các “điểm đen” về TNGT và có biện pháp giải quyết. Sở Giao thông vận tải cần kiểm tra, đánh giá, đảm bảo vị trí lắp đặt biển báo giao thông phù hợp. Các ngành chức năng phối hợp thường xuyên ra quân tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông và xử phạt nghiêm trường hợp vi phạm, trong đó có xử phạt “nguội”.
Trưởng Ban ATGT tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các đơn vị, địa phương tổng hợp, báo cáo về tình hình TNGT trên tinh thần phải báo cáo đúng, đủ và kịp thời. Cùng với đó, các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở về ATGT, tập trung vào đối tượng thanh, thiếu niên; chấn chỉnh công tác đào tạo, cấp Giấy phép lái xe, dứt khoát không để tồn tại cơ sở đào tạo lái xe “chui”, không đảo bảo chất lượng.
Trong thời gian tới, kỳ vọng sẽ có nhiều hoạt động ý nghĩa, sáng tạo hơn nữa nhằm tạo hiệu ứng sâu rộng trong cộng đồng, góp phần xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong toàn xã hội. Bên cạnh những giải pháp đồng bộ của các ngành chức năng, người tham gia giao thông cần chấp hành nghiêm Luật Giao thông, khắc phục bệnh chủ quan khi tham gia giao thông để tránh nhưng hậu quả đáng tiếc xảy ra.
SÔNG NGÂN