Tiếp tục phát huy nguồn nhân lực đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Cập nhật ngày: 12/08/2024 10:05:22

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240812082219dt2-7.mp3

 

ĐTO - UBND tỉnh Đồng Tháp và Báo Lao động vừa phối hợp tổ chức Hội thảo “Phát huy nguồn nhân lực đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”. Với phương châm “Đi làm thuê - về làm chủ”, tại hội thảo, tỉnh Đồng Tháp và một số tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, chuyên gia, công ty phái cử đã trao đổi, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách trong công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhất là phát huy nguồn lao động hết hạn hợp đồng trở về địa phương trong thời gian tới.


Các đồng chí chủ trì Hội thảo “Phát huy nguồn nhân lực đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”

Từ phát huy các chính sách hợp lý

Thực hiện Chỉ thị số 16 ngày 8/5/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tỉnh Đồng Tháp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, của tỉnh. Đồng thời triển khai, quán triệt đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân trên địa bàn, qua đó nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo đồng chí Phạm Việt Công - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Đồng Tháp, từ năm 2014 đến nay, Tỉnh ủy Đồng Tháp và các cơ quan tham mưu đã ban hành 10 văn bản chỉ đạo, điều hành (1 Chương trình hành động, 1 Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, 1 Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và 7 đảng văn chỉ đạo). Cụ thể hóa chủ trương của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành 13 văn bản theo thẩm quyền, đặc biệt 6 lần ban hành mới hoặc sửa đổi bổ sung, thay thế 6 Nghị quyết quy định về chính sách hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bảo đảm phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và thực tiễn của địa phương trong từng thời kỳ, từng giai đoạn.


Đồng chí Nguyễn Quốc Thanh - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau chia sẻ các chính sách của tỉnh hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng

Đồng chí Nguyễn Quốc Thanh - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau, cho biết: “UBND tỉnh Cà Mau ban hành các Đề án đưa người lao động tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2018 - 2021 và giai đoạn 2022 - 2025. Đồng thời, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 21/2019/NQ-HĐND về các chính sách hỗ trợ, cho vay đối với người lao động trên địa bàn tỉnh tham gia lao động có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, người lao động Cà Mau đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ không hoàn lại chi phí ban đầu tối đa 13,8 triệu đồng/lao động; được hỗ trợ vay vốn tín chấp làm chi phí xuất cảnh không quá 110 triệu đồng/lao động với lãi suất ưu đãi”.

Tương tự, đồng chí Huỳnh Thị Mỹ Hà - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Long cho rằng, bên cạnh việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, tỉnh còn quan tâm triển khai các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động phục vụ công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, công ty phái cử, nghiệp đoàn hoạt động trên địa bàn tỉnh. Đến nay, có 74 doanh nghiệp liên kết với tỉnh Vĩnh Long để tuyển chọn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Thời gian tới, song song với các chính sách hỗ trợ cho người lao động thuộc đối tượng chính sách xã hội theo quy định chung của Nhà nước, từng tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ có chính sách riêng trong việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động của địa phương đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Đến những con số biết nói

Từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã đưa 15.472 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; tập trung nhiều nhất là thị trường Nhật Bản với 11.702 người, Đài Loan 1.944 người, Hàn Quốc 1.184 người, còn lại các thị trường khác. Đạt được kết quả trên là do Tỉnh ủy quan tâm, ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể là Kết luận số 246 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu mỗi năm đưa từ 1.500 lao động trở lên đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, trình độ, kỹ năng cho người lao động. Riêng các tỉnh: Cà Mau, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang... mỗi năm duy trì từ hàng trăm đến hàng ngàn người lao động xuất cảnh sang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.


Anh Nguyễn Chương Phi (huyện Cao Lãnh) giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh của Công ty TNHH Quang Vinh Food

Điển hình là trường hợp của anh Nguyễn Chương Phi ngụ xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, ngay khi sang Nhật Bản làm việc, anh đã cụ thể hóa ngọn lửa động lực mà lãnh đạo tỉnh hun đúc “Đi làm thuê - về làm chủ”. Không chỉ làm việc nghiêm túc để tăng thu nhập và tiết kiệm chi tiêu để tích lũy vốn, anh Nguyễn Chương Phi còn chủ động học tập các chuyên môn cần thiết. Sau gần 4 năm đi làm việc ở Nhật Bản về nước, anh đã cùng gia đình thành lập Công ty TNHH Quang Vinh Food. “Trăn trở khởi nghiệp tại địa phương trong bối cảnh nông sản thường rơi vào điệp khúc được mùa mất giá, tôi quyết định kinh doanh trái cây, rau củ sấy để nâng tầm giá trị nông sản. Ngoài ra, cơ sở còn tạo việc làm thêm cho nhiều lao động ở địa phương” - anh Nguyễn Phương Phi chia sẻ.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phan Văn Thắng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp khẳng định, hiệu quả thiết thực của Chương trình đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là nguồn thu nhập của lao động, tạo ra nguồn thu đáng kể cho gia đình, nhất là các gia đình nghèo, khó khăn. Bên cạnh nguồn thu nhập, người lao động còn tích lũy được những kiến thức rất bổ ích từ nền công nghệ tiên tiến của các nước phát triển, được rèn luyện và trau dồi kỹ năng trong sản xuất, kinh doanh, được học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề để về quê hương áp dụng trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần quan trọng trong việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp Phan Văn Thắng đề xuất, duy trì và phát huy vai trò đơn vị đầu mối của Trung tâm Dịch vụ Việc làm thuộc Sở LĐ-TB&XH, nhằm bảo đảm tốt các chế độ chính sách và quyền lợi của người lao động, hạn chế phát sinh rủi ro đối với người lao động. Sở LĐ-TB&XH tỉnh chủ động tham mưu UBND tỉnh tăng cường mối quan hệ ngoại giao, tìm hiểu, khảo sát mở rộng thị trường lao động nước ngoài, nghiên cứu hướng đến thị trường lao động của các nước: Úc, Đức, Canada, Ba Lan...; quan tâm thực hiện tốt việc thẩm định, chọn lọc đơn hàng phù hợp với tình hình và điều kiện của lao động.

Nhìn chung, công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng tạo thêm cơ hội việc làm, thu nhập cao, rèn luyện tác phong công nghiệp, kỹ năng làm việc hiện đại cho người lao động, góp phần hiệu quả vào công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo của các địa phương. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và mục tiêu “Đi làm thuê - về làm chủ”, Hội thảo “Phát huy nguồn nhân lực đi làm việc ở nước ngoài” ghi nhận, nghiên cứu những chia sẻ, trao đổi, thảo luận các thông tin hữu ích nhằm phát huy hơn nữa nguồn nhân lực đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

D.C-P.L

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn