Ứng phó với bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết

Cập nhật ngày: 29/10/2012 14:41:20

Từ đầu năm 2012 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận trên 8.400 ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM) và sốt xuất huyết (SXH). Riêng bệnh TCM có đến 6 ca tử vong gồm: thành phố Cao Lãnh và huyện Thanh Bình mỗi địa phương 2 ca, huyện Lai Vung 1 ca và Tam Nông 1 ca. Huyện có số ca mắc cao nhất là Cao Lãnh với 980 ca.


Trẻ em điều trị bệnh TCM tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp

Tính đến nay, hầu hết các huyện, thị, thành trong tỉnh đều có số ca mắc TCM tăng so với cùng kỳ năm 2011, 84% trẻ mắc TCM có độ tuổi từ dưới 1 đến 3. Trong số trên 3.200 ca SXH) tăng hơn so với cùng kỳ năm 2011 trên 1.200 ca) thì có đến 299 ca nặng và đã có 4 ca tử vong ở các huyện Châu Thành, Tân Hồng, Cao Lãnh và thị xã Hồng Ngự.

Trước tình hình bệnh TCM và SXH trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp và có nguy cơ tăng cao vào các tháng cao điểm mùa mưa, từ đầu năm 2012 đến nay, Trung tâm Y tế Dự phòng Đồng Tháp giám sát chặt chẽ ca bệnh, cập nhật thông tin từ các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, Trung ương phản hồi cho địa phương xác nhận, kịp thời xử lý; tổ chức 3 đợt chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống SXH và kêu gọi người dân rửa tay bằng xà phòng để phòng, chống bệnh TCM tại hàng loạt xã, phường, thị trấn trong tỉnh; tổ chức các lớp tập huấn phòng, chống SXH và TCM cho các giáo viên và giám sát viên.

Các huyện có nhiều ca mắc SXH và TCM như: Hồng Ngự, Tân Hồng, Châu Thành, Cao Lãnh cũng đang tiếp tục tăng cường tuyên truyền phòng bệnh. Mới đây, khi phát hiện tại ấp Gò Da, xã Bình Phú xảy ra một ổ dịch SXH, để kịp thời ngăn chặn ổ dịch mới phát sinh, Đội Phòng, chống dịch bệnh - Trung tâm Y tế huyện Tân Hồng tiến hành phun xịt hóa chất diệt muỗi. Được biết, ngoài việc phun xịt hóa chất diệt muỗi tại các xã, thị trấn trong huyện, Trung tâm Y tế huyện Tân Hồng còn lập đoàn kiểm tra các vật dụng chứa nước của các hộ dân, vận động người dân thường xuyên cọ rửa dụng cụ chứa nước như lu, phuy, thùng nhằm không cho muỗi phát sinh, đẻ trứng, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Các bệnh viện trong tỉnh, đẩy mạnh công tác tập huấn chuyên môn phòng, chống bệnh TCM và SXH bằng cách phân công bác sĩ, điều dưỡng khoa nhi, khoa nhiễm, khoa cấp cứu lần lượt tham dự các lớp tập huấn điều trị, chăm sóc bệnh TCM ở các bệnh viện tuyến trên. Ngoài ra, các bệnh viện còn tổ chức tập huấn tại chỗ công tác phòng, chống dịch bệnh. Theo Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, 9 tháng đầu năm 2012, bệnh viện mở được 2 lớp tập huấn phác đồ chẩn đoán, điều trị bệnh TCM cho tất cả bác sĩ hệ nội của bệnh viện và một số bác sĩ của các bệnh viện tuyến huyện, xã.

Ngày 15/10 vừa qua, Sở Y tế Đồng Tháp đã có công văn yêu cầu các đơn vị trực thuộc Sở (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện,...) tăng cường công tác phòng chống dịch cúm A (H5N1) ở người, bệnh TCM và SXH như: tập trung triển khai các biện pháp giảm tỷ lệ mắc và giảm tử vong các bệnh cúm A (H5N1), bệnh TCM và SXH; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm ca bệnh; phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện ghi nhận đầy đủ thông tin về ca bệnh, đảm bảo phản hồi chính xác và xử lý triệt để ổ dịch hạn chế lây lan trong cộng đồng. Đối với các bệnh viện phải đảm bảo vật tư, trang thiết bị, thuốc, hóa chất cho công tác điều trị bệnh nhân và kiểm soát lây nhiễm tại bệnh viện; tổ chức tốt việc thu dung, cách ly điều trị bệnh nhân, giám sát chặt chẽ các trường hợp chuyển độ sau nhập viện, chuyển tuyến kịp thời, hạn chế thấp nhất tử vong...

H.NG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn