Người thương binh tâm huyết với công tác nghiên cứu sử học

Cập nhật ngày: 21/01/2013 06:16:57

Tham gia Ban Chấp hành Hội Khoa học Lịch sử tỉnh gần hai nhiệm kỳ, ông Nguyễn Đắc Hiền - Chủ tịch Hội khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp, nguyên Phó Bí thư Thường trực, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã có những đóng góp không nhỏ cho hoạt động của Hội nói riêng, công tác sử địa phương nói chung.


Sinh ra tại xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, nhiều năm công tác trên lĩnh vực tuyên huấn, giáo dục và văn hóa thông tin, ông Nguyễn Đắc Hiền am hiểu về lịch sử địa phương và tâm huyết với việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Với vai trò Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử, ông luôn nêu cao ý thức tự lực, tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm. Khi mới thành lập, Hội không có trụ sở riêng, phải hoạt động tại Phòng Lịch sử dân tộc thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy (nay là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy). Năm 2007, Phòng Lịch sử dân tộc giải thể, ông liên hệ xin lại nhà Mẫu giáo huyện Tân Hồng được Úc tài trợ chưa dời về địa phương để chuyển tới địa điểm hiện tại, lót nền, sửa sang, từ đó Hội có trụ sở làm việc ổn định.

Về kinh phí hoạt động Hội cũng gặp không ít khó khăn, Đồng Tháp Xưa và Nay là ấn phẩm của Hội xã hội nghề nghiệp này với đối tượng phục vụ là thầy cô giáo dạy các môn Văn, Sử và sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, THPT, THCS, cán bộ về hưu... nhưng các trường, Câu lạc bộ hưu trí không đủ kinh phí mua. Do đó, ông trực tiếp vận động các doanh nghiệp trong tỉnh như Công ty TNHH Hùng Cá, Công ty cổ phần Sao Mai, Cty TNHH MTV Xổ Số Kiến Thiết, Công ty Xây lắp & Vật liệu xây dựng... mua tặng các trường và đối tượng chính sách từ quỹ phúc lợi xã hội, từ đó giải quyết phần nào khó khăn về kinh phí, giúp giáo viên, học sinh có điều kiện tiếp xúc, nghiên cứu tư liệu, hiểu thêm về lịch sử, đặc biệt là lịch sử địa phương và văn hóa vùng miền.

Ông cũng đã đóng góp không nhỏ trong việc trực tiếp vận động thành lập Hội Khoa học Lịch sử các huyện, thị, thành. Hiện nay, Đồng Tháp có 5/12 đơn vị đã thành lập Hội gồm các huyện: Tân Hồng, Hồng Ngự, Thanh Bình, thị xã SaĐéc và Lấp Vò; các đơn vị đang trong quá trình vận động thành lập Hội là Cao Lãnh, Châu Thành và thị xã Hồng Ngự.

Thời gian qua, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp đã có các công trình khoa học xuất bản như: Đồng Tháp thế kỷ XX một cách nhìn; Đồng Tháp 300 năm; Sống dậy đồng nước; Ngành in Đồng Tháp trong kháng chiến; Bẻ gãy một ý đồ; Lịch sử ngành giao thông liên lạc và vô tuyến điện Nam Bộ; Lịch sử cách mạng xã Tân Thuận Tây; Từ cuộc sống; đặc biệt “Trên cánh đồng đưng” - chuyện kể cho thiếu nhi về sinh hoạt của người làm cách mạng trong kháng chiến... Hiện tại, ông đang biên soạn Lịch sử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy giai đoạn 1954 - 1975; Địa danh văn hóa lịch sử Đồng Tháp; các Di tích lịch sử cấp quốc gia của tỉnh.

Tuy là thương binh, tuổi cao, ông Nguyễn Đắc Hiền luôn miệt mài và hết lòng cho công tác sử, trực tiếp gặp gỡ các nhân chứng lấy tư liệu, nghiên cứu viết sách; đặc biệt là làm tư vấn cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành những vấn đề liên quan đến lịch sử địa phương. Năm 2012, với việc đề xuất Tỉnh ủy tổ chức kỷ niệm 58 năm ngày tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh 1954 và phát động viết Hồi ký hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh 1954 - 2014, sự kiện này được đông đảo các đồng chí lão thành cách mạng trong và ngoài tỉnh tán thành...

Khi được hỏi về thành tích khen thưởng, ông chỉ mỉm cười đôn hậu. Ông vẫn miệt mài và cống hiến lặng lẽ.

Ngô Thị Thủy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn