Có tâm lý tốt, cán bộ, công chức bộ phận một cửa sẽ làm việc hiệu quả hơn

Cập nhật ngày: 26/05/2016 09:54:45

Thời gian qua, việc cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) theo cơ chế “một cửa”,“một cửa liên thông” được thực hiện hiệu quả, đã rút ngắn thời gian làm thủ tục, đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, công dân,... Có được kết quả trên, các cán bộ, công chức (CBCC) làm việc ở bộ phận một cửa đã vượt qua nhiều trở ngại về tâm lý để làm việc. Thạc sĩ Trần Văn Thọ - Giảng viên môn Tâm lý Trường Đại học Đồng Tháp có lời khuyên hữu ích, giúp cho CBCC ở bộ phận này làm việc thêm hiệu quả.

Thạc sĩ có nhận xét gì về kết quả, tâm lý và thái độ làm việc của CBCC ở bộ phận một cửa của tỉnh hiện nay?

Thạc sĩ Trần Văn Thọ (Ths T.V.T.): Việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” đạt được những kết quả tích cực, đó là thủ tục hành chính (TTHC) được niêm yết công khai, thời gian chờ đợi được rút ngắn, CBCC vui vẻ hướng dẫn nhiệt tình,... nên tâm lý của người dân khi đến với cơ quan Nhà nước thấy gần gũi hơn.

Tuy nhiên, tôi thấy tâm lý, thái độ làm việc của CBCC ở bộ phận một cửa còn những hạn chế. Cụ thể, về ý thức, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ và thái độ phục vụ nhân dân của đa số CBCC tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn chậm. Một bộ phận CBCC vẫn còn thiếu trách nhiệm, chưa quan tâm đến thời hạn trả hồ sơ cho tổ chức, công dân nên để hồ sơ tồn đọng, kéo dài, gây phiền hà cho nhân dân. Một bộ phận nhỏ CBCC chưa thạo việc hoặc hạn chế về năng lực; giải thích, tiếp nhận hồ sơ không đầy đủ, thỏa đáng, nên người dân phải đi lại nhiều lần. Người tiếp nhận hồ sơ, giải quyết TTHC chưa có nghiệp vụ phát hiện ra các giấy tờ, văn bản giả mạo, do vậy thường có tâm lý e ngại khi phải tự đối chiếu, tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của giấy tờ, văn bản.

Nguyên nhân do đâu mà các CBCC ở bộ phận này có những biểu hiện như vậy?

Ths T.V.T.: Những bất cập trong tâm lý, thái độ làm việc của CBCC tại bộ phận một cửa là do nhiều nguyên nhân. Tôi xin nêu vài nguyên nhân cơ bản sau:

Do công tác tuyên truyền về CCTTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” chưa mạnh và thiếu chiều sâu, nên chưa tạo chuyển biến nhiều cho CBCC trong thực hiện công vụ và hiểu biết của nhân dân về cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” còn hạn chế. Do khối lượng công việc của CBCC quá nhiều dẫn đến tình trạng quá tải, đó là nguyên nhân xảy ra những mâu thuẫn, thắc mắc giữa công dân với CBCC trong giải quyết TTHC, tạo nên nỗi bức xúc của công dân vì đến cơ quan công quyền “năm lần bảy lượt” mà vẫn không hoàn thành công việc.

Vì công việc quá nhiều, CBCC không có thời gian để nghiên cứu, nâng cao thêm trình độ, ngoại ngữ phục vụ công việc. Họ chỉ thuộc văn bản hay các luật lệ để phục vụ cho công tác hàng ngày, vô tình trở thành công chức sự vụ. Công việc nhiều, nhưng lương hưởng thấp, làm việc nhiều áp lực, thời gian không đủ để giải quyết công việc nên CCBC dễ cáu gắt, có thái độ không tốt, thiếu kiềm chế tự chủ khi tiếp xúc với công dân.

Ngoài ra, trang thiết bị phục vụ công việc còn nhiều hạn chế, máy móc cũ, hay hỏng hóc, chưa đáp ứng tốt cho nhu cầu công việc.

Nguyên nhân nữa là do trình độ hiểu biết luật pháp của người dân còn chưa cao, hồ sơ giấy tờ khi đến bộ phận một cửa làm thủ tục còn sai nhiều. Thậm chí có nhiều trường hợp đi làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng không mang theo giấy tờ gì. Không nắm được pháp luật, chưa hiểu hết quyền lợi, trách nhiệm của mình là như thế nào nên người dân rất dễ bị người khác lợi dụng. Nhiều người có suy nghĩ: “Thôi thì đưa ít tiền cho người trung gian họ sẽ làm giúp”. Điều này đã góp phần tạo nên một số người xấu trong đội ngũ cán bộ nhà nước.

Thạc sĩ có lời khuyên gì giúp cho CBCC làm việc ở bộ phận một cửa có được tâm lý tốt hơn?

Ths T.V.T.: CBCC ở bộ phận một cửa cần rèn luyện kỹ năng ứng xử khéo léo. Trong mọi tình huống giao tiếp, ứng xử với công dân nên giữ thái độ bình tĩnh, tự tin khi trình bày quan điểm của mình, khi gặp bất đồng nên cư xử khéo léo và tế nhị trong góp ý.

Cần tôn trọng đồng nghiệp, hạn chế tán gẫu quá nhiều nơi công sở. Đừng biến mình thành “bà tám” công sở khi còn một núi công việc cần giải quyết. CBCC không nên có những ý kiến mang tính cá nhân mà cần đưa ra những ý kiến mang tính chất xây dựng tập thể và ủng hộ hết mình những quy tắc có lợi cho tập thể. Tập trung cao độ trong công việc, cần đặt ra các ưu tiên trong công việc để tập trung hoàn thành nó.

Bên cạnh đó, CBCC cần phải “xả stress” thư giản cùng bạn bè, đồng nghiệp hay gia đình khi đã xây dựng cho mình một thái độ làm việc nghiêm túc, mang lại những kết quả khả quan. Hãy tham gia hết mình vào những hoạt động do cơ quan, đơn vị tổ chức để “xả tress” và khám phá được những điều thú vị từ đồng nghiệp.

Trong thời gian tới, tỉnh Đồng Tháp cần có những giải pháp nào để các CBCC ở bộ phận một cửa làm việc tốt hơn?

Ths T.V.T.: Chúng ta cần cấu trúc lại bộ máy hành chính khoa học và đồng bộ hơn. Cuộc CCHC ở nước ta hiện nay gần như chỉ nhắm vào thủ tục nhiều hơn mà không đi thẳng vào hai mục tiêu tinh giản và hữu hiệu. Khẩu hiệu “một dấu một cửa” đưa ra cho thấy sự ưu tiên về thủ tục, cốt là tránh phiền hà thủ tục hơn là sự tinh giản bộ máy và làm cho nó có hiệu quả hơn. Sau nhiều cố gắng giảm biên chế, chúng ta vẫn không nhích lên được bước nào đáng kể để làm cho bộ máy tinh giản hơn.

Cần quan tâm bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp hành chính, nâng cao thêm chuyên môn, nghiệp vụ cho CBCC làm việc tại bộ phận một cửa, bởi những bất cập trong CCHC hiện nay là do nguồn gốc tâm lý, thái độ làm việc của con người. Cán bộ quản lý cũng cần có thái độ đúng mực, biết nhận xét, đánh giá khách quan; cần tránh mâu thuẫn khi không bao giờ biết nói cám ơn cấp dưới, việc làm đúng thì cho là đó là nghiễm nhiên, còn làm sai thì khiển trách. Điều này sẽ gây nhiều ức chế cho cán bộ cấp dưới và những người này mang nỗi bực tức vào phòng làm việc với dân là dễ hiểu.

Tôi nghĩ chúng ta cũng cần hoàn thiện dần hệ thống văn bản pháp luật. Do khác nhau về góc nhìn, bên thì nói cần, bên khác nói chưa cần nên dẫn đến việc: tiền không có, thời gian bị thúc ép, người làm văn bản đa phần kiêm nhiệm dẫn đến tuổi thọ của văn bản ngắn hoặc còn nhiều sai sót. Trong khi trách nhiệm công việc lớn, quyền lợi không nhiều, chuyện đùn đẩy trách nhiệm việc là dễ hiểu.

Xin cám ơn Thạc sĩ!

Phú Thuận (Thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn