Tích cực theo dõi, xử trí bệnh sốt xuất huyết

Cập nhật ngày: 22/07/2017 06:12:00

ĐTO - Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận hơn 1.600 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 2 trường hợp tử vong (1 người lớn, 1 trẻ em).

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Tháp dự báo bệnh SXH có thể diễn biến phức tạp do thời tiết biến đổi, nhất là vào mùa mưa.


Thời điểm này, tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, số ca mắc sốt xuất huyết điều trị tăng

Bệnh SXH gia tăng

Theo đánh giá của ngành chức năng, dưới tác động của thời tiết El Nino điển hình, nắng nóng, mưa đan xen bất thường là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh SXH phát triển. Kết quả phân lập vi-rút cho thấy có sự chuyển đổi sang tuýp vi-rút Den 2, đây là tuýp huyết thanh thường gây ra dịch có số ca mắc và tử vong tăng cao.

Theo thống kê từ các vụ dịch SXH Dengue đã xảy ra ở những năm trước đây, tỉ lệ xét nghiệm Test nhanh NS1 (+) cao, tỉ lệ ca nặng cao hơn so với năm 2016, điều này cho thấy tình hình bệnh SXH Dengue đến cuối năm 2017 vẫn còn có số mắc cao và nguy cơ tử vong vẫn có thể xảy ra.

Tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp (ĐKĐT) từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận điều trị gần 600 trường hợp mắc SXH, trong đó có 96 ca nặng.

Cụ thể ngày 13/7/2017, Bệnh viện ĐKĐT có 27 ca mắc SXH đang điều trị, trong đó có 2 ca nặng và 1 ca có dấu hiệu cảnh báo. Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Hồng Phúc, Trưởng khoa Hồi sức nhi - sơ sinh, Bệnh viện ĐKĐT cho biết, bệnh nhi Nguyễn Ngọc Kim A. (SN 2012) ngụ ấp Tân Chủ, xã Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh, nhập viện ngày 11/7 với các dấu hiệu sốt cao liên tục, đau bụng, ho, mệt mỏi... Sau khi được theo dõi và điều trị, bệnh nhi được chẩn đoán mắc SXH. Đây là ca SXH có tiên lượng nặng, vào sốc sớm, máu cô đặc nhiều. Sau 2 ngày điều trị, tình trạng sốc ở bệnh nhi đã ổn định, giảm sốt và có dấu hiệu hồi phục tốt.

“Bệnh SXH có những biểu hiện lâm sàng khá đa dạng và tỷ lệ diễn biến nặng cao. Nếu không được phát hiện, chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời sẽ dễ dẫn đến tử vong. Hiện đang vào cao điểm mùa mưa, nếu môi trường sống không đảm bảo các yếu tố vệ sinh thì rất dễ phát sinh dịch bệnh. Trong đó, nguy hiểm nhất vẫn là bệnh SXH. Vì vậy, người dân nên chủ động phòng bệnh, không chủ quan với bệnh SXH vì bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh” - Bác sĩ Huỳnh Hồng Phúc nói.


Phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Các địa phương trong tỉnh có số ca SXH tăng cao hiện nay là: TP.Cao Lãnh (358 ca); Lấp Vò (272 ca); Thanh Bình (221 ca); huyện Cao Lãnh (183 ca). Từ tuần 22 đến tuần 26, số ca mắc SXH Dengue tăng cao hơn so với cùng kỳ 2016 sau đó có chiều hướng giảm nhưng không nhiều và vẫn còn cao hơn cùng kỳ 2016.

Nhiều nguy cơ tiềm ẩn phát sinh dịch SXH

Trước những diễn biến bất thường của bệnh SXH, Trung tâm Y tế dự phòng đã phối hợp với các địa phương tiến hành giám sát, tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường diệt muỗi, diệt lăng quăng, phun hóa chất diện rộng... Kết quả giám sát, điều tra sau chiến dịch cho thấy tỷ lệ dụng cụ chứa nước có lăng quăng vẫn còn cao.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện xử lý được 577/578 ổ dịch nhỏ, đạt 99,82%. Trong tuần qua có 12/12 huyện, thị, thành báo cáo với 34 ổ dịch phát hiện và xử lý 34 ổ dịch nhỏ (đạt 100%). Các địa phương xảy ra ổ dịch nhỏ trong tuần qua gồm: phường 4, Tân Thuận Tây, Mỹ Tân, Tịnh Thới (TP.Cao Lãnh); Tân Phú Đông (TP.Sa Đéc); Phương Thịnh, Mỹ Thọ (huyện Cao Lãnh); Tân Công Chí, Tân Thành B (huyện Tân Hồng); Mỹ Quý (huyện Tháp Mười)... đã được các cán bộ y tế điều tra côn trùng, diệt lăng quăng, phun hóa chất bán kính 200m. Đặc biệt 2 tuần gần đây, xã Định An và Định Yên (huyện Lấp Vò), số ca SXH liên tục tăng.

Theo ghi nhận của chúng tôi, khó khăn trong việc phòng, chống dịch bệnh SXH hiện nay còn có sự chủ quan của một bộ phận người dân. Ngay tại xã Tân Thuận Tây, địa phương “điểm nóng” về SXH trong thời gian qua, sự quan tâm phòng, chống dịch SXH của người dân vẫn còn hạn chế.

Chị Phan Thị Trúc P. ngụ xã Tân Thuận Tây chia sẻ: “Ai cũng biết bệnh SXH là do muỗi vằn gây ra, tuy nhiên nhiều người vẫn chưa ý thức cao trong việc phòng, chống bệnh SXH, nên chưa quan tâm vệ sinh môi trường sống để loại bỏ các ổ chứa nước đọng là điểm sinh sản của muỗi ở trong và ngoài nhà”. Còn tại nhiều khu dân cư trên địa bàn tỉnh, các vũng nước, bụi rậm, mương thoát nước thải... vẫn chưa được người dân chú ý vệ sinh.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thắm - Trưởng khoa nhiễm - Bệnh viện ĐKĐT thông tin: Hiện đang vào mùa mưa, điều kiện thời tiết thuận lợi cho lăng quăng, bọ gậy phát triển. Nếu người dân không chủ động vệ sinh môi trường, thực hiện các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng, nguy cơ lây lan bệnh SXH và các dịch bệnh do muỗi truyền sẽ tăng cao.

Tích cực theo dõi, xử lý dịch SXH

Theo nhận định của ngành y tế, năm 2017 được dự báo là năm tình hình bệnh SXH Dengue có chiều hướng diễn biến không thuận lợi, nguy cơ số ca mắc sẽ tăng cao, vì vậy ngành y tế đã chủ động trong xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống như: giám sát chặt chẽ tình hình mắc SXH Dengue nhằm phát hiện sớm các trường hợp SXH Dengue và xử lý ổ dịch kịp thời tránh để lây lan rộng; giám sát véc-tơ truyền bệnh (muỗi, lăng quăng) thường xuyên và định kỳ để phát hiện sớm yếu tố nguy cơ; triển khai chiến dịch diệt lăng quăng hoặc tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động khi cần thiết; triển khai các chiến dịch diệt lăng quăng chủ động trước và trong mùa mưa nhằm làm giảm số lượng véc-tơ truyền bệnh và những vật dụng có thể là nơi muỗi đẻ trứng.

Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn về điều trị và phòng, chống SXH Dengue cho các cán bộ làm công tác điều trị và tham gia hoạt động phòng, chống SXH Dengue tại các tuyến; đảm bảo sẵn sàng cho công tác hậu cần phòng, chống dịch như: hóa chất, máy phun... để triển khai xử lý dịch bệnh kịp thời.

Bên cạnh nỗ lực của ngành y tế, người dân cần tích cực tham gia diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng, chống bệnh SXH.

Theo báo cáo của Viện PASTEUR TP.Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến ngày 2/7/2017, các huyện trọng điểm từ 20 tỉnh/thành khu vực phía Nam ghi nhận 29.329 trường hợp mắc SXH, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó có 15 trường hợp tử vong, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2016.

Các tỉnh có số ca mắc SXH cao gồm: TP.Hồ Chí Minh 9.142 ca; Bình Dương 2.689 ca. Tỉnh giáp ranh với Đồng Tháp là An Giang có hơn 2.100 ca. Đồng Tháp đứng thứ 5 trong 20 tỉnh, thành thuộc khu vực phía Nam có số ca mắc SXH cao. Do vậy, nguy cơ lây lan nguồn bệnh SXH là tương đối lớn.

KIM NGÂN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn