Khi giá dịch vụ y tế được điều chỉnh
Cập nhật ngày: 02/06/2017 06:33:45
ĐTO - Bảo hiểm y tế (BHYT) là một hình thức bảo hiểm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Ở Việt Nam, BHYT không nhắm tới lợi nhuận, được Nhà nước cơ cấu và tổ chức để phục vụ và bảo vệ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của những người có trách nhiệm tham gia theo quy định của Luật bảo hiểm BHYT. Người tham gia BHYT sẽ được khám, chữa bệnh khi có nhu cầu dù không đủ tiền chi trả chi phí cho cơ sở y tế. BHYT còn là một hình thức tương trợ lẫn nhau giữa những người tham gia: phí bảo hiểm của người chưa có nhu cầu khám, chữa bệnh được sử dụng cho người có nhu cầu.
Là một trong những chính sách an sinh xã hội mang tính cộng đồng cao, đến nay đã có hơn 80% dân số mua hoặc được cấp thẻ BHYT.
20% dân số còn lại chưa tham gia BHYT vì nhiều lý do, phần lớn do nhận thức đơn giản: bỏ ra chừng ấy số tiền nhưng cả năm không lấy lại được đồng nào hoặc có lợi ích gì.
Từ ngày 1/6/2017, các cơ sở y tế nhà nước sẽ chính thức áp dụng giá mới cho hơn 1.900 dịch vụ y tế, mức tối đa khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh bao gồm chi phí trực tiếp như: thuốc, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế để thực hiện các dịch vụ khám chữa bệnh, chi phí về điện nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường, chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ dụng cụ, chi phí tiền lương gồm tiền lương, phụ cấp...
Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế không ảnh hưởng người đến quyền lợi của người có thẻ BHYT, bởi khi khám, chữa bệnh sẽ vẫn được thanh toán theo qui định của Quỹ BHYT; nhưng đối với người không có thẻ BHYT khi khám, chữa bệnh không chỉ phải chi trả 100% chi phí mà số tiền chi trả nhiều hơn so với trước đây bởi giá nhiều loại dịch vụ y tế tăng lên.
Đời người ai không một lần đau ốm. Có không ít trường hợp do không có BHYT phải cầm cố, bán tài sản để trị bệnh hoặc bó tay chờ chết; xã hội phải chung tay hỗ trợ...
Giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng lên không chỉ tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ và người không có thẻ BHYT mà còn có thể tác động không nhỏ đến nhận thức của một bộ phận người dân về quyền lợi bản thân khi tham gia BHYT và san sẻ với cộng đồng chi phí điều trị khi mà ốm đau là chuyện không tránh khỏi trong đời; đến công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT của các cấp, các ngành.
Hữu Ý