“Tổ nhân dân tự quản” - bước đầu hoạt động có hiệu quả

Cập nhật ngày: 16/04/2019 05:14:24

ĐTO - Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, đến nay toàn tỉnh đã thành lập 12.684 “Tổ nhân dân tự quản”, phủ kín toàn địa bàn, mỗi tổ có từ 39 - 45 hộ, trường hợp tổ có hộ đông nhất cũng không quá 50 hộ (ở TP.Cao Lãnh). Cơ cấu Ban quản lý tổ từ 3 - 4 người, bao gồm Tổ trưởng, từ 1 - 2 Tổ phó và Thư ký.


Người dân tham gia họp Tổ nhân dân tự quản trên địa bàn xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh

Qua khảo sát thực tế, hiện có 9.229 tổ được cấp ấp, khóm, xã, phường, thị trấn và huyện, thị xã, thành phố tổng hợp đánh giá hoạt động tốt (chiếm 72,76%), Tổ trưởng hoặc Tổ phó có tham gia tập huấn, được thành lập đúng hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban quản lý xây dựng được Quy chế hoạt động của Tổ, xây dựng những cam kết của cộng đồng quyết tâm thực hiện những nhiệm vụ cụ thể hàng năm, duy trì các hoạt động, thường xuyên giữ mối quan hệ với Ban Chi ủy, Trưởng ấp, khóm, Ban Công tác Mặt trận và Công an viên phụ trách khu vực.

Định kỳ hàng quý và đột xuất có thể tiến hành họp dân đạt từ 65% trở lên để phổ biến những chủ trương, chính sách mới và bàn những công việc chung của cộng đồng. Qua khảo sát và tiếp xúc với đại diện người dân được cấp ủy cơ sở và nhân dân đánh giá cao hoạt động và cho rằng thành lập “Tổ nhân dân tự quản” là đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dân trong tình hình hiện nay. Còn 3.455 tổ hoạt động khó khăn, chưa đi vào nền nếp (chiếm 27,23%), lý do cơ bản là do thành viên Ban quản lý tổ còn hạn chế về sức khỏe, kinh nghiệm hoạt động xã hội, một số ít chưa thật sự nhiệt tình với công việc, ngại tiếp xúc với cộng đồng.

Về nội dung hoạt động chủ yếu của “Tổ nhân dân tự quản” thì căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa bàn dân cư, yêu cầu nhiệm vụ của xã, phường, thị trấn và ấp, khóm đề ra, Ban quản lý tổ bàn bạc thống nhất với người dân thông qua “Hội nghị nhân dân” của tổ để xác định các nội dung cộng đồng cam kết quyết tâm thực hiện thông qua phát huy vai trò tự chủ, tự quản của từng hộ gia đình. Trong đó tập trung vào hai nhiệm vụ chính: Tự chủ, tự quản về phòng, chống thanh thiếu niên bỏ học, thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài; tự chủ, tự quản về bảo vệ an ninh trật tự, giáo dục và quản lý các thành viên trong từng hộ gia đình không vi phạm pháp luật,...

Đồng chí Võ Hoàng Cương - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, qua đánh giá từ báo cáo của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố và qua khảo sát thực tế ngẫu nhiên 6 tổ ở 3 huyện cho thấy, những địa phương và cơ sở nào được cấp ủy quan tâm theo dõi lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát việc tổ chức thành lập “Tổ nhân dân tự quản”, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội thống nhất chặt chẽ trong tham mưu với cấp ủy, phối hợp với UBND cùng cấp hướng dẫn, hỗ trợ việc thành lập “Tổ nhân dân tự quản”, phối hợp thống nhất với Công an, Hội Khuyến học kịp thời tập huấn định hướng cho hoạt động của “Tổ nhân dân tự quản” thì những địa phương và cơ sở đó “Tổ nhân dân tự quản” hoạt động hiệu quả tốt và ngược lại.

NGỌC TÂM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn