Nhộn nhịp chợ vùng sâu

Cập nhật ngày: 10/12/2012 05:45:18

Các chợ mới thành lập ở các cụm dân cư vùng sâu đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc trao đổi mua bán hàng hóa, sinh hoạt, giải trí.


Gian hàng rau cải tại khu vực chợ Xẻo Quít, xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh

Chợ Tân Công Sính, xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông hiện có trên 200 hộ dân sinh sống, buôn bán. Trước đây (khoảng năm 2004) khi cụm dân cư xã mới thành lập chỉ nhóm chợ nhỏ, năm 2006 UBND huyện Tam Nông đầu tư xây dựng chợ mới. Từ khi chợ hoạt động, khu vực này trở nên sầm uất, nhiều tiểu thương ở địa phương và người nơi khác vào sinh sống, lập nghiệp.

Do vị trí thuận lợi, khu vực chợ còn là nơi trao đổi mua bán các loại cá được đánh bắt tại các xã của huyện Tháp Mười, Tân Hồng mang đến... Mỗi ngày, vào khoảng 3 giờ chiều, khu vực chợ Tân Công Sính nhộn nhịp với việc buôn bán của các tiểu thương hàng cá. Chị Nguyễn Thị Kiều, ngụ khóm 1, thị trấn Tràm Chim (Tam Nông) cho biết: “Tôi buôn bán tại điểm chợ này được mấy năm. Do vị trí chợ ở sát đồng, gần sông nên cứ từ 1 giờ trưa đến 6 giờ chiều là có nhiều ghe mang cá vào chợ bán cho tôi. Nhờ vậy việc làm ăn cũng thuận lợi...”.

Là người thường xuyên đến chợ Tân Công Sính bán cá, chị Nguyễn Thị Lệ, ngụ ấp 4, xã Tân Hội, thị xã Hồng Ngự cho biết: “Ngày nào tôi cũng đến chợ Tân Công Sính bán cá cho thương lái. Chợ gần sông nên thuận tiện cho việc mua bán, mỗi ngày cả gia đình tôi kiếm lời cũng từ 200.000 - 300.000 đồng...”. Không chỉ có các vựa cá, chợ còn bán đủ các mặt hàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho người dân địa phương. Khi cần mua sắm, người dân không cần phải ra chợ huyện.

Thành lập từ năm 2006, chợ Xẻo Quít, xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh cũng thu hút nhiều người dân vào sinh sống và buôn bán. Chợ có diện tích 3.000m2 với 150 hộ dân. Trước đây, người dân thường phải đi chợ Mỹ Long, chợ Mỹ Hiệp, cách nơi ở 4,5km. Từ khi chợ thành lập, việc mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân rất dễ dàng.

Anh Nguyễn Văn Hùng ngụ ấp 3, xã Mỹ Long cho biết: “Từ khi có chợ đến giờ, nhiều lúc tôi đang tưới nước vườn, máy bơm thiếu phụ tùng là tôi chạy đi mua liền. Chợ nhỏ nhưng hàng hóa khá đầy đủ, đỡ tốn thời gian. Buổi tối, tôi còn dẫn mấy đứa con ra chợ xem văn nghệ, vui lắm...”.

Khi chợ Xẻo Quít mới thành lập, nhiều hộ dân ở gần chợ cũng cân nhắc việc làm ruộng và chuyện buôn bán. Sau thời gian suy tính, cuối cùng nhiều chị em cũng mạnh dạn chuyển đổi nghề. Chị Lê Thị Bé Tư, ấp 3, xã Mỹ Long (trước đây làm ruộng, thu nhập bấp bênh, nên chuyển sang buôn bán tạp hóa tại chợ) cho biết: “Buôn bán tại chợ này sống cũng được, tùy ngày bán vài chục ngàn đến vài trăm ngàn (chưa trừ tiền vốn) cũng đủ sống. Đa số khách hàng ở vùng sâu ra mua”.

Dù đã 5 giờ chiều, nhưng chị Út Nhỏ, ngụ ấp 3, xã Mỹ Long, bán rau cải tại chợ vẫn chưa dọn hàng. Chị chia sẻ: “Có chợ gần nhà buôn bán cũng khỏe hơn đi làm thuê, làm mướn. Khi vào mùa vụ chợ nhộn nhịp lắm...”.

Đánh giá về hiệu quả hoạt động chợ Xẻo Quít trong việc phục vụ nhu cầu mua bán của người dân vùng sâu, ông Nguyễn Văn Sĩ - Chủ tịch UBND xã Mỹ Long cho biết: “Hiện tại, xã có 2 chợ là chợ Mỹ Long, chợ Xẻo Quít, dù còn nhiều khó khăn nhưng chợ Xẻo Quít cũng đã đáp ứng nhu cầu mua, bán của người dân, góp phần phát triển hoạt động thương mại dịch vụ địa phương, phục vụ tốt đời sống của người dân nông thôn...”.

Việc đầu tư phát triển mạng lưới chợ nông thôn gắn với khu vực cụm, tuyến dân cư dù còn khá mới mẻ, một số chợ chưa thật sự sung túc, nhưng đã phần nào tạo sự thuận tiện cho người dân nông thôn trong việc trao đổi, mua bán hàng hóa, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần người dân nông thôn.

C.P

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn