Đầu tư giáo dục nghề nghiệp

Cập nhật ngày: 19/02/2019 06:04:21

ĐTO - Công tác đào tạo nghề cho người lao động được sự quan tâm, chỉ đạo từ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi về nhân sự, về kinh phí, góp phần xây dựng nông thôn mới và đáp ứng tốt cho các chương trình, đề án trọng tâm, trọng điểm của tỉnh.

Tổng kinh phí thực hiện các hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN) năm 2018 do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) tham mưu quản lý là trên 31,4 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương trên 5,2 tỷ đồng (Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới) địa phương trên 26 tỷ đồng.


Ngày hội việc làm tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp

Mạng lưới cơ sở GDNN của tỉnh đến cuối năm 2018 có 26 cơ sở, gồm 3 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp, 7 trung tâm GDNN công lập cấp huyện và 12 cơ sở khác có tham gia hoạt động GDNN, với quy mô đào tạo 21.500 học viên (HV)/năm. Hiện trên địa bàn tỉnh có 851 cán bộ quản lý và nhà giáo tham gia đào tạo nghề nghiệp.

Năm qua, các cơ sở GDNN trong tỉnh đã tuyển sinh đào tạo 21.650 HV, đạt 100,7% kế hoạch năm. Trong đó, cao đẳng 2.139 HV, trung cấp 2.815 HV, sơ cấp và đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng 16.696 HV. Hội thi tay nghề cấp tỉnh năm 2018, đã chọn 9 thí sinh có thành tích xuất sắc huấn luyện tham gia thi cấp quốc gia, đạt 1 giải ba và 6 giải khuyến khích. Hội giảng nhà giáo GDNN cấp tỉnh năm 2018, chọn được 4 nhà giáo ưu tú bồi dưỡng tham gia cấp toàn quốc, đạt 5 giải, đứng tốp đầu về đạt giải cao của vùng đồng bằng sông Cửu Long (1 giải nhì, 3 giải khuyến khích, 1 giải của nhà giáo trẻ tuổi với danh hiệu “Nhà giáo trẻ có thành tích xuất sắc”). Sở LĐ,TB&XH tiếp tục định hướng xây dựng và đổi mới nội dung chương trình, giáo trình đảm bảo sự thống nhất trong sử dụng giảng dạy của các trường trên địa bàn tỉnh theo hướng bám sát yêu cầu của thị trường lao động, nâng cao năng lực thực hành, ý thức, tác phong công nghiệp.

Việc chuyển giao công tác quản lý, tổ chức thực hiện đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn về UBND các huyện, thị xã, thành phố, giúp địa phương chủ động trong công tác lựa chọn ngành, nghề đào tạo phù hợp. Các cơ sở GDNN đã có nhiều cố gắng, tích cực trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, góp phần quan trọng trong việc nâng cao tay nghề cho người tham gia học nghề, giải quyết việc làm, đồng thời giúp người học nghề có cơ hội học nâng cao trình độ với nhiều hình thức học tập linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, doanh nghiệp...

Theo đánh giá của ngành LĐ,TB&XH, hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với người lao động nông thôn tuy có triển khai nhưng chưa được thường xuyên, đôi lúc còn thiếu sự phối hợp hiệu quả giữa các ngành, đoàn thể và địa phương trong tuyên truyền, lựa chọn đúng đối tượng có nhu cầu học nghề, quá trình đào tạo và công tác kiểm tra, giám sát...

Các cơ sở GDNN chủ yếu tập trung cho công tác đào tạo, chưa thật sự chú trọng đúng mức đến công tác quản lý đối với người tham gia học nghề, chưa tập trung nhiều đến công tác giáo dục bồi dưỡng kỹ năng mềm cho người học nhằm giúp người học nghề thích nghi được với môi trường làm việc tại các công ty, doanh nghiệp sau khi được đào tạo. Các Phòng LĐ,TB&XH có 1 cán bộ chuyên trách dạy nghề, nhưng do công việc chuyên môn của phòng nhiều nên cán bộ này còn kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác, do đó trong tham mưu thực hiện đôi lúc chưa kịp thời...

Để nâng cao hiệu quả GDNN, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội nhận thức đúng về tầm quan trọng của đào tạo nghề nghiệp với sự phát triển kinh tế - xã hội; đưa nội dung này vào các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, địa phương. Các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ trong công tác GDNN, chú trọng đào tạo theo phương thức đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; thực hiện dự báo nhu cầu cung - cầu lao động để chủ động trong công tác đào tạo nghề nghiệp và cung ứng lao động cho các doanh nghiệp và đào tạo nghề nghiệp phục vụ xuất khẩu lao động.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn