Nghề bắt chuột đồng tạo thêm thu nhập cho nhiều nông dân
Cập nhật ngày: 17/10/2012 14:43:24
Cứ sau mỗi vụ lúa, nông dân ở vùng nông thôn thường có thời gian nhàn rỗi. Tuy nhiên, ở xã Thạnh Lợi một trong những xã vùng sâu của huyện Tháp Mười lại có nhiều hộ dân có thêm thu nhập khá cao từ nghề bắt chuột đồng.
Mua bán chuột đồng
Ấp 1 và ấp 3 xã Thạnh Lợi là khu vực có nhiều hộ làm nghề bắt chuột đồng. Việc bắt chuột đồng tập trung sau khi thu hoạch lúa khoảng hơn 1 tháng. Các hộ dân làm nghề này lâu năm cho biết: Do đặc tính có loài chuột là đi kiếm ăn vào ban đêm, nên đòi hỏi người bắt chuột phải đi làm từ 19 giờ đến 3-4 giờ sáng ngày hôm sau. Ông Võ Văn Tâm, ở ấp 1 xã Thạnh Lợi cho biết: “Sau hai vụ lúa, không có việc gì làm, nên gia đình tôi làm nghề đuổi chuột để kiếm thêm thu nhập. Trưa mình đi tấn lưới, tối đi đuổi chuột và gần sáng thì gom lưới, đem chuột về bán”.
Để bắt được nhiều chuột, người trong nghề phải quan sát nắm bắt được khu vực nào có nhiều chuột thông qua việc phát hiện nơi đó có nhiều cỏ, lau sậy và những gốc rạ vừa mới cắt. Nông dân ở đây không bắt chuột bằng bẫy hay dùng thuốc mà họ chỉ dùng những dụng cụ như: lưới để giăng xung quanh bờ ruộng, sử dụng lon bia, đinh ốc để tạo tiếng động nhằm đuổi chuột chui vào những cái lọp đã đặt sẵn, nên không phải tốn nhiều chi phí. Mỗi đêm một hộ đi bắt được từ 10 đến 20kg chuột, bán cho thương lái với giá từ 30 đến 45.000 đồng/kg tùy loại, trung bình một đêm một hộ gia đình có thể kiếm từ 400 ngàn đồng đến 1 triệu đồng.
Nghề bắt chuột đồng tuy chi phí đầu tư thấp nhưng người làm nghề này phải có sự kiên trì, chịu khó lăn lội ở nhiều nơi, nhiều cánh đồng và còn phải làm việc trong đêm khuya. Nhưng bù lại nỗi vất vả đó là có thêm thu nhập cho gia đình trong lúc nông nhàn. Anh Nguyễn Văn Bình - một thương lái mua chuột thường xuyên ở xã Thạnh Lợi cho biết: “Ở đây có nhiều hộ bắt được nhiều chuột lắm. Mỗi ngày tôi đều đến lấy chuột để đem đi giao ở các chợ để bạn hàng bán lại”.
Xã Thạnh Lợi hiện có trên 20 hộ làm nghề bắt chuột đồng, mỗi hộ có 2-3 lao động tham gia. Ngoài việc tạo thêm thu nhập cho nông dân, nghề bắt chuột đồng còn góp phần làm giảm mật số chuột trên đồng ruộng, hạn chế sự cắn phá của chuột khi bước vào vụ mùa. Nhận xét về nghề bắt chuột đồng ở xã, ông Lê Thanh Phú - Chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi cho biết: “Thạnh Lợi là xã nông nghiệp hàng năm khu thu hoạch lúa hè thu xong, trong thời gian chờ nước lên thì bà con nhàn rỗi. Qua nghiên cứu thì thấy mô hình đuổi chuột khả quan nên Ủy ban giao cho Hội Cựu chiến binh và Xã đoàn kết hợp triển khai, bà con ai cũng đồng tình và thấy có hiệu quả”.
Mộng Duy