Hiệu quả công tác dân vận - Lấy sức dân bồi dưỡng cho dân

Cập nhật ngày: 31/12/2019 05:31:17

ĐTO - Hiện tại, mô hình “Tổ nhân dân tự quản” trên địa bàn tỉnh đã phát triển được 12.590 tổ, với 427.601 hộ thành viên phủ kín toàn tỉnh (quy mô mỗi tổ có từ 15 - 40 hộ gia đình sống liền kề), cùng nhau tự quản các vấn đề xảy ra ở cộng đồng dân cư, trọng tâm là thực hiện tốt 2 nhiệm vụ chính: tham gia tự quản trong giữ gìn an ninh trật tự và tự quản nhằm xây dựng xã hội học tập trong mỗi gia đình, từng cộng đồng thôn xóm. Đặc biệt, “Tổ nhân dân tự quản” đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi cách nghĩ, thói quen sinh hoạt và tập quán làm ăn nhỏ lẻ, manh mún thành hình thức “liên kết, hợp tác và tự quản”, tác động tích cực đến việc xây dựng tinh thần đoàn kết, tương trợ gắn bó, chia sẻ cùng nhau, góp phần giữ vững an ninh trật tự và công tác khuyến học, khuyến tài ở địa phương. Từ đó, huy động sức dân tích cực tham gia Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.


Thành viên “Tổ nhân dân tự quản” tham gia sinh hoạt “Câu lạc bộ nông dân với pháp luật” ở xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh

Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thông qua mô hình “Tổ nhân dân tự quản” đã khẳng định được vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc là tổ chức liên minh chính trị, huy động các lực lượng xã hội cùng thực hiện tốt công tác “an dân”; phát huy vai trò nòng cốt của các cá nhân tiêu biểu, người có uy tín tại cộng đồng dân cư tham gia vào ban quản lý của Tổ, trực tiếp theo dõi, nắm bắt và giải quyết tình hình trong nhân dân, không nặng tính hành chính. Đây là kênh tuyên truyền hữu hiệu nhất về những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương và là nơi tạo dựng lòng tin của dân đối với Đảng cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân. Thực tế từ sau khi nhân rộng đến nay, “Tổ nhân dân tự quản” đang là mô hình mang lại hiệu quả thiết thực.

Song hành cùng với “Tổ nhân dân tự quản”, trên địa bàn tỉnh còn có mô hình “Hội quán” của người dân. Đầu tiên là Canh Tân Hội quán (ra mắt tháng 7/2016), đến nay toàn tỉnh đã có gần 90 “Hội quán” với hơn 4.600 thành viên. “Hội quán” là không gian mở, thiết chế tự nguyện, đa dạng thành phần và lĩnh vực hoạt động. “Hội quán” không giới hạn địa giới hành chính như “Tổ nhân dân tự quản”, chỉ cần người dân có cùng sở thích, có thể cùng hoặc không cùng ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nhưng có tâm huyết muốn phát triển kinh tế gia đình và xây dựng phát triển địa phương đều có thể tham gia (Hội quán liên xã, liên huyện, liên tỉnh). Hội viên “Hội quán” gồm: nông dân, thanh niên, phụ nữ, đảng viên, tôn giáo, doanh nghiệp, nhà khoa học và có cả văn nghệ sĩ. Mỗi thành phần đều có vai trò chủ lực trong “Hội quán”, nòng cốt là vai trò của đảng viên là cán bộ, công chức của tỉnh, của huyện, của xã đến tham dự sinh hoạt và đảng viên là thành viên của “Hội quán” đã đưa hình ảnh của Đảng đến gần dân hơn. Thông qua mỗi kỳ sinh hoạt để cùng “Nghe dân nói - Nói dân nghe”. Kịp thời đưa những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với dân, từ đó tạo sự gắn bó giữa Đảng, chính quyền và người dân.

Đến với Hội quán, người dân “tự bàn, tự quyết” chuyện làm ăn, cùng nhau “tự quản” các vấn đề ở cộng đồng dân cư; người dân được phát huy dân chủ, kích hoạt sự sáng tạo, đổi mới; gắn kết tình làng nghĩa xóm, có ý thức, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, khắc phục dần tư tưởng trông chờ, ỷ vào Nhà nước. Với mô hình này, nông dân Đồng Tháp đang dần chuyển đổi “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp” thông qua việc “liên kết”, “hợp tác” trong sản xuất, kinh doanh, nhằm tăng quy mô, giảm tối đa chi phí đầu vào và bán thô sản phẩm; ứng dụng công nghệ vào chế biến nông sản, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng lợi nhuận, góp phần thực hiện các loại hình kinh tế tập thể trong nhân dân. Trên nền tảng “Hội quán”, đã có 17 hợp tác xã được thành lập, thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án trọng tâm của tỉnh, nhất là Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Ông Võ Hoàng Cương - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cho biết, nếu nói về mô hình tự quản chung trong nhân dân hiện nay ở Đồng Tháp (không tính các mô hình của các tổ chức chính trị - xã hội) thì “Tổ nhân dân tự quản” là mô hình nhân dân tự quản theo chiều rộng; “Hội quán” là nhân dân tham gia tự quản theo chiều sâu của sự phát triển xã hội. Đây chính là “sản phẩm dùng chung” của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, được cấp ủy thống nhất chủ trương, chính quyền cho phép và Mặt trận Tổ quốc hướng dẫn về tổ chức và hoạt động. Đó chính là tư duy và hành động cụ thể trong đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của công tác dân vận nói chung, của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội nói riêng.

NGỌC TÂM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn