Chính sách mới của bảo hiểm y tế và bước chuyển mình của Bệnh viện Quốc tế Thái Hòa

Cập nhật ngày: 29/03/2016 12:51:27

Theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC, kể từ ngày 1/4/2016, các bệnh viện (BV) cùng hạng trên toàn quốc sẽ đồng loạt thực hiện thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Để giúp cho độc giả nắm rõ hơn về cơ chế mới này, phóng viên (PV) đã có cuộc trao đổi với bác sĩ (BS) chuyên khoa I Lương Ngọc Ẩn - Giám Đốc BV Quốc tế Thái Hòa, một cơ sở y tế tư nhân được xây dựng và chính thức hoạt động tại TP.Cao Lãnh từ tháng 5/2012.


Bệnh nhân khám bệnh tại Bệnh viện Quốc tế Thái Hòa

Theo Luật BHYT do Quốc hội khóa XII ban hành năm 2008 thì BHYT là một hình thức bảo hiểm được áp dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, do Nhà nước tổ chức thực hiện và các đối tượng có trách nhiệm tham gia theo quy định. Cụ thể, các cá nhân tham gia BHYT sẽ đóng góp một khoản phí định kỳ (hàng tháng, hàng quý hoặc hàng năm) vào quỹ BHYT do Chính phủ quản lý. Quỹ BHYT sẽ dùng nguồn thu này để chi trả chi phí khám, chữa bệnh bằng BHYT.

PV: Thông tư liên tịch số 37 mà liên Bộ Tài chính và Y tế vừa ban hành sẽ có tác động thế nào đến các cơ sở y tế trong cả nước, đặc biệt là cơ sở y tế tư nhân thưa BS?


Bác sĩ Lương Ngọc Ẩn

BS Lương Ngọc Ẩn (L.N.A.): Theo tôi thì chính sách mới này là một sự thay đổi rất lớn về mặt nhận thức, là bước đi cơ bản để tháo gỡ những rắc rối về cơ chế, chính sách cho các cơ sở y tế, đặc biệt là các cơ sở y tế tư nhân. Thông tư liên tịch số 37 của liên Bộ Y tế và Tài chính có nhiều điểm thay đổi quan trọng. Trong đó, nội dung thay đổi lớn nhất là việc “tính luôn phần định phí trong tổng phí chi trả, khác với chủ trương trước đây chỉ tính phần biến phí”. Quyết định này thực sự gây tác động mạnh mẽ đến các cá nhân có liên quan và sẽ làm thay đổi thói quen của một bộ phận không nhỏ người dân. Chắc chắn trong thời gian tới, những bệnh nhân sử dụng BHYT sẽ phải đóng tiền nhiều hơn. Tuy nhiên, xét trên bình diện rộng, việc thay đổi này mang lại rất nhiều lợi ích cho các cá nhân cũng như xã hội.

Trước tiên, những người nghèo sẽ được chăm sóc tốt hơn với chất lượng được nâng lên rõ rệt. Hay nói cách khác, những người sử dụng BHYT đều sẽ được chăm sóc tốt hơn. Đó là quy luật của thị trường. Khi có nguồn thu, có điều kiện, các cơ sở y tế sẽ tự động cải thiện lại các phương tiện, chất lượng cũng như thái độ phục vụ. Đồng thời, việc có sức khỏe tốt luôn được xem là tiền đề quan trọng để chúng ta làm việc tốt hơn, nâng cao hiệu suất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, sự điều chỉnh này còn góp phần tạo ra công bằng xã hội, xóa đi ranh giới bất bình đẳng trong việc chăm sóc sức khỏe giữa các đối tượng, thành phần khác nhau trong xã hội.

PV: Được biết, ngay sau khi Thông tư liên tịch số 37 mà liên Bộ Tài chính và Y tế ban hành, trong khi một số BV công đang đồng loạt thông báo tăng giá viện phí, một số BV tư nhân khác thì thông báo giảm phí chênh lệch dịch vụ, riêng BV Quốc tế Thái Hòa lại điều chỉnh theo hướng giảm giá cho toàn bộ danh mục khám và điều trị đối với bệnh nhân có sử dụng BHYT, tức là họ sẽ không phải trả thêm phí chênh lệch dịch vụ giống như trước đây nữa. Đây có phải là một quyết định mạo hiểm và tại sao BS lại đưa ra chính sách đó? 

BS L,N.A.: Các BV tư đều được thành lập trong một vài năm gần đây nên được đầu tư đồng bộ, trang thiết bị y tế hiện đại. Tuy nhiên, các bệnh viện tư ít khi nào khai thác được công suất hoạt động như mong muốn vì các rào cản về giá, nên thường phải nhắm vào nhóm khách hàng có điều kiện, số lượng ít. Giờ đây, dưới hiệu lực của Thông tư liên tịch số 37, rõ ràng một cánh cửa cơ hội lớn đang mở ra cho chúng tôi. Chính sách này là một sự thay đổi hoàn toàn trong chiến lược phát triển, từ việc chú trọng vào phân khúc khách hàng khám dịch vụ, còn lại là phục vụ cho bộ phận nhỏ khách hàng có BHYT, chuyển sang chú trọng hoàn toàn vào nhóm khách hàng có BHYT và khuyến khích họ bằng lợi ích về chi phí phải trả. Khi đã san bằng rào cản về giá, các bệnh nhân sẽ có nhiều lựa chọn hơn và họ sẽ nghiêng về nơi có chất lượng phục vụ tốt nhất. Mặt khác, mọi khách hàng với một khoản chi bằng nhau thì đều hưởng được một chất lượng dịch vụ như nhau, điều này sẽ xóa đi khoảng cách giữa những bệnh nhân thiếu thốn với những bệnh nhân có điều kiện kinh tế tốt. Từ đó, BV tư sẽ thu hút được số lượng lớn khách hàng trong tương lai.

Với vai trò một người thầy thuốc và cũng là người quản lý BV, tôi hoàn toàn thông cảm với một số BV tư nhân chọn hướng đi khác là giảm phí chênh lệch dịch vụ cho khách hàng có BHYT, đây là cách thức an toàn nhất để đảm bảo hoạt động. Tuy nhiên, một cách nào đó, thu thêm thì vẫn là thu thêm, dù ít hay nhiều, điều này vẫn sẽ tạo ra tâm lý e ngại cho bệnh nhân, mặt khác sẽ không ai kiểm soát được tính minh bạch trong quá trình thực hiện. Còn theo như chính sách của BV Quốc tế Thái Hòa, mọi khách hàng đều có thể tự kiểm tra về trách nhiệm và quyền lợi khi sử dụng thẻ BHYT để khám và điều trị, việc lựa chọn nơi đây để đăng kí khám chữa bệnh ban đầu sẽ thuận tiện hơn nhiều.

Để tạo ra một bảng biểu về giá dịch vụ dành cho bệnh nhân có BHYT và các bệnh nhân khác, chúng tôi đã cân nhắc và tính toán rất kỹ càng. Việc thay đổi, điều chỉnh lần này quả thật là một chuyện không hề đơn giản. Tuy nhiên, 90% dân số Việt Nam tham gia BHYT, chính sách đã ban hành, chúng ta buộc phải làm theo. Và cũng phải khẳng định, việc chung tay cùng với Nhà nước, cùng với xã hội góp phần cung cấp dịch vụ cho cộng đồng nhiều hơn sẽ làm giảm sự thất thoát, lãng phí về dịch vụ. Vì suy cho cùng, dù dịch vụ y tế, giáo dục, giao thông hay bất cứ dịch vụ nào cũng đều là tài sản chung của xã hội.

PV: Theo như chia sẻ của BS thì với chính sách mới này, khi tổ chức thăm khám và điều trị theo BHYT thì lợi nhuận của BV sẽ giảm đi rất lớn, bởi vì định phí không thay đổi, trong khi biến phí làm càng nhiều thì lại càng tăng lên. Vậy, đây có phải là chiến lược lâu dài của BV hay chỉ là hoạt động trước mắt để có được số lượng lớn khách hàng đăng kí khám chữa bệnh ban đầu tại BV?

BS L.N.A.: Tất nhiên, nếu làm theo cách này thì BV sẽ phải bù lỗ cho phần hao hụt của biến phí mà BHYT không thể thanh toán hết. Tuy nhiên, tôi vẫn khẳng định đây sẽ là chiến lược lâu dài của BV. Vì sao tôi dám khẳng định như vậy? Bởi vì, dưới góc độ kinh doanh, khi công suất tăng lên thì định phí tính trên đầu người sẽ tự động giảm xuống. Ví dụ, với tổng mức đầu tư là 400 triệu đồng thì với số lượt khách đến thăm khám là 1.000 lượt/ngày, mức phí mà một người phải chịu là 400 nghìn đồng. Trong khi nếu vận hành ở công suất tối đa là 4.000 lượt/ngày thì mức phí sẽ giảm xuống còn 100 nghìn đồng. Điều này cho thấy, nếu vận hành tốt, lượt khách tăng sẽ mang lại lợi ích rất nhiều cho BV. Đây là cách mà chúng tôi bù đắp vào phần thiếu hụt đã bỏ ra.

Ngoài ra, BV cũng sẽ tập trung đầu tư vào các dịch vụ đi kèm như ăn uống, làm đẹp, thư giãn,... Chúng tôi gọi đây là cơ hội, vì với việc không đóng thêm bất cứ khoản phí nào, khách hàng sẽ không còn lăn tăn nghĩ về chuyện giá cả và sẽ dễ dàng bị kích thích với việc sử dụng các dịch vụ cộng thêm. Nếu thành công, hoạt động này sẽ làm gia tăng thêm nguồn thu cho BV, tạo tiền đề cho chúng tôi phát triển trong tương lai.

Nói tóm lại, Thông tư 37 đã mở ra một cánh cửa lớn để các BV tư có thể bước vào cạnh tranh lành mạnh với các BV công. Đồng thời cũng mở ra một cơ hội để bệnh nhân hưởng điều kiện tốt nhất để chăm sóc sức khỏe mà không cần phải lo lắng, đắn đo về giá cả. Việc khai thông, để cho các BV tư được tiếp cận xã hội dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn là một quyết định đúng đắn và kịp thời. Bên cạnh đó, để cạnh tranh công bằng, các BV công buộc phải chuyển mình thay đổi để trở nên tốt hơn. Tôi nghĩ, với sự thay đổi này, ngành y tế trong tương lai sẽ có nhiều khởi sắc, tích cực hơn.

PV: Xin cảm ơn BS!

PV (Thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn