Đất “Người tình” thêm nữa một loài hoa

Cập nhật ngày: 13/01/2019 06:31:11

Giờ đây, người trồng hoa ở Sa Đéc (Đồng Tháp) không còn “cấm cửa” bên ngoài bởi những quan niệm mê tín, lạc hậu, trái lại là mạnh dạn đầu tư “núi tiền” để thu hút du khách quanh năm... Sự thay đổi đó được ví như loài hoa chưa từng có trong lịch sử hơn 100 năm hình thành. Tuy không hương nhưng lại tạo mùi thơm cho thương hiệu hoa Sa Đéc; tuy không sắc nhưng đủ lung linh để vùng đất “Người tình” thêm sắc màu níu chân du khách...


Sa Đéc có trên 500ha chuyên trồng hoa kiểng với hơn 2.500 loài. Hàng năm mang về giá trị sản xuất khoảng 1.500 tỷ đồng, chiếm trên 70% giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp TP.Sa Đéc

Thành phố 4 mùa hoa

Chưa kịp hết ngạc nhiên khi nghe ông Hai Cao (tên thật là Cao Văn Hai ở khóm Sa Nhiên, phường Tân Quy Đông) - “lão làng” của làng hoa Sa Đéc kể về chuyện bỏ ra hàng trăm triệu đồng xây cổng chào, 2 cây cầu cảnh để đón khách đến tham quan dịp đầu năm 2019, tôi như sửng sốt khi thấy ông xin phép cắt ngang buổi trò chuyện để hướng dẫn 2 vị khách chọn hoa. Không sửng sốt sao được, chỉ ít năm trước thôi, điểm trồng hoa như là nơi “bất khả xâm phạm” của người Sa Đéc. Bà con gần như chỉ biết trồng bán cho thương lái, phần lớn gần như “cấm cửa” với người ngoài. Nhất là cánh nhiếp ảnh, rất ít khi bà con chịu chia sẻ thông tin... Có nhiều nguyên nhân, như sợ bị học lóm bí quyết,... nhưng quan trọng hơn là bị xui xẻo. Ông Hồ Minh Thu - chuyên gia trồng cúc mâm xôi ở Tân Khánh Đông (Sa Đéc), nay đã chuyển sang thiết kế, thi công các công trình hoa kiểng - bật mí: “Nhiều người cho rằng, để khách lạ vào vườn quay phim, chụp ảnh, hoa sẽ nở không đúng Tết, khó bán, rớt giá...”.

Sau khi tư vấn cho 2 nữ khách chọn mua được cây ưng ý, ông Hai Cao hồ hởi trở lại tiếp tục chia sẻ câu chuyện – “Năm nay, ngoài số hoa để bán Tết, tôi còn dành ra hàng trăm chậu hoa có kích cỡ lớn, trồng nhiều giàn bầu hồ lô, rồi bố trí tiểu cảnh bên căn nhà Nam bộ truyền thống để du khách có chỗ ngắm nhìn và chụp ảnh lưu niệm”. Theo ông Hai Cao, điều này không chỉ để tăng thu hút khách đến mua lẻ, mà còn tăng thêm thu nhập qua dịch vụ nước giải khát và tiền vé.

Thật ra, giá vé chỉ mang tính “phục vụ”. Bởi chỉ cần chi 10.000 đồng/người lớn và 5.000 đồng/trẻ em (miễn phí cho sinh viên, học sinh), du khách thỏa thích ngắm nhìn hay quay phim, chụp ảnh. Cách đó không xa, ông Trần Hữu Tài - chủ cơ sở hoa kiểng Ngọc Lan cũng vừa hoàn thành đài ngắm hoa cao 18m trị giá tiền tỷ để phục vụ du khách ngắm toàn bộ làng hoa hơn trăm năm tuổi... Đây chỉ là 2 trong số hàng trăm cơ sở hoa kiểng ở Tân Quy Đông – trung tâm của làng hoa Sa Đéc – đổi mới tư duy kinh doanh.

Ông Nguyễn Thanh Hùng – Phó trưởng Phòng Kinh tế TP.Sa Đéc cho biết, ngoại trừ các hộ có diện tích hẹp, hầu hết người trồng hoa trên tuyến đường Cai Dao – Sa Nhiên đều làm dịch vụ đón tiếp khách, hoặc sẵn sàng cho du khách vào tham quan, chụp ảnh”. Đó là chưa kể đến dịch vụ cho thuê xe đạp, quán ẩm thực với đặc sản “Hủ tiếu Sa Đéc”... Theo ông Hùng, điều này không chỉ tạo sức hút mới làm tăng lượng khách đến tham quan, mua sắm... mà còn tạo đà cho làng hoa lột xác trở thành “Thành phố hoa”. Bởi khi chỉ trồng hoa cho mùa Tết, giờ đây các chủ vườn còn trồng hoa quanh năm để phuc vụ nhu cầu ngắn nhìn và mua sắm của du khách. Vì vậy, giờ mùa nào về Sa Đéc cũng thấy rực rỡ những màu hoa.

Nhà nước “đi trước”

“Thực ra sự thay đổi này được Nhà nước đắp nền từ năm 2015”- ông Hùng chia sẻ. Từ Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp, Sa Đéc đã cụ thể hóa thành việc đầu tư các công trình hạ tầng rồi những tác động thay đổi tư duy gieo trồng – quản lý – kinh doanh... Bên cạnh đầu tư, mở rộng hơn 2km đường hoa Cai Dao – Sa Nhiên với hệ thống bãi đỗ xe..., các ban, ngành chuyên môn vận động nhiều hộ dân tập hợp thành một khu sản xuất hoa kiểng quy mô lớn để dễ ứng dụng tiến bộ khoa học... Hơn thế nữa, để hướng tới xây dựng làng hoa năng động trong cơ chế thị trường.

Tuy nhiên để thay đổi nhận thức là cả một quá trình. “Không chỉ thuyết phục bằng những mô hình thực tế tại chỗ, chúng tôi còn tổ chức nhiều chuyến tham quan, học tập các mô hình kinh doanh tiên tiến... để bà con mở rộng tầm nhìn”- ông Hùng cho biết thêm.

Theo ông Hùng, thay đổi lớn đầu tiên chính là thay đổi cách thức gieo trồng. Từ chỗ tự lưu truyền kiểu nhân giống bằng cách lấy cây mùa trước làm giống cho mùa sau, ẩn họa nhiều bệnh tật... bà con đã chuyển sang dùng giống cấy mô sạch bệnh, cây khỏe và độ đồng đều cao nên màu sắc, chất lượng hoa cũng tăng hơn trước. Tiếp đó là chọn những hộ có vốn và tư duy nhạy bén là khâu đột phá cho cuộc vận động kết hợp trồng hoa với làm du lịch. Ông Trần Thanh Hùng – một trong những người đi đầu hưởng ứng cuộc vận động bằng cách dựng lên khu Homestay “Ngôi nhà hoa ếch” ở Tân Quy Đông cho biết: “Lúc đầu thấy cũng hơi lo vì cứ nghĩ phải là cái gì đó to lớn lắm, nhưng khi được đi tham quan, thấy thực chất đây chỉ là sự thay đổi cách làm nên mạnh dạn vào cuộc”.

Ngoài việc chỉnh trang lối đi trong vườn hoa, trên thửa vườn 3.000m2 của mình, anh Hùng thiết kế nhà quy mô 40 khách qua đêm, rồi dành 1 phần nhỏ để làm ao, nuôi ếch để du khách vừa ngắm hoa, vừa tự tay trồng hoa, cho ếch ăn và thưởng thức nhiều món ăn từ ếch... Chỉ với thay đổi này, bước đầu ông Hùng đã mang về lợi nhuận cao gấp 3 lần so với trồng hoa đơn thuần. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hơn là sự thay đổi này đã góp phần làm thay đổi căn bản cả làng hoa. Điều này không chỉ thể hiện qua việc nhà vườn mạnh dạn tăng hơn 1 triệu giỏ hoa kiểng Tết so với năm trước, mà còn vẽ bức tranh đẹp cho làng hoa thêm lung linh trong lòng du khách trong và ngoài nước.

Xin mượn lời của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan nói về nghệ nhân làng hoa Sa Đéc để kết thúc bài viết này như một thông điệp gởi đến du khách gần xa: Hãy đến Sa Đéc để tận hưởng hoa của đất trời, hoa của cuộc đời:

“Người của hoa, của đam mê khát vọng,

Đất “Người tình” thêm nữa một bài ca”

Lục Tùng

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn