Xã hội hóa xây dựng cầu đường nông thôn: Kinh nghiệm của Tháp Mười

Cập nhật ngày: 30/07/2012 16:08:07

Là huyện vùng sâu còn nhiều khó khăn, nhưng bằng nhiều cách làm hay trong công tác xã hội hóa xây dựng cầu đường nông thôn, đến nay bộ mặt nông thôn huyện đã có sự thay đổi...


Trong chuyến khảo sát các công trình giao thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Nguyễn Văn Dương đánh giá cao công tác xã hội hóa xây dựng
cầu đường của huyện Tháp Mười

Nét đổi thay của một vùng quê

Chúng tôi đến xã Thanh Mỹ vào những ngày cuối tháng 7. Nhìn những ngôi nhà khang trang đang mọc lên san sát mới thấy sự đổi thay trong đời sống kinh tế của người dân nơi đây. Bên cạnh những ngôi nhà mới khang trang, nhiều tuyến đường giao thông liên thôn, xã giờ đây đã được bê tông hóa, sạch đẹp, cầu bắc qua sông đều được bê tông hóa thuận tiện cho các máy liên hợp thu hoạch lúa chạy qua... Tất cả đang đánh dấu sự phát triển của một vùng quê nông thôn.

Ông Lê Tấn Hữu, một người dân sống ở vùng đất này gần 20 năm chia sẻ: Trước đây, đường vào thôn rất khó đi bởi ổ voi, ổ gà. Ngày nắng thì bụi, ngày mưa thì bùn lầy lội cản trở việc đi lại của nhân dân địa phương. Khi có chủ trương làm đường, xây cầu bê tông bà con nhân dân rất phấn khởi và tích cực đóng góp, tham gia, bởi ai cũng nghĩ có con đường mới vừa đẹp làng, đẹp xóm mà nhà mình cũng thêm sạch sẽ, khang trang.

Rời Thanh Mỹ, chúng tôi ghé sang xã Mỹ Đông, hỏi người dân về chuyện xây dựng cầu đường nông thôn. Điều thật lạ, có lẽ chỉ riêng ở Tháp Mười mới có, đó là họ đều nói chúng tôi ủng hộ cách làm của huyện. Có lẽ nhờ những chủ trương, cách làm hợp lòng dân mà Tháp Mười mấy năm trở lại đây luôn là huyện điển hình trong nhiều mô hình xã hội hóa như xã hội hóa công tác xây dựng chợ, xã hội hóa cầu đường nông thôn...

Cách làm hay trong công tác xã hội hóa

Ông Mai Hữu Công - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tháp Mười chia sẻ, có được bộ mặt nông thôn sạch đẹp như ngày hôm nay tất cả là nhờ sự đoàn kết đồng lòng của người dân. Ông kể, vào khoảng năm 2005 trước khi có chủ trương, khi đó chưa có chương trình xây dựng NTM, nhưng chúng tôi đã trăn trở suy nghĩ là phải làm sao biến những lợi thế sẵn có của địa phương vào việc xây dựng quê hương mình giàu đẹp. Từ đó, chúng tôi đi đến quyết định, muốn thay đổi bộ mặt nông thôn trong điều kiện thực tế của địa phương thì việc quan trọng trước tiên là phải xây dựng đường giao thông nông thôn.


Nhiều con đường nông thôn của huyện đã được bê tông hóa từ
chương trình mùa hè xanh của Trường Đại học Bách khoa TPHCM

Để làm được công việc này, ngay từ đầu, chúng tôi xác định sự đồng thuận của nhân dân là yếu tố quan trọng nhất, giữ vai trò chủ thể trong thực hiện chương trình xây dựng NTM. Từ đó, chúng tôi đã tích cực tuyên truyền nói rõ cho nhân dân hiểu về ý nghĩa cũng như lợi ích do chương trình này mang lại. Điều quan trọng là phải xây dựng được lực lượng nòng cốt. Đó là những người có uy tín, ảnh hưởng lớn trong cộng đồng dân cư. Lực lượng này phối hợp với cán bộ địa phương tích cực tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận trong nhân dân và cùng tham gia thực hiện.

Bên cạnh đó, phải tổ chức bộ máy chặt chẽ từ huyện đến ấp để đôn đốc thực hiện công tác xây dựng NTM. Bằng cách, mỗi xã đều thành lập Ban quản lý xây dựng NTM và Ban phát triển ấp để có trách nhiệm đôn đốc, quán xuyến và có trách nhiệm làm việc kết nối với Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện để đề xuất, kiến nghị khi có vấn đề khúc mắc. Mọi công việc đều được bàn bạc dân chủ, công khai trong từng ấp, từng xã và sự đóng góp của người dân trên tinh thần tự nguyện. Nhờ đó, khi thực hiện các công trình dân sinh như cầu, đường, thủy lợi... địa phương không những không cần cưỡng chế, bỏ ra nhiều tỷ đồng bồi hoàn đất mà ngược lại còn nhận được sự đóng góp tích cực của nhân dân.

Đến nay, sau gần 2 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Tháp Mười đã huy động từ các nguồn lực nhân dân, nhà hảo tâm, mạnh thường quân và Trường Đại học Bách khoa TPHCM, thực hiện thắp sáng đường quê được 92km đường, xây dựng 21 cây cầu bê tông, rải đá chống lầy 156km, hiến đất làm đê bao 108km, hiến đất làm kênh thủy lợi nội đồng, trạm bơm điện trên 32 tỷ đồng, hiến đất góp công sức làm 53km đường mùa hè xanh... với tổng mức đầu tư trên 280 tỷ đồng. Trong đó đáng chú ý là huy động từ các nguồn lực xã hội chiếm trên 50% kinh phí, đặc biệt là sự đóng góp hơn 108 tỷ đồng từ người dân địa phương, để cùng chung tay với chính quyền xây dựng nông thôn mới.

Ông Đinh Minh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười chia sẻ thêm: Bài học lớn nhất được rút ra từ việc xã hội hóa xây dựng cầu đường nông thôn đó chính là phải xây dựng lòng tin và củng cố sự đoàn kết, đồng thời làm tốt công tác phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân để nhân dân hiểu sâu sắc hơn chủ trương của huyện và lợi ích cho chính mình. Từ đó, tham gia đóng góp tích cực thực hiện chủ trương xã hội hóa xây dựng cầu, đường nông thôn. Cũng theo ông Dũng, huyện Tháp Mười vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa xây dựng cầu đường nông thôn, phấn đấu những năm tiếp theo sẽ hoàn thành thêm nhiều tuyến đường giao thông nông thôn tại các xã trong huyện.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn