Thành lập Tổ dịch vụ làm thuê để thoát nghèo

Cập nhật ngày: 26/09/2012 14:01:22

Tổ dịch vụ làm thuê thuộc tổ 11B, ấp Tân Chủ, xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh được thành lập năm 2003 gồm 8 chị em. Gia đình các chị em không ruộng vườn, sống bằng nghề làm thuê như cắt lúa, hái đậu, mè, ớt, làm phụ hồ... Tuy không có quy chế hoạt động, nhưng nhờ chị em có tinh thần đoàn kết, chia sẻ, choàng gánh, làm ăn uy tín và ý chí vươn lên trong cuộc sống nên tổ hoạt động ngày càng hiệu quả, gia đình các chị em trong tổ lần lượt thoát nghèo.


Chị Nga chăm sóc xoài

Chị Trần Thị Nga - Tổ trưởng tổ dịch vụ làm thuê cho biết, do yêu cầu của hầu hết người thuê có quy định thời gian, ví dụ yêu cầu cắt xong 3 công lúa phải trong vòng một ngày. Trong khi đó, thường thì 2 chị mới cắt xong một công lúa trong vòng một ngày. Đáp ứng yêu cầu trên, cần có sự hợp tác của nhiều chị sống bằng nghề làm thuê. Qua tìm hiểu, thấy các chị em có điều kiện thuận lợi là ở gần nhau, nhưng lại làm thuê riêng lẻ, ít được người thuê làm, dẫn đến thu nhập thấp, nên Hội Phụ nữ xã vận động chị em thống nhất thành lập tổ dịch vụ làm thuê nhằm tăng thu nhập gia đình...

Chị Nga cho biết thêm, với nhiệm vụ là tổ trưởng, khi có ai gọi làm thì chị kêu chị em đến sinh hoạt, chia công việc, trên tinh thần thống nhất. Để có việc làm lâu dài, các chị em trong tổ rất quan tâm đến chất lượng công việc và đặt chữ “tín” lên hàng đầu. Nhờ đó, trước khi thành lập tổ, chị em có việc làm khoảng 10 ngày/tháng, khi thành lập tổ, chị em có việc làm trên 20 ngày/tháng hoặc hơn, đồng thời địa bàn hoạt động của tổ được mở rộng thêm, không chỉ trong xã, người thuê ở xã Gáo Giồng, Phương Thịnh, Ba Sao, Hòa An cũng gọi làm.

Riêng chị Nga, mỗi tháng cũng thu nhập từ 1,8 triệu đến 2 triệu đồng từ hoạt động của tổ, tăng gấp 2 lần khi chưa thành lập tổ. Từ nguồn tiền này cộng với tiền kiếm được của chồng (chồng chị làm phụ hồ, nếu ngày nào có làm cũng được 100.000 đồng), ngoài chi phí cho cuộc sống gia đình, lo cho con ăn học, gia đình chị còn dành dụm tiền để mua xoài lá trong vài năm trở lại đây, mỗi năm khoảng 40 gốc, có năm chị lời 10 triệu đồng từ nguồn này. Chị nói: “Mua xoài lá chủ yếu lấy công làm lời, ngày nào vợ chồng tôi không ai kêu làm thì tập trung chăm sóc xoài”.

Nhờ duy trì tổ dịch vụ làm thuê, tạo công ăn việc làm, tự lực vươn lên, gia đình chị Nga từ hộ nghèo, năm 2009 thoát nghèo chuyển lên cận nghèo, năm 2011 thoát cận nghèo. Qua tiếp xúc với các chị trong tổ, được biết trong 8 chị, có 5 chị thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó 2 hộ nghèo đã thoát nghèo; 2/3 hộ cận nghèo đã thoát cận nghèo.

Chị Lê Thị Huệ - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho cho biết, đây là mô hình hiệu quả, khi có điều kiện, Hội sẽ tiếp tục vận động thành lập trên địa bàn xã.

CT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn