70 năm “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cập nhật ngày: 19/12/2016 04:39:14

ĐTO - Sau ngày Tuyên bố độc lập (02/9/1945), tình thế nước ta như “ngàn cân treo sợi tóc” do thù trong, giặc ngoài. Thực dân Pháp với dã tâm trở lại đặt ách thống trị lên đất nước ta, đè đầu cưỡi cổ dân tộc ta, đã nổ súng tấn công Sài Gòn và sau đó cả Nam bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, một mặt kêu gọi nhân dân Nam bộ và Nam Trung bộ đứng lên kháng chiến; mặt khác ra sức đàm phán, ký kết Hiệp định, Tạm ước với chính phủ Pháp để cứu vãn hòa bình. Nhưng thực dân Pháp đã mở rộng chiến tranh ra cả Bắc bộ.

Trước tình hình đó, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến:

“Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng muốn cướp nước ta lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

“Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc, ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc...”.

“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự tiếp nối của “Nam quốc sơn hà”, “Hịch tướng sĩ”; “Bình Ngô đại cáo”, là lời tuyên bố đanh thép của dân tộc Việt Nam về chủ quyền quốc gia, độc lập tự do dân tộc.

“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” là lời hiệu triệu dân tộc Việt Nam nhất tề đứng lên bằng sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và trí tuệ của người Việt Nam qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước với ý chí dứt khoát và kiên định: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Lời kêu gọi đồng thời chỉ ra phương pháp tổ chức lực lượng và cách thức kháng chiến.

Trải qua trường kỳ kháng chiến, chúng ta đã đánh đuổi thực dân Pháp, tiếp theo là đế quốc Mỹ. Những chiến thắng đó đã làm chấn động địa cầu.

“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị trong giai đoạn hiện nay.

Nếu mọi người dân Việt Nam chung sức, chung lòng; cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cùng từng người sử dụng, phát huy nguồn lực, tiềm năng một cách khoa học, phù hợp tình hình và nhiệm vụ; năng động sáng tạo, không trông chờ ỷ lại; tiếp thu, ứng dụng, vận dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào việc làm của mình, thì không chỉ đánh thắng bất cứ kẻ thù xâm lược nào mà còn vượt qua khó khăn, thử thách, hội nhập kinh tế quốc tế, để đưa đất nước, địa phương ta tiếp tục phát triển, dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, hiện đại.

Hữu Ý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn