“Ý Đảng, lòng dân”

Cập nhật ngày: 21/02/2020 16:21:42

Kỳ 2: “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”

ĐTO - Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Lời dạy ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị, các cấp ủy Đảng đã phát huy vai trò người dân, lấy dân làm gốc trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Trong tiến trình xây dựng NTM, người dân nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Từng địa phương đã biết khơi dậy, phát huy được tiềm năng, tính chủ động, tích cực, sáng tạo của nhân dân trong tổ chức thực hiện các phần việc.

>> Kỳ 1: Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị

Hiến đất xây dựng công trình

Điều thuận lợi lớn của các xã trong xây dựng NTM là có sự tham gia tích cực của người dân, đó chính là “bệ phóng” giúp các xã “cán đích” NTM sớm. Kết quả huy động nguồn lực xây dựng NTM giai đoạn năm 2016 đến tháng 9/2019 được hơn 93.000 tỷ đồng, trong đó huy động từ cộng đồng dân cư và vốn khác hơn 840 tỷ đồng, so với giai đoạn 2010 - 2015 tổng huy động vốn thực hiện cho giai đoạn này tăng hơn 59.000 tỷ đồng từ vốn tín dụng, vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp Trung ương, ngân sách địa phương, vốn doanh nghiệp, vốn cộng đồng và từ nguồn khác đều tăng. Giai đoạn 2010 - 2019, các địa phương đã nâng cấp, sửa chữa hơn 1.650km đường giao thông, xây dựng trên 1.100 cây cầu; sửa chữa, xây mới trên 6.700 căn nhà; thắp sáng gần 215km đường quê; người dân tham gia hơn 721.000 ngày công lao động, hiến hơn 2.588.000m2 đất... góp phần hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nên đại đa số người dân trong tỉnh đã xem việc đóng góp xây dựng NTM chính là chung tay cùng Nhà nước phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Vì vậy, khi được vận động đóng góp để thực hiện phong trào xây dựng NTM, đa số người dân đều tích cực hưởng ứng. Trong xã hội ngày nay, nhiều người cho rằng “tấc đất, tấc vàng” nhưng vẫn có những tấm lòng vàng tự nguyện hiến đất cho Nhà nước xây dựng các công trình dân sinh. Chúng tôi chạy xe trên con đường đan rạch Đất Sét Nhỏ thuộc ấp Hòa Thuận, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò do người dân tự nguyện hiến đất, di dời vật kiến trúc để hoàn thiện tuyến đường chiều ngang 3,5m, dài hơn 2,3km và gắn hệ thống đèn. Tuyến đường này là kết quả của sự đồng thuận cao của gần 100 hộ dân tham gia hiến đất, góp tiền, ngày công lao động.


Lão nông Nguyễn Văn Liếp hiến đất làm tuyến đường đan Rạch Đất Sét Nhỏ ở ấp Hòa Thuận, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò

Trong đó, ông Nguyễn Văn Liếp (64 tuổi) tự nguyện hiến gần 1.000m2 đất, di dời hàng rào kiên cố và tự nguyện đóng góp tiền để Nhà nước xây dựng tuyến đường. “Khi mới bắt đầu triển khai xây dựng NTM, tôi cũng như bà con trong xóm chưa hiểu hết ý nghĩa bản thân cần làm là gì. Sau nhiều lần được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, tôi hiểu được ý nghĩa việc xây dựng NTM là cho chính người dân chúng tôi thụ hưởng. Hiểu được điều đó, tôi tự nguyện hiến đất, vận động bà con trong xóm cùng hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động để hoàn thành tuyến đường đan liên ấp, liên xã cho bà con đi lại thuận tiện”.

Qua phát động toàn dân chung tay xây dựng NTM, ở xã Hòa An (TP.Cao Lãnh) có nhiều hộ dân tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động để xây dựng đường, giúp xã sớm đạt chuẩn NTM. Một trong những người có công đóng góp xây dựng NTM ở xã Hòa An là ông Lê Phú Thiện (58 tuổi) ngụ ấp Đông Bình. Ông Thiện đã tự nguyện hiến 360m2 đất và bơm cát nền hạ để xây dựng tuyến đường Thông Lưu - Mỹ Hòa và đường Nam Cái Tôm với tổng trị giá hơn 170 triệu đồng. Ông Thiện chia sẻ: “Trước đây, tuyến đường hẹp, người dân đi lại khó khăn, mỗi khi mùa nước về, trời mưa đường đều bị ngập. Khi được chính quyền địa phương vận động, tôi đã mạnh dạn hiến đất làm đường để góp phần cho bà con đi lại được thuận tiện”.

Hay như Trường Tiểu học Mỹ Hòa 1 (thuộc xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười) được xây dựng khang trang ở vị trí “đắc địa” do được người dân hiến 6.000m2 đất. Chúng tôi tìm đến nhà lão nông Nguyễn Văn Út ngụ ấp 1, xã Mỹ Hòa để tìm hiểu thực hư về việc ông “chơi sang” với chính quyền địa phương. “Tôi thấy chính quyền địa phương gặp khó khăn khi tìm mặt bằng phù hợp để xây trường cho học sinh, mà tôi thì luôn mong muốn các cháu học sinh trong xã có chỗ học hành đàng hoàng. Sau khi bàn bạc với gia đình, tôi quyết định hiến đất để Nhà nước xây Trường Tiểu học Mỹ Hòa 1, dù khi đó kinh tế gia đình cũng chẳng khá giả hơn ai” - ông Út chia sẻ.

Ngoài những tấm lòng vàng nêu trên, kể sao cho hết những tấm gương điển hình đóng góp xây dựng NTM như ông Võ Văn Đức ngụ xã Tân Quới (huyện Thanh Bình) hiến 4.000m2 đất làm nghĩa trang nhân dân hay ông Nguyễn Văn Chóng ngụ xã Tân Huề (huyện Thanh Bình) hiến 1.000m2 xây dựng trường học.


Các thành viên Đội thi công cầu, đường huyện Lai Vung xây dựng hàng trăm cây cầu bê-tông

Những tấm lòng thiện nguyện

Buổi trưa, trời nắng chang chang, chúng tôi bắt gặp Đội thi công cầu, đường huyện Lai Vung đang miệt mài vác cát, bẻ sắt, đổ những khối bê-tông xây cầu Dân Trí bắc qua sông Cái Bàn (thuộc khóm 5, thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung). Nhìn những giọt mồ hôi đổ trên khuôn mặt của những thành viên có tuổi đời khoảng 50 – 70, chúng tôi cảm nhận sâu sắc tấm lòng thiện nguyện cùng mục tiêu chung sức xây dựng quê hương, xây dựng NTM.

Đội thi công cầu, đường huyện Lai Vung được thành lập vào năm 2008. Ban đầu, chỉ khoảng chục thành viên, dần dà phát triển lên vài chục người cùng nhau góp sức, góp tiền bắc cầu, làm đường. Những năm đầu mới thành lập, do Đội có ít người và kỹ thuật xây cầu còn hạn chế nên chỉ bắc cầu gỗ và cầu bê-tông có tải trọng 1,5 tấn trở xuống.

Ông Lê Văn Lộc - Đội trưởng Đội thi công cầu, đường huyện Lai Vung nhớ lại: “Khoảng năm 2010, tôi và mấy anh em thấy việc xóa cầu gỗ, xây cầu bê-tông kiên cố ở địa phương là cần thiết. Do vậy, nếu bắc cầu có tải trọng 1,5 tấn, ngang 2m thì vài năm sau sẽ lỗi thời. Nghĩ vậy, tôi và mấy anh em trong đội lên nhà chú Mai Văn Đâu (ở huyện Lấp Vò) học kỹ thuật xây cầu lớn. Nhờ đó, Đội xây cầu chúng tôi thành thạo trong việc xây cầu có tải trọng 5 tấn, đảm bảo đúng kỹ thuật của Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường tỉnh Đồng Tháp”.

12 năm qua, các lão nông đã đóng góp hàng ngàn ngày công lao động, xây dựng hơn 300 cây cầu bê-tông, hơn 18km đường bê-tông ở các xã NTM trong và ngoài huyện Lai Vung. “Sắp tới, Đội thi công cầu, đường huyện Lai Vung tiếp tục xây dựng cầu, làm đường ở các xã, thị trấn còn khó khăn để từng bước giúp hệ thống cầu, đường nông thôn được hoàn thiện” - ông Lộc chia sẻ.

Bà Tống Thanh Mai (70 tuổi, ngụ phường An Hòa, TP.Sa Đéc) đã có hơn 30 năm vận động bắc hơn 135 cây cầu nông thôn ở khắp các miền quê của tỉnh Đồng Tháp. Vốn xuất thân là một bác sĩ thời kháng chiến, hòa bình lập lại, bà Mai phụ trách công tác dân số ở tỉnh. Bà Mai cho biết: “Ý tưởng xây cầu từ thiện bắt đầu nhen nhóm từ năm 1989. Trong một lần đi công tác, tôi xót xa nhìn nhiều học sinh phải đội nắng chờ đò qua sông hay phải đi trên những cây cầu tre lắt lẻo để đến lớp. Từ đó, tôi bắt tay vào việc xây cầu nông thôn. Chiếc cầu đầu tiên được xây với kinh phí khoảng 500 triệu đồng là số tiền vợ chồng tôi dành dụm từ rất lâu” - bà Mai nhớ lại.


Mỗi năm, Tổ cất nhà tình thương số 2 xây dựng hơn 100 mái ấm cho người nghèo

Dù thời tiết nắng hay mưa thì các thành viên của Tổ cất nhà tình thương số 2 ở ấp An Bình, xã Định Yên (huyện Lấp Vò) vẫn nhiệt tình đi cất nhà từ thiện cho người nghèo. Tổ cất nhà tình thương số 2 được thành lập vào năm 2016, mỗi năm cất trên 100 căn nhà kiên cố cho người nghèo trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp, với giá trị khoảng 2 tỷ đồng, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện tiêu chí về nhà ở trong xây dựng NTM. Ông Huỳnh Phú Quán - Tổ phó Tổ cất nhà số 2 cho biết: “Trong năm 2020, Tổ cất nhà tình thương quyết tâm vận động nhiều nguồn kinh phí xây dựng nhà ở cho bà con trong huyện Lấp Vò, để giúp các xã hoàn thiện tiêu chí xây dựng NTM”.

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM diễn ra vào tháng 10/2019, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan  cho rằng: “Xây dựng NTM không phải là xây dựng kết cấu hạ tầng, đường sá, cầu cống, trường trạm, nhà văn hóa mới... mà quan trọng hơn là xây dựng tinh thần của người dân, phải phát huy được vai trò làm chủ xóm làng, thay đổi nhận thức, trách nhiệm của họ đối với cộng đồng”.

DƯƠNG ÚT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn