Tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng về dân số, ổn định quy mô dân số
Cập nhật ngày: 06/08/2012 04:37:14
Sau 10 năm (2001-2010) thực hiện Chiến lược Quốc gia về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Chiến lược quốc gia về Chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), lĩnh vực DS-KHHGĐ của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng như: tỷ suất sinh thô giảm từ 16,16‰ (năm 2001) xuống 13,61‰ (năm 2010), tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai tăng từ 74,48% (năm 2001) lên 77,24% (năm 2010), tỷ lệ tăng DS tự nhiên giảm từ 1,29% xuống còn 1,0%.
Phụ nữ tham gia khám, điều trị các bệnh liên quan đến sức khỏe sinh sản
Trong quá trình thực hiện, nhiều mô hình được thành lập, hoạt động thường xuyên như Câu lạc bộ “Ông bà gương mẫu, con cháu hiếu thảo”, “Gia đình không có tệ nạn xã hội”, “Gia đình không có con suy dinh dưỡng”, “Gia đình không có con bỏ học”... Những kết quả trên đã tác động tích cực đến các hoạt động kinh tế - xã hội, tỷ lệ học sinh vào lớp 1 tăng từ 95% lên 99,8%, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh phụ khoa giảm từ 48,3% xuống còn 28,53%...
Bên cạnh những thuận lợi, quá trình thực hiện Chiến lược Quốc gia về DS-KHHGD vẫn còn những khó khăn như tỷ suất sinh giảm chưa bền vững, nhiều vấn đề SKSS chưa được giải quyết... Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược DS-SKSS giai đoạn 2011-2015. Theo đó, ngành Y tế sẽ cùng các đơn vị liên quan giải quyết những vấn đề về chất lượng DS, SKSS-KHHGĐ, cơ cấu DS, phân bố dân cư theo địa bàn nhằm hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể về tốc độ tăng dân số dưới 1%, 20% bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh, trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt 30%; giảm tỷ lệ nạo phá thai, giảm nhiễm khuẩn đường sinh sản, nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, cải thiện SKSS người chưa thành niên, thanh niên...
Để hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu theo kế hoạch cùng với công tác chuyên môn trên lĩnh vực thông tin, truyền thông, các đơn vị liên quan phối hợp với ngành Y tế đổi mới phương pháp truyền thông vận động giúp người dân có điều kiện tiếp cận với thông tin, nâng cao kiến thức người dân về SKSS-KHHGĐ, đẩy mạnh giáo dục DS-SKSS vào chương trình giảng dạy chính thức trong nhà trường, bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng sống liên quan đến giới tính, tình dục an toàn, nội dung giảng dạy phải phù hợp với từng cấp học. Phụ nữ mang thai được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc trước, trong, sau sinh, chăm sóc sơ sinh, phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, thực hiện dự phòng, sàng lọc, điều trị ung thư đường sinh sản, dự phòng điều trị vô sinh.
Để hoàn thành các mục tiêu theo kế hoạch, UBND các huyện, thị thành trong tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch cùng các đơn vị liên quan tổ chức chiến lược phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, chủ động huy động nguồn lực để thực hiện.
Ngân Thảo