Hành trình 20 năm tìm đồng đội trên đất nước chùa Tháp

Cập nhật ngày: 25/11/2020 10:36:03

Năm 2001, Quân khu 9 thành lập 4 Đội chuyên trách tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (gọi tắt là Đội K), gồm Đội K90 trực thuộc Cục Chính trị, Đội K91 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Đồng Tháp, Đội K92 thuộc Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang và Đội K93 thuộc Bộ CHQS tỉnh An Giang. Nhiệm vụ của Đội K91 là tìm kiếm, cất bốc, quy tập, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ trên chiến trường Campuchia (trên địa bàn 2 tỉnh Prây-veng và Pu-sát). Trải qua 20 năm, công việc ấy vẫn không hề ngơi nghỉ, các anh cứ đi, khi thì rong ruổi trong những cánh rừng già âm u, lúc lại lần từng bước chân bên sườn dốc cheo leo, rồi mải miết giữa cánh đồng mênh mông… đi tìm hài cốt đồng đội đang còn nằm lại đâu đó trên mảnh đất này với một nỗi niềm đau đáu – làm sao để đưa tất cả các liệt sĩ về lại với gia đình, quê hương.


Cán bộ, chiến sĩ Đội K91 cất bốc hài cốt liệt sĩ tại xã Com-som-pư, huyện Pèm-chô, tỉnh Prây-veng

 “4 cùng” với Nhân dân

Những ngày đầu sang Campuchia, anh em trong Đội chỉ vài người biết tiếng của nước bạn hoặc học lóm được vài câu chào hỏi xã giao, còn lại chủ yếu “nói bằng tay”. Rồi khi đã dần thông thạo tiếng của nước bạn, các anh lại tiếp tục học phong tục tập quán của người dân bản địa. Đại tá Nguyễn Ngọc Thanh - nguyên Đội trưởng Đội K91 tâm sự: “Nhiều hôm vào ấp khảo sát, tìm thông tin, gặp khi người dân đang cày ruộng, mình cũng xắn tay áo làm cùng hoặc lúc cất nhà, phát rẫy, tỉa bắp... Có vậy người dân mới quý mà tận tâm với mình. Lắm lúc từ sáng đến trưa chở nhau trên chiếc hon-đa chạy mấy chục cây số tê cứng cả tay, đến được nhà dân ngay lúc họ đang bày tiệc rượu, chưa kịp lau mồ hôi, gia chủ đã kéo vào để cùng chung vui. Và những lúc như thế, rất dễ tìm được thông tin về nơi chôn cất liệt sĩ...”.

Cứ như vậy, hành trình đi, tìm, hỏi, sống cùng bà con, dần dần đã thấm đẫm tình thương yêu giữa Bộ đội Việt Nam và Nhân dân nước bạn. Có khi là vài ký gạo, nhu yếu phẩm hoặc thuốc chữa bệnh, dù chẳng đáng là bao nhưng cái tình cái nghĩa giữa bộ đội Việt Nam và Nhân dân nước bạn được gắn kết ngày càng đậm sâu.

Còn nhớ năm 2019, chúng tôi cùng Đội K91 đến xã Com-som-pư, huyện Pèm-chô, tỉnh Prây-veng để khám bệnh, cấp thuốc cho Nhân dân, ông Coi-Sóc-Khol (63 tuổi) không giấu được xúc động: “Trước đây, tôi cũng từng tham gia Quân đội Hoàng gia Campuchia và cùng bộ đội Việt Nam đánh đuổi Pôn-pốt. Giải phóng đất nước rồi, mừng lắm. Bây giờ bộ đội Việt Nam trở lại tìm đồng đội, nghĩa cử này thật cao đẹp và đáng quý. Tôi sẽ cùng các bạn của mình đi tìm hiểu, nếu có thông tin gì về mộ liệt sĩ, chắc chắn tôi sẽ báo ngay”.

Sư Sau-Sol - Phó trụ trì chùa Precputminbol đã 84 tuổi nhưng rất nhiệt tình dẫn các anh em ra tận rẫy cách đó gần 4 cây số để chỉ nơi chôn cất liệt sĩ. Mặc dù trí nhớ không còn minh mẫn lắm, ông hứa sẽ cố gắng đến các xã lân cận để tìm thông tin. Sư Sau-Sol chia sẻ: “Trong những ngày lễ chùa, tôi đều thông báo và kêu gọi Nhân dân hễ biết được tin tức hoặc đã từng nhìn thấy hài cốt liệt sĩ Việt Nam chôn cất nơi đâu thì lập tức báo tin cho nhà chùa hoặc các anh em bộ đội Việt Nam cất bốc. Đây là việc nghĩa, bởi vậy chúng tôi giúp được gì sẽ làm ngay”.

Những kỷ niệm khó quên

Trong những ngày làm nhiệm vụ trên đất bạn Campuchia, cán bộ, chiến sĩ Đội K91 có biết bao kỷ niệm khó quên. Binh nhất Diệp Minh Lợi - Phân đội 1, tâm sự: “Từ nhỏ tới lớn chưa hề làm việc gì nặng nhọc, sang đây, ngày đầu tiên đào hàng chục mét khối đất đá, bở cả tay, sáng thức dậy mình mẩy đau nhức, ê ẩm”.

Thế nhưng điều đó cũng chưa thấm gì khi anh em phải đối mặt với cuộc sống sinh hoạt thiếu thốn hiện tại. Đội phải đóng quân trong các cánh rừng cách xa khu vực dân cư. Mỗi lần đi chợ tiếp thực phẩm mất cả ngày, thức ăn gói ghém dùng cho một tuần lễ. Mùa mưa, đường đi lầy lội, trơn trợt, từ nơi đóng quân đến địa điểm đào tìm, anh em phải hành quân bộ hơn chục cây số. Đó là chưa kể có lúc phải vượt qua những con suối sâu ngang cổ dài hơn 50m, nước chảy xiết, khi đến nơi, ai nấy chân tay như rã rời. Vậy cũng còn đỡ, đến mùa khô thì nước sinh hoạt khan hiếm, muốn nấu cơm phải đào hố để lấy nước ngầm lắng vào chậu mà sử dụng, còn tắm giặt thì tiêu chuẩn mỗi người được vài ba gáo nước hoặc dùng chung nước ao, đìa với gia súc. Ở nơi có điện còn được xem ti-vi, chứ ở ngoài lán hoặc trong rừng thì chập choạng tối đã chui vào mùng tránh muỗi. Đêm nào mưa to xem như bị mất ngủ để dời đồ đạc...

Thượng tá Tiết Văn Hồng - Phó đội trưởng Đội K91 cho biết: “Mặc dù mỗi vị trí đóng quân, đơn vị đều tổ chức phát quang thông thoáng, mắc tăng, võng cẩn thận nhưng vẫn có trường hợp anh em bị rết, bọ cạp cắn; lắm lúc khi sáng ngủ dậy, vừa xỏ chân vô đã phát hiện có rắn nằm trong giày. Cả khi anh em đang ngủ trưa thì rắn bò ngay trên đầu võng, vậy là phải bình tĩnh để thoát ra ngoài vì đa số đều là loại rắn cực độc. Chỉ cần sơ sảy là nguy hiểm đến tính mạng”.

Có lẽ đối với Thượng úy Nguyễn Văn Trị - nhân viên lái xe, Đội K91, kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với anh là vào giai đoạn mùa khô năm 2009, khi Đội tìm kiếm hài cốt tại huyện Prây-sa-đách, tỉnh Prây-veng. Anh Trị kể: “Lúc đào xuống khoảng hai lớp leng thấy có ni-lông bọc hài cốt, anh em chưa hết vui mừng, thì phát hiện bên thành hố nhô ra một vật trông giống như đuôi đạn Cối 82mm. Đưa máy dò tìm, quả nhiên có tín hiệu của kim loại. Gần 20 phút trôi qua trong căng thẳng, cuối cùng anh em cũng lần tách và lấy ra được, nhưng không phải là đạn Cối 82mm mà chỉ là... cục pin con ó. Cả đội một phen hú vía. Nhưng khi đưa được hài cốt lên thì lần này là quả mìn 65-2A nằm trong bao vải đựng bình toong nước. Rất may là không ai nặng tay khi lấy hài cốt, nếu không thì đã xảy ra chuyện, bởi sau khi kiểm tra, kíp nổ vẫn còn nguyên”.

Còn với Thượng úy Huỳnh Văn Trung - nhân viên lái xe, Đội K91, điều làm anh nhớ mãi đó là mỗi khi tìm được hài cốt biết danh tính và trao lại cho gia đình, họ nắm chặt tay từng anh em trong đội cảm ơn mà nước mắt lưng tròng. “Từ những điều giản đơn như thế, mà suốt thời gian làm nhiệm vụ trên đất bạn, chúng tôi luôn an ủi, động viên nhau, dù có vất vả đến mấy cũng không được nản chí và chùn bước trước bất kỳ thử thách nào. Phải nghĩ rằng những liệt sĩ đang còn nằm lại nơi đây như người thân trong gia đình mình, tìm kiếm họ về lại với quê hương là trách nhiệm phải làm” - Thượng úy Huỳnh Văn Trung trải lòng.


​Cán bộ, chiến sĩ Đội K91 cất bốc hài cốt liệt sĩ tại xã Com-som-pư, huyện Pèm-chô, tỉnh Prây-veng

Ấm áp tình hữu nghị

Qua gần 20 giai đoạn triển khai tổ chức thực hiện, được sự giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi của lãnh đạo, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, lực lượng vũ trang và Nhân dân Campuchia, từ năm 2001 đến nay, Đội K91 đã quy tập được 1.648 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở Campuachia về nước, trong đó có 70 hài cốt xác định được danh tính. Riêng địa bàn trong nước, đã cất bốc được 219 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 11 hài cốt xác định được danh tính

Theo Đại tá Trần Văn Tâm - Đội trưởng Đội K91, mỗi một giai đoạn qua đi, khó khăn lại chồng chất khó khăn. Thời gian đã qua đi hơn 45 năm, các vị trí trên sơ đồ giờ đã thay đổi hoàn toàn; những người dân từng sinh sống và biết được nơi chôn cất liệt sĩ có người đã mất hoặc tuổi cao không thể nhớ được chính xác vị trí cụ thể. Mặc khác, trong những năm chiến tranh, địa hình đóng quân và chiến đấu của ta chủ yếu là khu vực rừng rậm và đồi núi, nay trở thành đồng ruộng, vườn cây ăn trái, các dấu tích như là công sự, hầm phẫu của các bệnh viện hoặc trạm xá quân y đều bị xóa mất; công tác ghi chép trong quá trình chôn cất liệt sĩ của ta trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ chưa thật cụ thể, rõ ràng nên một số vật chuẩn và các địa danh chùa chiền, núi, suối, xóm, ấp... đều không đúng với tên thật của nó. Thực tế khi tiến hành đào tìm tại các địa điểm thông qua sơ đồ, cũng như thông tin từ gia đình hầu như độ chính xác rất thấp.

Khó khăn là vậy, nhưng cán bộ, chiến sĩ các Đội tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ luôn thể hiện rõ sự quyết tâm, xác định đây là nghĩa vụ thiêng liêng, thể hiện lòng tri ân sâu sắc với liệt sĩ. Có những nơi phải đào đi đào lại hàng chục lần, anh em vẫn không hề nản chí.

Thấy được việc làm chan chứa nghĩa tình của bộ đội Việt Nam với đồng đội, khi có được thông tin, nhiều người dân đã tình nguyện hàng mấy ngày trời dẫn đường đưa anh em vào các khu vực đào tìm. Thượng tá Nguyễn Thanh Tòng - Phó đội trưởng Đội K91 kể: “Khi người dân dẫn anh em đến nơi đào tìm được hài cốt, chúng tôi đưa tiền bồi dưỡng thì họ từ chối và bảo rằng, trước đây, nếu không nhờ bộ đội Việt Nam sang giúp thoát khỏi cảnh chiến tranh chết chóc thì làm gì bà con được hưởng hòa bình như ngày hôm nay. Việc làm của chúng tôi là để đáp đền công ơn của họ”.

Ông Chắc-Pal (64 tuổi) ở xã Com-som-pư, huyện Pèm-chô, tỉnh Prây-veng xúc động khi nói đến các anh em trong Đội K91: “Tôi thấy bộ đội Việt Nam rất có trách nhiệm và yêu thương đồng đội mình. Đã mấy chục năm rồi, vậy mà các anh vẫn còn nhớ đến và đi tìm đồng đội. Có lúc nắng như đổ lửa, ngồi trong nhà vẫn còn thấy nóng vậy mà các anh cứ kiên trì đào tìm, hết hố này đến hố khác. Nhiều khi gần nửa tháng trời, không tìm được hài cốt nào, vậy mà các anh không hề tỏ ra chán nản. Có lẽ các liệt sĩ đang còn nằm lại dưới lòng đất sẽ thấy an ủi và ấm lòng lắm”.

Trúc Mai

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn