Kỷ niệm 40 năm ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979 - 7/1/2019)

Quân và dân Đồng Tháp tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam

Cập nhật ngày: 07/01/2019 08:56:43

ĐTO - Đồng Tháp có đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Prây Veng (Vương quốc Campuchia) dài hơn 50km. Khoảng năm 1975, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari gây nên thảm họa diệt chủng đối với nhân dân Campuchia và tiến hành xâm lược Việt Nam. Trên tuyến biên giới thuộc tỉnh Đồng Tháp, quân Pôn Pốt gây ra nhiều vụ bắt người dân vô cớ, tịch thu phương tiện sản xuất, đột nhập sâu vào nội địa, cướp bóc, tàn sát nhân dân; địch đưa lực lượng quân sự áp sát biên giới. Trước hành động leo thang chiến tranh của Pôn Pốt, ngày 7/5/1977, Tỉnh ủy Đồng Tháp thành lập Ban Chỉ đạo công tác biên giới, trực tiếp nắm bắt mọi diễn biến trên khu vực biên giới.


Lực lượng bảo vệ biên giới hai tỉnh Đồng Tháp - Prây Veng phối hợp tuần tra song phương (Ảnh tư liệu)

Lực lượng công an và quân sự của nước ta được tăng cường, xây dựng phương án chốt giữ biên giới, sẵn sàng đánh bại địch lấn chiếm. Tham gia chiến đấu bảo vệ vững chắc tuyến biên giới giữa tỉnh Đồng Tháp với tỉnh Prây Veng có Trung đoàn 320, Tiểu đoàn 502, Tiểu đoàn 514 Tiền Giang, Trung đoàn Cửu Long, Đại đội địa phương quân các huyện: Hồng Ngự, Tam Nông, Lấp Vò... cùng công an vũ trang, dân quân du kích liên xã biên giới. Căm phẫn trước những hành động ngang ngược, tàn ác của quân Pôn Pốt, nhiều quân nhân (thời kỳ chống Mỹ) đã phục viên, xuất ngũ ở các xã biên giới phối hợp lực lượng thanh niên địa phương tổ chức thành đội du kích để chống Pôn Pốt. Phải kể đến là Đội Du kích 732 xã Thường Phước, đơn vị này bám trụ chiến đấu, gây cho địch nhiều thiệt hại.

Qua nghiên cứu của Trung tá Hồ Nhật Vũ (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam) cho thấy, với tinh thần chiến đấu ngoan cường, mưu trí, trong giai đoạn 1977 - 1978, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Đồng Tháp giành nhiều thắng lợi tại các xã thuộc khu vực biên giới, gây cho địch không ít tổn thất. Bước sang năm 1979, lực lượng vũ trang Đồng Tháp tham gia thực hiện chiến dịch tiến công quân sự quy mô lớn, góp phần vào chiến dịch tiến công giải phóng Campuchia.

Khoảng 17 giờ 30 phút ngày 6/1/1979, được Không quân chi viện, các đơn vị vũ trang Đồng Tháp hoàn thành mục tiêu tác chiến đặt ra. Trưa ngày 7/1/1979, toàn tuyến biên giới tỉnh Đồng Tháp hoàn toàn giải phóng. Trong đợt phản công này, quân và dân Đồng Tháp loại khỏi vòng chiến đấu, bắt và bắn bị thương hơn 180 tên địch, thu 410 khẩu súng các loại, bắn chìm 2 tàu, thu trên 50 tấn đạn dược, 7 máy ngắm ĐK...; chiếm 3 sở chỉ huy Trung đoàn, một vị trí huyện đội, một cơ quan huyện.

Cùng với các tỉnh có chung đường biên giới với Campuchia, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Đồng Tháp vượt qua nhiều khó khăn, chiến đấu giành chiến thắng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ biên cương Tổ quốc và giúp Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Về cơ bản, đất nước Campuchia được giải phóng từ sau ngày 7/1/1979. Quân và dân tỉnh Đồng Tháp tiếp tục tổ chức lực lượng sang tỉnh Prây Veng giúp bạn toàn diện trên các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, xây dựng chính quyền, xây dựng kinh tế - xã hội...

Theo Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, thắng lợi của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam có ý nghĩa vô cùng to lớn. Chúng ta không chỉ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc mà còn giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, giành lại quyền được sống, quyền làm người và bước vào kỉ nguyên độc lập, tự do; tạo điều kiện khôi phục lại tình hữu nghị, đoàn kết vốn có giữa hai Đảng và nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia.

Thực tế, mấy mươi năm qua, tỉnh Đồng Tháp - Prây Veng thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị truyền thống, láng giềng tốt đẹp, góp phần xây dựng tuyến biên giới hòa bình, ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hai tỉnh hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế... Nhằm đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội khu vực biên giới, lực lượng quản lý hai bên biên giới phối hợp tuần tra song phương, kiểm soát, bảo vệ an toàn đường biên, cột mốc biên giới; tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các chính sách, pháp luật Nhà nước, các hiệp định, quy chế biên giới, phòng, chống tội phạm biên giới. Đến nay, lực lượng phân giới, cắm mốc hai bên đã hoàn thành việc xây dựng các cột mốc chính, mốc phụ và cột dấu trên toàn tuyến biên giới giữa tỉnh Đồng Tháp và Prây Veng.

N.AN (tổng hợp)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn