Ngư dân vùng biên lạc quan với mùa nước nổi
Cập nhật ngày: 18/09/2018 12:06:50
ĐTO - Năm nay, con nước về sớm và nước ngập sâu hơn mọi năm nên việc mưu sinh mùa lũ của ngư dân vùng biên giới được thuận lợi. Những sản vật đa dạng mà thiên nhiên ban tặng trong mùa nước nổi đã giúp nhiều hộ dân nơi đây “sống khỏe” với nghề khai thác thủy sản.
Ngư dân thả lưới trong mùa nước nổi đe kiếm thm thu nhập. Ảnh: Dương Út
Thời điểm này, nước đã trắng xóa các cánh đồng tại xã Bình Thạnh, TX.Hồng Ngự. Đây là địa phương được xem là rốn lũ của vùng biên giới. Hơn 1 tháng nay, ngày nào ông Tào Văn Minh (ngụ xã Bình Thạnh) cũng thức dậy và ra đồng từ sáng sớm để bắt đầu nghề câu, lưới. “Năm nay con nước lớn, nguồn thủy sản nhiều nên công việc mưu sinh cũng khấm khá. Từ hôm nước ngập trắng đồng đến nay, ngày nào tôi cũng kiếm được trên dưới 200 ngàn đồng từ nghề giăng lưới, nhờ vậy gia đình tôi “sống khỏe” qua mùa nông nhàn này” - ông Minh phấn khởi khoe.
Bên cạnh các đê bao khép kín sản xuất 3 vụ, các cánh đồng xả lũ ở xã An Bình B hay phường An Lạc,... nước đã ngập rất sâu. Phần lớn bà con theo nghề đánh bắt thủy sản đều cho rằng, những cánh đồng xả lũ là nơi tập trung rất nhiều thủy sản mùa nước nổi, độ sâu con nước cũng giúp dễ dàng di chuyển hơn. Những ngày này, người dân tất bật khai thác, đánh bắt thủy sản. Mỗi gia đình chuẩn bị vài chục bộ ngư cụ, câu lưới, lờ lọp để bắt cá, tôm kiếm thêm thu nhập.
Năm nào cũng vậy, khi kết thúc 2 vụ lúa và con nước tràn đồng, ông Võ Tấn Lợi (phường An Lạc), lại dọn ngư cụ, đồ đạc sinh hoạt cá nhân lên xuồng để đánh bắt thủy sản. Dụng cụ của ông là khoảng 100 ngư cụ có mắc lưới thưa để đặt bắt cá chạch, tôm tép đồng. Đây là nghề đã theo ông mấy chục năm nay kể cả mùa khô lẫn mùa nước nổi. Nhưng theo chia sẻ của ông Lợi, mùa nước nổi là thời điểm gia đình “hốt bạc” nhờ nghề câu lưới. Buổi chiều, ông đi đặt ngư cụ, sáng sớm đi thăm, mỗi ngày ông cũng kiếm được từ 200 ngàn - 300 ngàn đồng.
Ông Võ Tấn Lợi cho biết: “Mùa lũ về thì thu nhập khá hơn mùa khô, mình đặt gần nhà nên nhẹ chi phí xăng dầu đi lại. Còn mùa khô thì làm ít hơn mà chi phí nặng do phải di chuyển xa”.
Đặt lọp tơm ma lũ Ảnh: Lê Thanh
Tại huyện đầu nguồn Hồng Ngự, thời điểm này cánh đồng xả lũ ở các xã: Thường Phước 1, Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B và Thường Lạc nước đã ngập đồng. Chị Lê Thị Không (ngụ xã Thường Thới Hậu A) cho biết: “Những nơi có đê bao khép kín thì làm 3 vụ lúa còn ở đây là đê bao xả lũ nên phải kiếm thêm nghề khác để làm. Như mùa lũ này, mình đi đánh bắt cá, chứ cũng đâu có thất nghiệp. Mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn, đủ trang trải cuộc sống”.
Để hạn chế việc khai thác nguồn lợi thủy sản trong mùa nước nổi mang tính hủy diệt, cơ quan chức năng đ cĩ những biện php ngăn chặn. Ông Lê Hoàng Nam - Trưởng Trạm Thủy sản vùng số 1 tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Hiện nay, nước lũ tràn các cánh đồng nên người dân bắt đầu khai thác thủy sản. Các địa phương cũng thực hiện tuyên truyền vận động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tổ chức các đợt kiểm tra để ngăn chặn các hành vi vi phạm trong việc đánh bắt thủy sản bị nghiêm cấm”. |
Mưu sinh với nghề đặt lọp tôm, năm nào lũ về, chú Phan Văn Triều (ngụ ấp 2, xã Thường Thới Hậu B) cũng chuẩn bị vài chục cái lọp. Năm nay đã 63 tuổi, chú Triều vẫn nhớ rất rõ rằng từ năm 20 tuổi chú đã đi đặt lọp tôm: “Gắn bó với nghề bao nhiêu năm rồi. Năm nào cũng vậy, không hiểu sao tôi cứ mong con nước về để được lặn hụp với mất cái lọp này”.
Do con nước đã bắt đầu đạt đỉnh lũ, nên mỗi ngày chú Triều đều đặt hết số lọp tôm mình có, “chiến lợi phẩm” thu được cũng từ 2-3kg tôm, thu nhập 300 - 400 ngàn đồng. “Giờ được thế là khấm khá lắm rồi. Thời điểm tháng 7 - 8 âm lịch này là những người theo nghề đặt lọp tôm “trúng mánh” nhờ tôm lớn và về đồng nhiều” - chú Triều tâm sự.
Bên cạnh nghề câu lưới, lờ lọp, người dân vùng biên còn có nghề câu ếch đồng. Câu ếch đồng thường “nở rộ” vào thời điểm nước tràn đồng. Đây là khoảng thời gian ếch sinh đẻ nhiều và tập trung sống ở các bụi cỏ ven đường hay ao hồ gần nhà.
Nghề câu ếch đồng rất dễ làm, trẻ em cũng có thể làm được. Chỉ cần 1 cần trúc khoảng 3 - 5m, dây và lưỡi câu là có thể kiếm kế mưu sinh. Đặc biệt, có những “cần thủ” chỉ câu ếch bằng dây chứ không dùng lưỡi. Do ếch là loài ăn tạp, nên mồi câu ếch cũng là thứ dễ tìm như: ốc bươu vàng, nhái cơm, nhái bầu hay cả da ếch...
Theo nghề câu ếch đồng gần chục năm nay, anh Tâm (ngụ xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng) chia sẻ: Năm nay lũ lớn nên ếch nhiều. Ếch bán được giá cao nên có thu nhập khá. Mỗi ngày tôi đi câu từ 6 giờ sáng đến khoảng 4 giờ chiều, số ếch thu được từ 3 - 4kg. Ếch được thương lái thu mua từ 50 - 70 ngàn đồng/kg nên thu nhập từ nghề câu ếch đồng mùa lũ thuộc loại khá. Vì vậy, nhiều người gọi đây là nghề “làm chơi, ăn thiệt”.
Mỗi ngày, với khoảng chục tay câu, lưới, các ngư dân có thể kiếm 5 - 10kg cá các loại. “Chiến lợi phẩm” được mang về bán cho tiểu thương ở các chợ, kiếm vài trăm ngàn đồng. Ông Nguyễn Văn Tỷ (ngụ huyện Hồng Ngự) với gương mặt tràn đầy niềm vui “bội thu” cho biết: “Tôi không có đất sản xuất, chỉ sống bằng nghề đánh bắt cá quanh năm. Năm nào nước lũ lớn thì đặt thêm dớn, giăng lưới, giăng câu, kiếm được nhiều tiền hơn. Mấy bữa nay, nước lũ về nhiều, ngày nào tôi cũng bắt cá bán được vài trăm ngàn đồng, sống khỏe...”.
Với nghề đặt lọp cua để mưu sinh trong mùa nước nổi, dù số lượng cua đồng ít hơn cá nhưng bởi bù lại giá bán được cao hơn. Ngư dân Nguyễn Văn Đương (ngụ xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự) cho biết: “Sáng sớm, thức dậy tôi nấu cơm mang theo ăn để đi đặt lọp cua đồng đến khoảng 12 giờ trưa mới về nhà nghỉ ngơi”.
Ngư dân đặt lọp cua đồng trong mùa nước nổi. Ảnh: Dương Út
Mùa nước nổi, người dân vùng đầu nguồn giáp với nước bạn Campuchia và có thêm nghề kéo trứng nước. Mỗi ngày, 2 người dùng lưới kéo được khoảng 100kg trứng nước. Trứng nước được bán cho các cơ sở ươm nuôi cá giống với giá 10.000 đồng/kg, thu nhập khoảng 1 triệu đồng. “Nghề kéo trứng nước không phải bỏ nhiều vốn đầu tư, chỉ cần một cái vợt kéo trứng nước may bằng vải mỏng, miệng vợt bề ngang khoảng 3m, túi vợt dài khoảng 10m là có thể hành nghề” - ông Lê Văn Minh (ngụ xã Bình Thạnh, TX.Hồng Ngự) chia sẻ.
Khi vụ lúa hè thu kết thúc, nước lũ tràn đồng, ông Đoàn Văn Đông (ngụ xã Bình Thạnh, TX.Hồng Ngự) cùng nhiều hộ gia đình khác lại chuẩn bị cho mùa trồng bông súng đồng. Với 2.000m2 đất, chi phí đầu tư hơn 10 triệu đồng tiền giống, khoảng 1 tháng xuống giống là có thể thu hoạch. Mỗi lần thu hoạch, ông có thu nhập khoảng 400 ngàn đồng.
“Đây là năm thứ ba liên tiếp tôi trồng bông súng đồng. Năm nay, lũ về lớn nên bông súng phát triển tốt, có thể thu nhập khoảng 70 triệu đồng trong mấy tháng nước nổi. Bông súng dễ chăm sóc, có nước lũ là tự lớn, chỉ cần cách 1 ngày là ra đồng thu hoạch về bán cho thương lái”, ông Đông khoe.
Từ bao đời nay, mùa nước nổi đã gắn liền với đời sống của cư dân miệt sông nước Cửu Long. Mùa nước nổi ngoài mang phù sa về cho đất giúp cây trồng tốt tươi, còn mang theo những nguồn lợi thủy sản mà thiên nhiên ban tặng cho người dân vùng lũ. Cho nên, người dân có quyền hy vọng năm nay sẽ có một mùa lũ đẹp để họ có thể hòa mình “sống chung với lũ”.
LÊ THANH - DƯƠNG ÚT