KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2024)

Chiến thắng Điện Biên Phủ - Chiến thắng của lòng yêu nước và ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam

Cập nhật ngày: 07/05/2024 05:43:31

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240507054547dt2-1.mp3

 

ÂM MƯU CỦA THỰC DÂN PHÁP

Bị thất bại liên tiếp trên các chiến trường khiến thực dân Pháp dấn sâu vào thế bị động, nguy khốn. Tháng 5/1953, được sự ủng hộ của Mỹ, Chính phủ Pháp cử tướng Hăngri Nava, Tham mưu trưởng lục quân Pháp thuộc khối Bắc Đại Tây Dương (NATO) đóng ở Trung Âu làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Sau khi khảo sát thực tế chiến trường, Nava đề ra kế hoạch quân sự toàn diện (gọi là kế hoạch Nava) được Chính phủ và Hội đồng quốc phòng Pháp thông qua ngày 24/7/1953 với hy vọng sẽ chuyển bại thành thắng.


Ảnh chụp một phần Bức tranh Panorama tái hiện “Chiến dịch Điện Biên Phủ”

Giữa tháng 11/1953, bộ đội chủ lực của ta tiến lên Tây Bắc, một bộ phận tiến sang Trung Lào phối hợp chiến đấu với Quân đội Pathet, Lào. Trước tình hình đó, kế hoạch Nava bị đảo lộn, chúng phải phân tán lực lượng đối phó với ta. Nava tập trung mọi cố gắng xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương - “một pháo đài bất khả xâm phạm” gồm 49 cứ điểm, chia thành ba phân khu yểm hộ lẫn nhau, có cơ cấu phòng ngự vững chắc, hơn 16.200 quân gồm 21 tiểu đoàn, với ý đồ thách thức và nghiền nát quân chủ lực của ta.

CHỈ ĐẠO CHIẾN LƯỢC CỦA TA

Nhận rõ thủ đoạn của thực dân Pháp trong kế hoạch Nava, cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị ra nghị quyết thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954, giữ vững quyền chủ động đánh địch trên cả hai mặt trận chính diện và sau lưng địch, phối hợp trên phạm vi cả nước và toàn Đông Dương, nhấn mạnh phương châm chiến đấu “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”. Nghị quyết của Bộ Chính trị được quán triệt tới các cấp, các ngành; các kế hoạch phối hợp tác chiến giữa ta với Lào, Campuchia đã được triển khai mạnh mẽ.

Tháng 12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh quân đội trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng mặt trận. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng, không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Bác dặn dò Đại tướng Võ Nguyên Giáp: phải đánh thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh. Chính phủ cũng quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch.

Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của chiến dịch, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy quyết định tập trung đại bộ phận chủ lực tinh nhuệ gồm 4 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn công pháo, tổng quân số trên 40.000 cán bộ, chiến sĩ. Các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi mở đường, kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch. Cả hậu phương rộng lớn của đất nước đều dồn sức người, sức của với hơn 260.000 dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn, hướng về Điện Biên, bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch.


Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ

DIỄN BIẾN VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ CHIẾN DỊCH

Sau khi công tác chuẩn bị hoàn thành, ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công Điện Biên Phủ. Chiến dịch diễn ra 3 đợt trong gần 2 tháng.

Đợt 1 (từ ngày 13/3 đến 17/3/1954), ta tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập; 2 tiểu đoàn tinh nhuệ nhất của địch bị tiêu diệt và một số tiểu đoàn khác tan rã; số lượng lớn pháo 105 ly, pháo cối 120 ly và máy bay chiến đấu trong vùng lòng chảo đều bị ta tiêu diệt.

Đợt 2 (từ ngày 30/3 đến 30/4/1954), ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm và tiêu diệt khoảng 5.000 tên địch; khống chế các khu vực còn lại, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm.

Đợt 3 (từ ngày 1/5 đến 7/5/1954), ta đánh chiếm các cứ điểm còn lại và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 17 giờ ngày 6/5/1954, pháo binh và hỏa tiễn của ta bắn dữ dội vào các cứ điểm địch, mở đường cho bộ binh tiến công. 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, Tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống. Ngay trong đêm, quân ta tiếp tục đánh địch tháo chạy về Thượng Lào, đến 22 giờ toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tạo cơ sở căn bản và quyết định cho việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam; mở ra giai đoạn cách mạng mới, đưa miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và sự lớn mạnh, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ chấm dứt sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân Pháp ở ba nước Đông Dương, mở đầu quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.


Hố bộc phá 960kg trên Đồi A1 vẫn còn nguyên vẹn như chứng minh cho trận đánh ác liệt chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954

PHÁT HUY TINH THẦN CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ

Tiếp nối Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, dân tộc ta đã lập nên những chiến công hiển hách, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành sự ưu tiên, quan tâm cho phát triển toàn diện vùng Tây Bắc. Đảng bộ và Nhân dân các tỉnh vùng Tây Bắc đã tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, khai thác, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đóng góp quan trọng vào bảo đảm sự ổn định và phát triển của cả nước.

Phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên cũng đã tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, chú trọng khai thác các tiềm năng, thế mạnh, kinh tế - xã hội được duy trì ổn định và phát triển liên tục. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, cải cách hành chính chuyển biến rõ nét; bộ mặt đô thị và nhiều vùng nông thôn đổi thay, tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo giảm, đời sống Nhân dân các dân tộc từng bước được cải thiện. Các di tích của chiến trường Điện Biên được gìn giữ, bảo tồn, trở thành điểm du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước...


Hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điên Biên Phủ - Nơi tướng Đờ Cát và toàn bộ Bộ Tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là dịp chúng ta thêm tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua mọi sóng gió đi đến bến bờ vinh quang. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào, là nguồn sức mạnh to lớn để cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI xây dựng đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 xe và toàn bộ vũ khí, kho tàng, quân trang, quân dụng của địch. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng, đây là bản anh hùng ca của cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ, “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.

Phú Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn