Trên 12.000 lượt ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Cập nhật ngày: 01/04/2013 04:21:20

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ngày 16/1/2013, Ban Chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức Hội nghị triển khai các văn bản chỉ đạo và bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đến cán bộ chủ chốt của tỉnh và huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh có trên 12.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân tham gia đóng góp ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Sau khi tiếp thu các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo tổ chức hội nghị quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng về việc góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đến đảng viên, cán bộ và các tầng lớp nhân dân của từng địa phương, đơn vị.

Các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh tích cực thông tin, truyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa đạng để nhân dân biết, tham gia góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; trong đó, Báo Đồng Tháp đã đăng toàn văn Dự thảo và Báo cáo thuyết minh Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để phục vụ nhân dân thuận tiện trong việc nghiên cứu, đóng góp ý kiến.

Sau gần 2 tháng triển khai thực hiện, đến nay có 79/79 cơ quan, đơn vị và các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý với hơn 12.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân tham gia đóng góp ý kiến trực tiếp tại các cuộc hội nghị và góp ý bằng văn bản về nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Theo báo cáo của HĐND tỉnh Đồng Tháp, hầu hết các ý kiến thể hiện sự tâm huyết, mang tính xây dựng cao và đồng tình về sự cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc, tạo động lực mới cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phần lớn cán bộ, công chức và nhân dân đều thống nhất theo nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là có đổi mới, bám sát tình hình thực tiễn và đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Các đại biểu và nhân dân tham gia góp ý tương đối nhiều, tập trung ở Lời nói đầu, Chương I Chế độ chính trị, Chương II Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Chương III Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và môi trường. Còn lại các chương, điều, kỹ thuật xây dựng văn bản thì tham gia đóng góp, chỉnh sửa về câu từ.

Với những kết quả nêu trên cho thấy, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát công tác tuyên truyền, triển khai, tổ chức hội nghị lấy ý kiến cán bộ, công chức và nhân dân nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao.

Mỗi tổ chức đảng, mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên nêu cao tính tiên phong, gương mẫu trong nghiên cứu, tham gia góp ý kiến; tích cực tuyên truyền, vận động gia đình, người thân và quần chúng nơi cư trú tham gia góp ý kiến. Phương pháp triển khai lấy ý kiến đảm bảo dân chủ, chặt chẽ, đúng lộ trình; việc tổng hợp ý kiến đóng góp được phản ánh đầy đủ, chính xác, công khai, minh bạch.

Song song với việc tuyên truyền, tổ chức lấy ý kiến góp ý đã giúp cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận cao về chủ trương sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.

Minh Phú

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn