Đồng Tháp: 20 năm nỗ lực xây dựng trường chuẩn Quốc gia

Cập nhật ngày: 26/09/2018 17:07:27

ĐTO - Sau 20 năm xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia ở 3 cấp: Tiểu học (TH), Trung học cơ sở (THCS), Trung học phổ thông (THPT), hiện toàn tỉnh Đồng Tháp đã có 186 trường đạt chuẩn Quốc gia, chiếm 37,4% tổng số trường ở 3 cấp học. Các trường đạt chuẩn đều khẳng định được chất lượng giáo dục, phát huy hiệu quả hoạt động trong các mặt công tác của ngành, tạo được uy tín và niềm tin đối với cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các bậc cha, mẹ học sinh (HS) cũng như toàn xã hội.


Thư viện Trường THCS Tân Hòa, Lai Vung

Từ những năm đầu triển khai xây dựng trường chuẩn tại Đồng Tháp, hệ thống trường lớp chỉ tạm đủ để đáp ứng nhu cầu học tập. Thậm chí, tại các địa bàn khó khăn, vùng biên như: Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông,... số trường học còn ít, cơ sở vật chất (CSVC), trang thiết bị và đội ngũ giáo viên (GV) không đáp ứng đủ nhu cầu giảng dạy,...

Xác định chất lượng đội ngũ cán bộ, GV, công tác quản lý, chất lượng dạy học,... là những yếu tố quan trọng trong xây dựng trường chuẩn Quốc gia, ngành giáo dục Đồng Tháp đã tích cực đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ, cán bộ, GV, nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng nhu cầu dạy học cho HS. Thường xuyên đổi mới chương trình, đổi mới phương pháp dạy học để từng bước nâng cao chất lượng. Tích cực đầu tư CSVC, huy động các nguồn lực từ ngân sách, xã hội hóa và các chương trình để xây dựng trường lớp khang trang, hiện đại. Nhờ vậy, từ không có trường học nào đạt chuẩn Quốc gia (năm 1997), đến nay toàn tỉnh đã có 186/497 trường đạt chuẩn Quốc gia, chiếm 37,4%. Trong đó, cấp THPT có 26/43 trường, chiếm 60,5%; cấp THCS có 62/141 trường, chiếm 44%; cấp TH có 98/313 trường, chiếm 31,3%.


Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu đạt chuẩn Quốc gia năm 2016

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Đồng Tháp Nguyễn Minh Tâm, trong công tác xây dựng trường chuẩn, ngoài huy động xã hội hóa, sự quan tâm của các địa phương đóng vai trò hết sức quan trọng. Với sự quan tâm đó, những năm gần đây, một số địa phương có bước đột phá như: Tháp Mười, huyện Cao Lãnh, TP.Sa Đéc,...

Ông Ngô Thanh Sang - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tháp Mười chia sẻ: “Mỗi năm huyện hỗ trợ trên 2,5 tỷ đồng để giúp các trường học chuẩn hóa CSVC. Đó là chưa kể đến nguồn xã hội hóa trong các bậc phụ huynh, nhà hảo tâm, doanh nghiệp. Nhờ vậy, tỷ lệ phòng học kiên cố trên địa bàn huyện ngày càng nâng cao. Đến nay, toàn huyện có 27/62 trường đạt chuẩn, đạt 43,5%. Các trường đạt chuẩn được xây dựng kiên cố, hiện đại, được trang bị máy tính nối mạng internet, máy chiếu đa năng,...”.

Khởi đầu với nhiều khó khăn, nhưng sau 20 năm xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia, quy mô mạng lưới trường học trong tỉnh được quy hoạch khang trang, CSVC trường, lớp, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong giảng dạy, học tập của GV và HS. Các trường đạt chuẩn đều có phòng GV, phòng chức năng, thư viện đạt chuẩn, sân chơi bãi tập, khuôn viên xanh - sạch - đẹp. Cùng với đó, tỷ lệ GV trên chuẩn, GV dạy giỏi ngày càng tăng. Đặc biệt, ở cấp TH, mỗi trường đạt chuẩn Quốc gia được quan tâm bố trí GV tổng phụ trách đội, GV đặc thù (âm nhạc, mỹ thuật), các trường đạt chuẩn mức độ 2 có thêm GV tiếng Anh, Tin học,...

Nhìn nhận về công tác xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia, ông Nguyễn Minh Tâm cho biết: Xây dựng trường chuẩn là giải pháp tổng thể nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, được toàn ngành và các địa phương quan tâm. Thông qua xây dựng trường chuẩn, các điều kiện về CSVC, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, GV, công tác quản lý trường học được nâng cao rõ rệt, qua đó chất lượng giáo dục cũng không ngừng được nâng lên, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong tiến trình đổi mới và hội nhập.

Giai đoạn 2018 - 2025, ngành giáo dục tỉnh tiếp tục củng cố, giữ vững và phát triển về số lượng, chất lượng các trường đạt chuẩn Quốc gia. Dự kiến phấn đấu đến năm 2025 đạt 50% trường TH; 65% trường THCS và 82% trường THPT đạt chuẩn Quốc gia. Để mục tiêu này trở thành hiện thực, ngoài sự nỗ lực của toàn ngành GD&ĐT rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các địa phương, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng xã hội.

NGỌC LINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn