Cộng đồng phải quyết tâm mới đẩy lùi bệnh sốt xuất huyết
Cập nhật ngày: 22/08/2017 07:00:52
ĐTO - Bác sĩ Dương Ân Hận - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Tháp trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Đồng Tháp
* Phóng viên: Tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành trong nước. Xin ông cho biết tình hình bệnh này tại Đồng Tháp?
Bác sĩ Dương Ân Hận (D.A.H.): Đến nay, 20 tỉnh, thành phố phía Nam có số mắc bệnh SXH Dengue (D) chiếm hơn 2/3 của cả nước. Đồng Tháp có số mắc cao hàng thứ 5 với 2.095 ca, trong đó có 143 ca bệnh nặng và 3 ca tử vong, sau TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang. Đồng Tháp có 4 địa phương có số mắc cao là TP.Cao Lãnh 443/45 (ca mắc/ca bệnh nặng), huyện Lấp Vò 356/4, huyện Thanh Bình 261/9, huyện Cao Lãnh 234/22.
Đầu năm 2017, có sự gia tăng chủng vi-rút D2, đang lưu hành cùng 2 chủng vi-rút D1 và D4 đã lưu hành từ những năm trước, có thể là nguyên nhân làm tình hình bệnh SXH-D diễn biến phức tạp. Chúng tôi thấy những địa phương có vi-rút D2 lưu lưu hành thì số ca mắc và số ca bệnh nặng tăng cao. Mùa mưa đã đến trong hơn 2 tháng qua, làm cho độ ẩm không khí tăng cao, tăng số vật phế thải chứa nước tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn phát sinh.
* PV: Bác sĩ nhận định như thế nào về các ca tử vong do SXH ở tỉnh ta?
Bác sĩ D.A.H.: Trong số 3 ca tử vong do SXH-D ở tỉnh, thì có đến 2 ca vào viện trong bệnh cảnh nặng, có sốc. Qua 3 trường hợp này, theo tôi phải thường xuyên cảnh báo các bậc phụ huynh lưu ý khi con, em, người trong gia đình bị sốt cao đột ngột, khó hạ nhiệt bằng thuốc giảm đau hạ nhiệt thông thường, chán ăn, cần theo dõi kỹ lưỡng để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh nặng, từ đó đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế kịp thời.
Cụ thể, nếu thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày, có biểu hiện một trong các dấu hiệu như sau thì cần đưa ngay đến bệnh viện: quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì; đau bụng, chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen; tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống...
* PV: Cộng đồng cần làm gì để đẩy lùi bệnh SXH?
Bác sĩ D.A.H.: Để phòng bệnh có hiệu quả, ngoài nỗ lực của ngành y tế thì vai trò của chính quyền địa phương là vô cùng quan trọng trong việc huy động hỗ trợ tài lực, huy động nguồn lực của các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền vận động người dân hàng tuần làm vệ sinh môi trường trong và xung quanh nhà cho thông thoáng để làm giảm nơi trú ẩn của muỗi vằn, đổ bỏ nước đọng và lật úp các vật phế thải trong và xung quanh nhà, đậy kín các dụng cụ chứa nước, không để các vật chứa nước có lăng quăng, thả cá nhỏ ăn lăng quăng vào các vật chứa nước không thể thao rửa hàng tuần để loại bỏ lăng quăng, không để nở thành muỗi trưởng thành; vận động mọi nhà dành 15 phút vào mỗi chiều thứ Bảy hàng tuần làm vệ sinh môi trường trong và xung quanh nhà mình như: đổ nước các vật phế thải, thay nước các vật chứa nước có lăng quăng...
Chú ý trường học, phòng học, hộc bàn lớp học, môi trường quanh trường học có thể là nơi có nhiều muỗi vằn và là nơi làm lan truyền nhanh SXH-D về gia đình và hàng xóm của các em học sinh.
Ngành giáo dục - đào tạo và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, phường, khóm, ấp có vai trò rất quan trọng trong việc đẩy lùi bệnh SXH-D. Mọi người cần có ý thức tránh muỗi đốt bằng biện pháp thích hợp để tránh bị muỗi vằn truyền bệnh XSH-D.
PV: Xin cám ơn bác sĩ!
Thành Nam (thực hiện)