Nghề sửa bình xịt máy ở thị trấn Mỹ An
Cập nhật ngày: 07/11/2012 05:34:42
Đã hơn 10 năm qua, nông dân huyện Tháp Mười quen với cửa tiệm sửa bình xịt của anh Văn Công Mẫn tọa lạc tại khóm 1, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười. Anh Mẫn là 1 trong những người sửa bình xịt lâu năm ở đây. Xuất thân từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, anh học nghề sửa máy cole tư, máy Honda. Sau khi ra nghề, anh về làm công cho người bà con ở Vĩnh Long, sau đó chuyển về sửa máy dầu ở chợ Tháp Mười.
Anh Mẫn (người đứng) đang hướng dẫn cho các học viên
Từ khi chiếc bình xịt máy xuất hiện, đa số bà con nông dân chuyển từ bình xịt gặt tay sang xài bình xịt máy, vì tiết kiệm được thời gian, chi phí, sức lao động. Nhưng điều đáng ngại, khi máy bị hư nông dân phải lên tận Cao Lãnh sửa chữa. Nắm bắt được nhu cầu của bà con nông dân nên anh Mẫn mạnh dạn chuyển sang học nghề sửa bình xịt máy.
Do có kinh nghiệm và sửa máy nhiệt tình nên nhiều người tìm đến đây sửa máy, trung bình một chiếc bình xịt anh sửa với giá 15 ngàn đồng, đôi khi hư nhiều thì giá cao hơn, bình quân một ngày anh sửa trên 10 chiếc bình xịt. Không chỉ sửa bình xịt, anh còn thu mua bình xịt hư cũ, từ 100 đến 150 ngàn đồng/chiếc (để dành những bộ phận còn dùng được). Thường tiệm anh đông khách nhất vào mùa vụ.
Chú Nguyễn Văn Cường ngụ xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười là khách quen của tiệm anh Mẫn trong nhiều năm qua cho biết: “Tôi đến đây sửa nhiều lần, mỗi khi bình xịt bị hư tôi mang ra đây. Mặc dù đường xa (cách tiệm anh Mẫn gần 10km) nhưng tôi thích sửa máy ở đây, do chủ tiệm nhiệt tình lại chu đáo, giá cả cũng bình dân...”.
Không chỉ sửa máy, anh Mẫn còn truyền nghề cho người khác theo hình thức thí công, nhiều thanh niên ở khóm 2, khóm 4, xã Mỹ Đông, xã Tân Kiều đến học nghề. Ban đầu chỉ có một vài người, đến nay anh Mẫn đã truyền nghề cho 15 người thợ. Một trong số đó có anh Nguyễn Duy Thanh ngụ xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, trước đây anh đến học nghề ở tiệm anh Mẫn, sau khi ra nghề anh xin ở lại làm công, thu nhập mỗi tháng gần 2 triệu đồng. Anh Thanh nói: “Nhà tôi không làm ruộng chỉ dựa vào làm thuê mướn hàng ngày nhưng làm mướn hoài cũng không đủ sức khỏe, nên đi học nghề. Từ lúc học được nghề và làm đến nay, tuy lương không cao nhưng cũng đủ nuôi gia đình và hơn hết là không phải làm cực như lúc trước”.
Anh Phạm Văn Dân, ngụ khóm 4, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười đang theo học nghề, anh Mẫn nói: “Tôi học được 6 tháng và dự định sau khi học xong về mở tiệm, trước đây khi chưa học nghề tôi cũng đi làm thuê, ai kêu gì làm đó thấy bấp bênh nên chuyển sang học nghề, hy vọng sẽ ổn định hơn...’’.
Bắt đầu lập thân không phải bằng con đường học vấn mà bằng con đường học nghề, anh Mẫn đã vượt qua bao khó khăn trở thành một người thợ sửa bình xịt góp phần giảm bớt chi phí đầu tư máy móc cho bà con nông dân trong sản xuất nông nghiệp và hơn hết là giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Những đóng góp của anh rất đáng trân trọng.
Mỹ Xuyên