Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội

Cập nhật ngày: 13/12/2019 10:14:16

ĐTO - Những năm qua, tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện là một giải pháp sáng tạo mang đầy tính nhân văn, phù hợp với thực tiễn đất nước, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đề ra. Ở Đồng Tháp, qua quá trình tổ chức triển khai, thực hiện đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, một vài cấp ủy, chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội chưa thật sự vào cuộc, chưa quan tâm đúng mức, việc nhận ủy thác ở cấp xã chưa quan tâm nhiều đến hoạt động tín dụng chính sách nên dư nợ bình quân còn thấp, tỷ lệ nợ quá hạn còn cao; việc lồng ghép tín dụng chính sách với một số chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở một vài nơi chưa tốt; một số hộ dân sử dụng vốn chưa thật sự hiệu quả.

Thời gian tới, để tăng cường hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội, giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả. Thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm kết hợp với Chương trình đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tạo điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Chính sách xã hội – Chi nhánh tỉnh đưa các hoạt động tín dụng chính sách phục vụ ở điểm giao dịch tại xã. Thường xuyên chỉ đạo đôn đốc, kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện.

UBND tỉnh tiếp tục cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay các chương trình, đối tượng đặc thù của địa phương theo quy định; ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để hỗ trợ các chương trình, dự án tín dụng chính sách xã hội. Quan tâm huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay. Chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện phối hợp thực hiện tốt việc lồng ghép tín dụng chính sách với công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật; định hướng người dân lựa chọn mô hình, ngành nghề kinh doanh phù hợp.

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, bảo đảm chủ trương tín dụng chính sách xã hội đến với người dân. Mở rộng Cuộc vận động Vì người nghèo để huy động sự đóng góp của xã hội bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội. Phối hợp tốt với Ngân hàng Chính sách xã hội củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội; tăng cường kiểm tra giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả. Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức quản lý nguồn vốn có hiệu quả, tiết kiệm, an toàn, duy trì tỷ lệ nợ quá hạn thấp hơn mức bình quân chung của hệ thống. Triển khai thực hiện tốt các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Thực hiện giảm nghèo bền vững là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị cần tập trung vào cuộc; chúng ta tin tưởng việc triển khai nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội và các nguồn lực khác trong tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, cải thiện điều kiện sinh hoạt, không ngừng nâng cao đời sống của các hộ nghèo trong tỉnh.

ĐỒNG DAO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn