Tìm hướng phát triển bóng đá trẻ Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 11/05/2016 13:05:21

Từng tự hào là lá cờ đầu của phong trào bóng đá đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là trung tâm đào tạo tài năng bóng đá hiệu quả của cả nước, nhưng gần đây, việc đào tạo cầu thủ trẻ Đồng Tháp không đáp ứng yêu cầu... Hội thảo phát triển bóng đá trẻ (do Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh Đồng Tháp tổ chức vào tháng 4/2016) nhằm đi tìm nguyên nhân và giải pháp của vấn đề này.


Đội U15 Đồng Tháp vô địch Quốc gia năm 2014

Đồng Tháp tự hào là lá cờ đầu của bóng đá ĐBSCL, với thành tích các đội trẻ nối tiếp nhau bước lên bục vinh quang tại các giải trẻ Quốc gia, đội tuyển tỉnh đã 2 lần chinh phục Cúp vô địch Quốc gia; là mô hình đào tạo được nhiều địa phương đến học tập kinh nghiệm và có vị thế là một trong những trung tâm đào tạo tài năng hiệu quả cho Quốc gia. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là nếu như trước đây Đồng Tháp chỉ chảy máu tài năng khi cầu thủ có thương hiệu, thì hiện nay tài năng nhỏ tuổi đã bị nhiều câu lạc bộ (CLB) có danh tiếng như: Hoàng Anh Gia Lai Arsenal, Quỹ đầu tư Phát triển tài năng bóng đá VN (PVF), Nutifood... ký kết với gia đình các cầu thủ nhí bằng những bản hợp đồng hấp dẫn; xét về thành tích, trình độ cầu thủ cấp độ U13 - U15 của Đồng Tháp không có sự chênh lệch lớn ở phạm vi trong nước, nhưng cấp độ U17- U21 còn nhiều hạn chế về thể hình, trình độ kỹ, chiến thuật và nền tảng thể lực chưa thể đáp ứng yêu cầu thi đấu đỉnh cao. Đặc biệt, việc xã hội hóa kêu gọi đầu tư cho phát triển bóng đá trẻ chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi xu thế chung đã có nhiều CLB quan tâm đầu tư toàn diện như: Hà Nội T&T, Viettel, Sông Lam Nghệ An, Hoàng Anh Gia Lai Arsenal, Sana Khánh Hòa, Becamex Bình Dương, PVF Hồ Chí Minh... đã phát huy việc xã hội hóa qua liên kết với các học viện bóng đá tiên tiến, đầu tư chuyên gia, cơ sở vật chất và chủ động đào tạo theo tiêu chuẩn công nghệ khoa học, nên các tài năng trẻ đã tiến bộ toàn diện, đáp ứng trình độ tương đương cấp khu vực và châu lục.

Bóng đá trẻ tỉnh nhà với những hạn chế về cơ chế quản lý và nguồn tài chính, nên không thể duy trì theo hệ thống quản lý đào tạo khép kín tại CLB mà tạm giao về Trung tâm Thể dục Thể thao tỉnh quản lý. Đồng thời việc trẻ hóa vị trí cần bổ sung và chất lượng cầu thủ kế thừa cho đội tuyển cũng không đạt yêu cầu, mục tiêu thi đấu V.League. Vì vậy, hội thảo phát triển bóng đá trẻ là nhằm giải quyết bài toán chiến lược đào tạo tài năng và bảo đảm nguồn lực kế thừa cho đội tuyển bóng đá tỉnh nhà.

Tại hội thảo với sự tham dự của nhiều huấn luyện viên (HLV) và các chuyên gia bóng đá, các tham luận của HLV bàn về chiến thuật bóng đá hiện đại, các chuyên đề về cơ sở vật chất, chính sách chế độ đảm bảo cho qui trình đào tạo được quan tâm, trình bày.

Giải pháp để phát triển nguồn nhân lực với trọng tâm là học sinh, bên cạnh cần thường xuyên tập huấn cho cộng tác viên, giáo viên làm công tác phát hiện, tuyển chọn cầu thủ; các biện pháp củng cố hệ thống thi đấu giải trẻ và giải học sinh, với yêu cầu kéo dài thời gian các giải đấu và nên thi đấu vào các ngày nghỉ cuối tuần để kích thích phong trào tập luyện trong thanh thiếu niên. Ngoài ra, cần mở rộng phạm vi, đối tượng tuyển chọn tại các tỉnh, thành trong khu vực, nơi không có điều kiện đào tạo cầu thủ bóng đá...

Về qui hoạch đào tạo, cần xác định huấn luyện bán tập trung tại cơ sở là nền tảng quan trọng do tỉ lệ chất lượng ở độ tuổi 13- 15 qua đào tạo có sai số lớn, khi bị loại trả về gia đình đã gây ảnh hưởng về học văn hóa, chuyển trường. Qua nghiên cứu khảo sát tại Nhật Bản, cầu thủ dưới 15 tuổi chỉ tập trung huấn luyện tại chỗ theo giáo trình khung thống nhất. Từ 15 - 16 tuổi khi xác định chắc chắn tài năng mới tập trung đào tạo chuyên môn sâu tại các trung tâm khu vực và học viện quốc gia.

Việc đổi mới phương pháp huấn luyện theo tiêu chuẩn hiện đại là cần thiết vì hiện nay chất lượng đào tạo trong cả nước và tại Đồng Tháp có sự bất cập. Khi cầu thủ ở lứa tuổi nhỏ thì thành tích rất tốt, cụ thể các đội U14, U16 Việt Nam thắng dễ các đội mạnh của Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản... nhưng khi trưởng thành thì thành tích cầu thủ phát triển chậm lại, sa sút và thiếu kỹ năng để phát triển toàn diện. Nguyên nhân là do các HLV thiếu sót trong huấn luyện kỹ thuật cơ bản và trang bị chiến thuật cá nhân. Tại học viện Hoàng Anh Gia Lai Arsenal qui trình đào tạo cầu thủ từ 10-16 tuổi, bắt buộc không cho cầu thủ thi đấu giải chính thức và tại một số quốc gia tiên tiến thì cầu thủ nhỏ tuổi chỉ tham gia Festival bóng đá như ngày hội giao lưu nhằm tránh tâm lý nóng vội, đốt cháy giai đoạn huấn luyện cơ bản ban đầu.

Hội thảo cũng xác định vai trò HLV là rất quan trọng, có liên quan đến giáo dục thể chất, nhân cách, trí tuệ... Vì vậy, HLV phải hội đủ tri thức để kiểm soát sự tăng tiến phát triển qua nhiều giai đoạn, đánh giá đúng vị trí sở trường và tài năng thật sự của cầu thủ...

TRƯỜNG THƯ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn