Hoàn thành tốt nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Cập nhật ngày: 15/01/2021 10:11:14

ĐTO - Thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của địa phương, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã hoàn thiện hệ thống các cơ sở giáo dục (GD) công lập, nâng chất lượng đào tạo mũi nhọn. Đồng thời phối hợp cùng với Sở Nội vụ, Sở Y tế, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và các ngành khác tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tư vấn giới thiệu việc làm cho học sinh, người lao động.


Học sinh đạt kết quả tốt được biểu dương, khen thưởng

Đến năm 2020, hệ thống các cơ sở GD công lập được sắp xếp phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các huyện, thành phố. Toàn tỉnh có 464 cơ sở GD phổ thông với 283.249 học sinh. Chất lượng GD phát triển ổn định toàn diện, chất lượng đào tạo mũi nhọn có bước chuyển biến tích cực. Tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia tăng ở tất cả các ngành học, cấp học. Công tác phân luồng học sinh bước đầu đạt kết quả khả quan; GD khởi nghiệp trong học đường có chuyển biến tích cực. Thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ngành GD&ĐT, Sở Nội Vụ, Sở Y tế, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cùng các ngành liên quan đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị; quản lý nhà nước; chuyên môn nghiệp vụ; kỹ năng lãnh đạo quản lý; quốc phòng - an ninh; ngoại ngữ, tin học; kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, vị trí việc làm cho trên 115.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức, hướng nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm.

Quy mô, mạng lưới trường, lớp học và trang thiết bị dạy học ở các bậc học, cấp học được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học tại các địa phương. Đến nay có 308 trường đạt chuẩn Quốc gia ở các cấp học, đạt 47,68%, tỷ lệ huy động học sinh đến trường đạt chỉ tiêu đề ra. Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp Quốc gia năm 2020 có 19 học sinh đạt giải (xếp thứ 2 khu vực đồng bằng sông Cửu Long). Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT đạt 99,69% (tăng 3,04% so với năm 2019). Từ năm 2016 - 2019, tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 140.000 lao động, đưa gần 7.000 người đi lao động ở nước ngoài có thời hạn, đào tạo nghề các trình độ cho trên 85.000 người. Đổi mới thực hiện nhiều biện pháp thúc đẩy chương trình khởi nghiệp, góp phần xây dựng Đồng Tháp thành địa phương khởi nghiệp. Bên cạnh những thuận lợi, chất lượng nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh nói riêng vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước và khu vực. Chất lượng GD còn chênh lệch giữa các địa bàn; dạy và học ngoại ngữ chưa đáp ứng được yêu cầu; hiệu quả của công tác tư vấn hướng nghiệp, học nghề trong học sinh chưa cao.

Trong thời gian tới, ngành GD&ĐT, Sở Nội Vụ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa phù hợp với điều kiện và nguồn lực phát triển của tỉnh. Vận dụng các mô hình GD hiện đại tại địa phương để nâng cao chất lượng GD&ĐT, tạo tiền đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Gắn việc phát triển nguồn nhân lực với vị trí việc làm, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và hướng đến việc tiêu chuẩn hóa theo vị trí công việc. Huy động mọi nguồn lực của địa phương để phát triển nguồn nhân lực; nâng cao trách nhiệm của người, đơn vị sử dụng lao động trong đào tạo. Phát huy vai trò của các cơ sở đào tạo trong tỉnh (Trường Đại học Đồng Tháp, Trường Cao đẳng Cộng đồng, Trường Cao đẳng Y tế và các trường trung cấp) trong việc phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Áp dụng các chính sách cơ chế phù hợp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp cho sự phát triển của quê hương Đồng Tháp.

C.P.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn