Thắm đượm tình quân - dân

Cập nhật ngày: 04/02/2019 06:14:17

ĐTO - Xác định “Đồn là nhà, biên giới là quê hương” nên mỗi người lính luôn gắn bó mật thiết, nghĩa tình với người dân để cùng bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc.


Người dân cùng lực lượng biên phòng kiểm tra và làm vệ sinh cột mốc biên giới

Bộ đội Biên phòng tỉnh Đồng Tháp thành lập được 21 Tổ tự quản đường biên, cột mốc với hơn 460 thành viên tham gia tuần tra đường biên, cột mốc thường xuyên. Có lần cùng dự sinh hoạt với Tổ tự quản đường biên số 1 (xã Thông Bình), chúng tôi mới thấy được tinh thần của người dân luôn sát cánh cùng với Bộ đội biên phòng bảo vệ Tổ quốc. Chính sự phối hợp giữa quân - dân đã kịp thời phát hiện, nắm bắt được các hoạt động buôn lậu, vi phạm đường biên cột mốc và góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên tuyến biên giới ổn định.

Có dịp “cùng ăn cùng ở” với người lính biên phòng, chúng tôi mới hiểu rõ sự gần gũi, quan tâm, gắn bó nghĩa tình quân - dân. Ngoài thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới, các Đồn biên phòng còn nhận đỡ đầu 42 học sinh, trong đó có 5 em là học sinh của nước bạn Campuchia. “Từ năm 2016 đến nay, đơn vị nhận đỡ đầu 7 học sinh. Mỗi em được nhận số tiền 500 ngàn đồng/tháng đến khi học xong lớp 12. Số tiền do cán bộ trong đơn vị đóng góp giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn ở vùng biên giới” - Trung tá Nguyễn Văn Quỳnh - Chính trị viên Đồn biên phòng Bình Thạnh (TX.Hồng Ngự) cho biết. Em Nguyễn Văn Thiện - học sinh Trường Tiểu học Bình Thạnh, có hoàn cảnh khó khăn được đỡ đầu, chia sẻ: “Mấy chú biên phòng hỗ trợ con 500 ngàn đồng/tháng để có điều kiện học tập. Con cảm ơn các chú rất nhiều, con sẽ cố gắng học tập thật giỏi”. Được sự đỡ đầu của các cán bộ biên phòng nên Thiện có điều kiện học tập trở thành học sinh giỏi nhiều năm liền.

Kinh phí hoạt động nhận đỡ đầu các học sinh vùng biên giới được trích từ tiền lương hằng tháng của cán bộ các Đồn biên phòng. Về mục đích của chương trình “Nâng bước em tới trường”, Đại tá Nguyễn Đình Anh - Chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Chương trình thể hiện tình thương, trách nhiệm tri ân đến những người dân biên giới đang cùng Bộ đội biên phòng bảo vệ biên giới của Tổ quốc. Chúng tôi mong muốn các em vượt qua hoàn cảnh khó khăn, phấn đấu vươn lên trong học tập, rèn luyện, trở thành công dân có ích cho xã hội”.

Càng nghĩa tình hơn, khi mỗi ngày, mỗi cán bộ, chiến sĩ các Đồn biên phòng bớt một nắm gạo trong khẩu phần ăn của mình để vào “Hũ gạo tình thương”. “Tích tiểu thành đại”, vào ngày cuối tháng, các đơn vị mở hũ gạo giúp đỡ 32 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn và kèm theo là tiền trợ cấp. Trường hợp bà Trần Thị Mí Ba (60 tuổi, ngụ ấp Phước Tiên, xã Thông Bình, huyện Tân Hồng) thuộc diện có hoàn cảnh khó khăn là một trong số hộ được nhận trợ cấp gạo. “Tôi thuộc diện hoàn cảnh gia đình khó khăn, neo đơn. Lớn tuổi đâu làm việc gì ra tiền, nhờ mấy cháu lính biên phòng trợ cấp gạo ăn hằng tháng nên cuộc sống cũng đỡ rất nhiều”, bà Ba phấn khởi cho biết.


​Y, bác sĩ Phòng khám Đa khoa quân dân y Dinh Bà khám bệnh cho người dân

Trên tuyến biên giới có 4 phòng khám quân dân y với mục đích quan tâm chăm lo sức khỏe cộng đồng. Từ khi khai trương năm 2012 đến nay, Phòng khám Đa khoa quân dân y Dinh Bà (huyện Tân Hồng) trở thành địa chỉ tin cậy cho người dân sống ở khu vực biên giới và nước bạn Campuchia đến khám, chữa bệnh. Ngồi chờ khám bệnh, ông Nguyễn Thành Công (65 tuổi, ngụ xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng) vui vẻ cho biết: “Hằng tuần, tôi đến Phòng khám Đa khoa quân dân y Dinh Bà khám bệnh và nhận thuốc về uống. Các y, bác sĩ ở đây rất nhiệt tình trong cách khám bệnh và tư vấn sức khỏe cho người dân. Tôi lớn tuổi rồi nhờ có phòng khám gần nhà nên tôi khỏi phải đi xa chữa bệnh”. Bác sĩ Phan Văn Hùm - Trưởng Phòng khám Đa khoa quân dân y Dinh Bà tiếp chuyện: “Hằng ngày, đơn vị tổ chức khám, chữa bệnh cho hàng chục lượt bệnh nhân người Việt và người dân nước bạn Campuchia. Qua đó, góp phần thắt chặt nghĩa tình quân - dân và vun đắp tinh thần đoàn kết hữu nghị giữa hai nước láng giềng”.

Những việc làm, hành động của người lính biên phòng càng giúp chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn trong việc chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần đối với cư dân biên giới. Điều đó không chỉ góp phần tô thắm hình ảnh người lính biên phòng mà còn vun đắp thêm truyền thống đoàn kết “Quân với dân như cá với nước” trên tuyến đường biên giới dài 50,5km.

Dương Cầm

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn