Những kết quả tích cực từ công tác giảm nghèo bền vững
Cập nhật ngày: 29/10/2024 05:32:04
ĐTO - Với sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 (viết tắt là Chương trình) đã mang lại hiệu quả tích cực. Các chính sách của Nhà nước được triển khai, thực hiện đồng bộ, kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm.
Các nhà hảo tâm tặng quà cho hộ nghèo ở xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò
Đa dạng các hoạt động của chương trình
Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cùng các ngành, đơn vị liên quan đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kịp thời các văn bản triển khai thực hiện Chương trình trên cơ sở bám sát quy định của Trung ương, hướng dẫn của Bộ, ngành có liên quan. UBND tỉnh phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai các phong trào chăm lo cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Tại các huyện, thành phố, UBND, Phòng LĐ-TB&XH, UBND các xã, phường, thị trấn triển khai, thực hiện kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương. Trong đó, nhiều giải pháp phù hợp theo từng nhóm đối tượng của Chương trình, tạo điều kiện tốt giúp người dân tiếp cận các dự án giảm nghèo; phát huy ý chí, nghị lực vươn lên của người nghèo, cận nghèo cùng sự chung tay, góp sức của cộng đồng.
Cùng với đó, công tác vận động xã hội hóa chăm lo, giúp đỡ hộ nghèo được các cấp, các ngành, địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên quan tâm thực hiện thường xuyên. Thông qua phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, “Tết vì người nghèo”, “Xóa nhà tạm”... được các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh tích cực tham gia, mang lại những hiệu quả thiết thực. Công tác tiếp nhận và phân phối tiền, quà hỗ trợ được công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng mục đích tạo được niềm tin và sự đồng thuận đóng góp của người dân và cộng đồng.
Thông qua việc huy động các nguồn lực đã hỗ trợ địa phương xây dựng nông thôn mới, thực hiện các công trình, phần việc như: xây dựng nhà Đại đoàn kết, xây dựng mới và sửa chữa cầu giao thông, lắp đèn năng lượng thắp sáng đường quê nông thôn, xây dựng trường học, tặng quà Tết, trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi, hỗ trợ mua cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo, phối hợp khám chữa bệnh... tổng trị giá các công trình, phần việc mỗi năm trên 150 tỷ đồng. Qua đó đã hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo vượt khó, nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ gần 45.500 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên vay vốn, với doanh số cho vay đạt 2.066 tỷ đồng; cấp gần 330.000 lượt thẻ bảo hiểm y tế; miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho hơn 103.000 lượt học sinh; hỗ trợ dạy nghề cho gần 4.200 lao động; hỗ trợ xây mới gần 4.900 căn nhà và hỗ trợ tiền điện cho hơn 36.400 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn...
Ngoài ra, UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH cùng các ngành, đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ tạo việc làm như: ưu tiên hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất, vốn vay giải quyết việc làm, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Người dân sau khi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, tham gia học nghề, tìm được việc làm trong, ngoài tỉnh và ở nước ngoài, cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống. Từ những hoạt động hỗ trợ giảm nghèo, đã có trên 12.500 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của giai đoạn ước đạt 0,65%/năm và cả giai đoạn 2021-2025 ước đạt 0,56%/năm theo chuẩn Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ (đạt và vượt so với chỉ tiêu Chính phủ giao giảm 0,4%/năm, đạt và vượt chỉ tiêu Kết luận số 250 của Tỉnh ủy còn dưới 3,0%).
Mô hình hỗ trợ con giống giúp người dân chăn nuôi cải thiện thu nhập thoát nghèo của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 959 (xã An Phước, huyện Tân Hồng)
Hiệu quả các dự án, mô hình giảm nghèo
Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng 122 mô hình, dự án giảm nghèo, đạt và vượt so với mục tiêu giai đoạn. Đối tượng hỗ trợ của các dự án, mô hình là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Khi tham gia dự án, người dân được hỗ trợ vốn để tạo việc làm, phát triển sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bằng nhiều ngành nghề phù hợp tùy vào hoàn cảnh của hộ gia đình, qua đó tạo điều kiện cho các hộ từng bước thay đổi nhận thức để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Qua thời gian tổ chức triển khai thực hiện, các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình đã phát huy hiệu quả như: các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và Tiểu Dự án 1, Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp... Bà Trần Thị Ngọc Diễm - Trưởng Phòng LĐ-TB&XH TP Hồng Ngự cho biết, ngoài việc hỗ trợ người dân về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, các xã, phường và thành phố đã triển khai thực hiện 7 dự án, hỗ trợ cho 33 hộ tham gia dự án mô hình giảm nghèo, kinh phí trên 1,7 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương hơn 1,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương 170 triệu đồng), giúp người dân có được sinh kế phát triển gia đình, nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững.
Thông qua việc hỗ trợ, người nghèo được tiếp cận và tham gia các loại hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả, nắm bắt được kiến thức về khoa học kỹ thuật cơ bản, từ đó thay đổi sản xuất theo hướng bền vững. Qua khảo sát, các dự án, mô hình phát triển sản xuất cộng đồng đang triển khai tại các địa phương trong tỉnh đã góp phần giải quyết việc làm, giúp cho hơn 1.300 lao động có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho các hộ tham gia dự án, giúp trên 80% hộ tham gia thoát nghèo bền vững.
Điển hình như trường hợp ông Trần Văn Tẹo ở xã Bình Tấn, huyện Thanh Bình. Gia đình ông Tẹo là hộ nghèo do vợ thường xuyên đau ốm, không đủ khả năng lao động, bản thân ông làm phụ hồ thu nhập không ổn định, các con còn trong tuổi đi học, gia đình gặp nhiều khó khăn. Trước hoàn cảnh gia đình ông Tẹo, chính quyền địa phương giới thiệu cho ông vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội được 80 triệu đồng để đầu tư làm chuồng nuôi chồn giống và nuôi ốc bươu. Lúc mới chăn nuôi, thu nhập gia đình cũng bấp bênh, sau nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi kỹ thuật nuôi nên thu nhập của gia đình ông Tẹo dần ổn định.
Ông Trần Văn Tẹo chia sẻ, gia đình đông nhân khẩu, các con còn nhỏ, cuộc sống bươn chải rất khó khăn. Hiện nay, kinh tế gia đình đã dần ổn định, mỗi tháng xuất bán được 1 đợt chồn con và ốc bươu được khoảng 30 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận được hơn 15 triệu đồng nên tôi đã tự nguyện xin thoát nghèo. Các dự án, mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình đã và đang triển khai không chỉ giúp người nghèo cải thiện thu nhập một cách bền vững để tự tin, hòa nhập cộng đồng, mà còn tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức người dân.
Thời gian tới, mục tiêu của tỉnh hướng đến là phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,2%/năm; đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3%, thu nhập bình quân hộ nghèo dự kiến tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020; phấn đấu giải ngân 100% vốn Chương trình được giao giai đoạn 2021 - 2025. Các nhiệm vụ trọng tâm là tập trung thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình; trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách giảm nghèo, mô hình hay, sáng kiến, cách làm hiệu quả thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Bên cạnh đó, tiếp tục phát động cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, “Tết vì người nghèo”, “Xóa nhà tạm” gắn với chương trình an sinh xã hội và phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, xây dựng và phát triển mô hình cộng đồng giúp nhau thoát nghèo bền vững. Đồng thời tiếp tục thực hiện đồng bộ các hoạt động hỗ trợ tạo sinh kế, tạo việc làm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thông qua các dự án giảm nghèo, đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, góp phần ổn định đời sống cho người dân thoát nghèo bền vững.
MỸ LONG