KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ LÊ ĐỨC ANH, CHỦ TỊCH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (1/12/1920 - 1/12/2020)
Đồng chí Lê Đức Anh - dấu ấn nổi bật trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Cập nhật ngày: 30/11/2020 10:48:52
ĐTO - Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Đức Anh là dịp để chúng ta ôn lại, tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân những cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc; tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ học tập, rèn luyện theo tấm gương đạo đức cách mạng của đồng chí; nêu cao ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, đoàn kết xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp và bảo vệ vững chắc Tổ quốc thân yêu của chúng ta.
Chủ tịch nước Lê Đức Anh và Chủ tịch nước Lào Nuhak Phumsavan duyệt đội danh dự tại Lễ đón ở sân bay quốc tế Wattay (thủ đô Vientiane), trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào từ ngày 1-3/11/1993. Ảnh: Cao Phong/TTXVN
Đồng chí Lê Đức Anh (bí danh Nguyễn Phú Hòa, còn gọi là Chín Hòa, Sáu Nam), sinh ngày 1/12/1920 tại làng Trường Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế; quê quán xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Năm 1937, đồng chí tham gia phong trào dân chủ ở huyện Phú Vang và Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tháng 5/1938, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; sau đó được tổ chức phân công phụ trách các nghiệp đoàn cao su ở Lộc Ninh. Từ tháng 8/1945 đến tháng 10/1948, đồng chí giữ các chức vụ từ Trung đội trưởng đến Chính trị viên Trung đoàn 301. Từ tháng 11/1948 đến tháng 12/1950 là Tham mưu trưởng Khu 7, Khu 8 và Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Từ năm 1951 đến năm 1954 là Tham mưu phó, Quyền Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Nam bộ. Từ tháng 5/1955 đến tháng 7/1963, đồng chí đảm nhiệm các chức vụ Cục phó Cục Tác chiến và Cục trưởng Cục Quân lực, Bộ Tổng Tham mưu. Tháng 8/1963, đồng chí được bổ nhiệm Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Từ tháng 2/1964 đến năm 1968, đồng chí được giao giữ chức vụ Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Từ năm 1969 đến năm 1974, đồng chí là Tư lệnh Quân khu 9. Từ năm 1974 đến năm 1975 là Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh cánh quân hướng Tây - Tây Nam đánh vào Sài Gòn.
Tháng 5/1976, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh Quân khu 9. Tháng 6/1978, được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, Chỉ huy trưởng Tiền phương Bộ Quốc phòng ở mặt trận Tây Nam. Tháng 6/1981, được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia; Phó Trưởng ban, rồi Trưởng ban Lãnh đạo Đoàn Chuyên gia Việt Nam tại Campuchia. Đồng chí được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng năm 1974; được thăng quân hàm Thượng tướng năm 1980, Đại tướng năm 1984. Tháng 12/1986, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Từ tháng 2/1987, là Phó Bí thư Đảng ủy quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ngày 23/9/1992, Quốc hội khóa IX đã bầu đồng chí làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho đến tháng 12/1997. Đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI, VII, VIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa VII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa V, VI, VII, VIII; Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII; Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 12/1997 đến tháng 4/2001; đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII và IX.
Ngày 22/4/2019, đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh qua đời tại nhà công vụ trong Trạm khách Bộ Quốc phòng (T66), số 5 Hoàng Diệu, Hà Nội. Với 99 năm tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, đồng chí Lê Đức Anh đã trọn đời phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Nhân dân ta. Đồng chí được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều Huân chương, Huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế. Đồng chí Lê Đức Anh đã có nhiều đóng góp quan trọng trong xúc tiến bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Cuối tháng 7/1991, với tư cách là phái viên của Bộ Chính trị, đồng chí sang thăm Trung Quốc để trao đổi những vấn đề cụ thể việc bình thường hóa quan hệ hai nước. Sau chuyến đi này của đồng chí Lê Đức Anh, từ ngày 5 - 10/11/1991, là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt dẫn đầu, theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân và Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Bằng. Đây là mốc đánh dấu chính thức bình thường hóa và mở ra một trang sử mới trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, khép lại nhiều năm đối đầu căng thẳng.
Đồng chí Lê Đức Anh đã chú trọng việc điều chỉnh bố trí chiến lược quốc phòng. Theo đó, Quân đoàn 3 được điều lên đứng chân ở Tây Nguyên, kịp thời đẩy lùi hoạt động của bọn phản động, tạo môi trường ổn định cho Tây Nguyên phát triển kinh tế; đội hình bố trí lực lượng của các quân, binh chủng được điều chỉnh thích hợp; tăng cường phòng thủ biển, nhất là khu vực quần đảo Trường Sa. Đồng chí đã đề xuất với Đảng, Nhà nước và trực tiếp chỉ đạo giải quyết nhiều vấn đề lớn, quan trọng về quân sự, quốc phòng như: Thực hiện giảm quân số, giảm ngân sách quốc phòng trong tình hình nền kinh tế bị khủng hoảng; tiến hành các chính sách cụ thể để cải thiện đời sống bộ đội, giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ, thực hiện chính sách hậu phương quân đội; chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh Nhân dân trong tình hình mới...
Đồng chí đặc biệt quan tâm và có tầm nhìn chiến lược về phòng thủ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ngày 6/11/1987, đồng chí ký Mệnh lệnh số 1679/ML-QP về việc bảo vệ quần đảo Trường Sa; đưa lực lượng ra đóng giữ các bãi cạn chưa có người, trước mắt đưa ngay các lực lượng ra đóng giữ Đá Tây, Chữ Thập, Đá Lớn, Tiên Nữ để khai thác và sẵn sàng bảo vệ đảo. Ngày 7/5/1988, phát biểu tại cuộc mít tinh kỷ niệm 33 năm Ngày truyền thống Quân chủng Hải quân (7/5/1955 - 7/5/1988) được tổ chức tại đảo Trường Sa Lớn, đồng chí nhấn mạnh: Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của các cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: “Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”. Ngày 29/5/1989, Mệnh lệnh số 167/ML-QP về đóng giữ, bảo vệ khu vực biển thềm lục địa, các bãi đá ngầm (khu DK1) của Việt Nam; trên cơ sở đó, từ tháng 6/1989 đến tháng 11/1990, Quân chủng Hải quân đã khắc phục mọi khó khăn, thực hiện sự tiếp tục có mặt của Việt Nam trên thềm lục địa 60.000 km2 thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, phù hợp với Luật Biển quốc tế năm 1982.
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6/1991), đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX (tháng 9/1992), đồng chí được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trên cương vị Chủ tịch nước, đồng chí Lê Đức Anh đã có nhiều công lao, cống hiến to lớn với nhiều dấu ấn nổi bật cả về đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước Lê Đức Anh và các đồng chí trong Bộ Chính trị đã dồn hết tâm lực cho công việc với quyết tâm và cố gắng cao nhất, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, phát huy mọi động lực mới, khai thác mọi tiềm năng để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống Nhân dân. Cùng với việc phấn đấu hoàn thành các công việc về công tác xây dựng pháp luật, công tác cán bộ, công tác tiếp dân, công tác thi đua - khen thưởng... Chủ tịch nước Lê Đức Anh thường tận dụng quỹ thời gian của mình đến các địa phương để nắm bắt tình hình thực tế ở cơ sở, nhìn rõ những thuận lợi cần khai thác, những khó khăn cần tháo gỡ. Đặc biệt sau khi đề xuất và được Bộ Chính trị đồng ý, đồng chí đã ký Lệnh số 36L/CTN, ngày 10/9/1994 công bố Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng” và Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người tham gia hoạt động kháng chiến, người có công với cách mạng. Cũng kể từ đó, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nhà tình nghĩa và nhận phụng dưỡng suốt đời các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng và xây dựng “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, toàn dân chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng được hưởng ứng sôi nổi, rộng khắp trong cả nước, thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Về đối ngoại: thấu suốt đường lối đối ngoại của Đảng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã có nhiều đóng góp quan trọng trên lĩnh vực đối ngoại của đất nước, nổi bật là việc xúc tiến bình thường hóa quan hệ với Mỹ và thúc đẩy Việt Nam gia nhập ASEAN. Bằng những nỗ lực của hai bên, sáng ngày 12/7/1995 (theo giờ Việt Nam), hai nước tuyên bố bình thường hóa quan hệ. Tháng 10/1995, Chủ tịch nước Lê Đức Anh sang New York dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Liên hợp quốc; đồng chí trở thành Nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Việt Nam đặt chân tới Mỹ. Cùng với xúc tiến bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã có nhiều đóng góp cho tiến trình thúc đẩy để Việt Nam gia nhập ASEAN vào ngày 28/7/1995. Đồng chí Lê Đức Anh đã cùng Bộ Chính trị chỉ đạo sát sao các bộ, ngành để mở rộng quan hệ với các nước. Sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ, hàng loạt các quốc gia tìm đến Việt Nam để tìm hiểu và hợp tác, đầu tư về kinh tế và khoa học công nghệ. Cũng trong nhiệm kỳ này, thay mặt Nhà nước và Nhân dân ta, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã đi dự một số hội nghị quốc tế quan trọng; thăm chính thức và làm việc với 13 nước trên thế giới; đón tiếp 26 nguyên thủ quốc gia thăm hữu nghị chính thức và nhiều đoàn khách quốc tế tới thăm Việt Nam; tiếp nhận 90 đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài tại Việt Nam và cử 57 đại sứ của nước ta tại các nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam; ký quyết định phê chuẩn 1 Hiến chương, 26 Công ước, 5 Hiệp ước, 35 Hiệp định, 3 Nghị định thư giữa Việt Nam với các nước và tổ chức quốc tế; trình Quốc hội phê chuẩn 1 Công ước theo quy định của Hiến pháp (Công ước quốc tế về Luật biển); ủy quyền đàm phán và ký kết một số điều ước quốc tế khác.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Đức Anh đã có nhiều cống hiến cho Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân; nhưng cũng suốt cuộc đời, đồng chí sống giản dị và vô cùng thanh bạch. Sống liêm khiết, giản dị đã trở thành thói quen và nếp sống của đồng chí ở bất kỳ hoàn cảnh, môi trường nào đã đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đúng như Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã khẳng định: “Là một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta”.
DŨNG CHINH (Tổng hợp)