Thi THPT Quốc gia 2018:
Thí sinh cần đảm bảo sức khỏe và tâm lý tốt
Cập nhật ngày: 04/06/2018 11:14:25
ĐTO - Còn khoảng 3 tuần nữa là đến kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) Quốc gia 2018. Hiện tại, các thí sinh (TS) đang tích cực ôn tập chuẩn bị “vượt vũ môn”. Tuy nhiên, bên cạnh việc củng cố kiến thức, yếu tố sức khỏe và tâm lý cũng góp phần quan trọng giúp các em đạt kết quả tốt.
Phụ huynh cần quan tâm, đồng hành cùng con trong những ngày ôn tập cho kỳ thi. Ảnh: L.THANH
Khó tránh cảm giác lo âu
Kỳ thi THPT Quốc gia đang cận kề. Đây cũng là lúc TS đối mặt với áp lực từ nhiều phía như: áp lực ôn tập hay sức ép đến từ gia đình... Do vậy, trước thời điểm thi, các em thường xuất hiện tâm lý dồn ép, lo lắng hoặc chán nản.
Ở kỳ thi này, em Nguyễn Thị Kim Chi - lớp12CB2, Trường THPT Hồng Ngự 2, huyện Hồng Ngự đăng ký nguyện vọng 1 thi vào Trường Đại học Tôn Đức Thắng ngành Kinh doanh quốc tế, nguyện vọng còn lại là đăng ký thi vào Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng đại trà.
Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi quan trọng này, ngoài thời gian ôn luyện trên lớp, Chi còn sắp xếp lịch học tại nhà hợp lý dựa trên sự phân phối thời lượng cụ thể cho các môn học và phù hợp với điều kiện bản thân. Chi cho biết, hiện tại dù đã nắm hơn 70% hơn kiến thức, nhưng em vẫn không tránh khỏi cảm giác lo lắng.
“Ở kỳ thi này, lượng kiến thức nhiều (gồm cả ở khối 11), hình thức thi trắc nghiệm với nhiều câu hỏi nên em hơi lo vì có thể thời lượng làm bài thi không đủ... Dù vậy, từ nay đến ngày thi, em sẽ cố gắng ôn tập, tăng cường giải đề thi tham khảo từ các nguồn, chú trọng giữ gìn sức khỏe, tạo tâm lý thoải mái nhất có thể để chuẩn bị bước vào kỳ thi” – Kim Chi chia sẻ.
Giống như Kim Chi, em Nguyễn Thanh Hiền lớp 12CB1, Trường THPT Tân Thành, huyện Tân Hồng cũng cảm thấy chưa an tâm cho kỳ thi sắp tới. Hiền tâm sự: “Kiến thức rất rộng, thầy cô chỉ là người giúp củng cố lại những gì đã học, còn lại mỗi TS phải tự biết ôn tập cho riêng mình. Do vậy, ngoài ôn tập ở trường, em có kế hoạch phân loại kiến thức theo chủ đề, bám sát đề mẫu của Bộ Giáo dục và Đào để tự ôn tập thêm. Đề thi có thêm kiến thức lớp 11, lại không biết câu hỏi sẽ rơi vào phần nào nên em đều phải học hết, không dám bỏ sót”.
Ngày thi cận kề, trong khi TS đối mặt với áp lực ôn tập, nhiều phụ huynh cũng “không thể ngồi yên”. Cùng con “chạy đua” những ngày “nước rút” trước kỳ thi, phụ huynh Nguyễn Minh Lộc (SN 1976) ngụ ấp Long Thới B, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự tỏ ra căng thẳng, lo lắng.
Anh Lộc cho biết: “Những ngày qua tôi có thể cảm nhận được những khó khăn mà cháu phải đối mặt. Cụ thể là thời gian học rất nhiều và vất vả, phải đối mặt với kỳ thi quyết định tương lai khiến cháu rất áp lực... Những ngày qua tôi đã cố gắng động viên, ủng hộ cháu, chăm sóc sức khỏe cho cháu, dành thời gian trò chuyện, tâm sự để cháu giảm bớt lo lắng và áp lực”.
Thí sinh cần giữ gìn sức khỏe và ổn định tâm lý
Rất nhiều TS bị áp lực trước kỳ thi, dẫn đến lo lắng, quên bài, sai lỗi và không đạt được kết quả như mong muốn. Theo các chuyên gia tâm lý, lo lắng, quá run và mất tự tin sẽ khiến TS không thể làm bài thi tốt, ảnh hưởng đến kết quả. Ngoài ra, kiến thức vững vàng, nhưng tâm lý bất ổn, thiếu tự tin, áp lực quá lớn... thì rất khó có thể phát huy được năng lực tư duy, trí nhớ và sự tập trung vào bài thi. Chính vì thế, ngoài viện ôn luyện kiến thức, rèn kỹ năng làm bài, các em cũng cần làm cho tinh thần thoải mái, ổn định tâm lý thật tốt trước khi chính thức bước vào phòng thi. Do vậy, để đạt kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới, bên cạnh việc ôn tập kiến thức theo chương trình, TS cần chuẩn bị cho mình tâm lý tốt.
Theo Thạc sĩ Trần Văn Thọ - Giảng viên bộ môn Tâm lý học, Trường Đại học Đồng Tháp, TS cần có niềm tin vào bản thân mình, đừng quá lo sợ, áp lực. Mỗi em nên xác định lại mục tiêu, khả năng của mình đến đâu để đề ra mục đích ôn luyện. Nếu mục tiêu quá sức dẫn đến hoảng loạn, thậm chí lo lắng từng giờ sẽ khiến kiến thức dễ bị quên khi làm bài thi. Càng gần đến ngày thi, đầu óc càng phải thanh thản, minh mẫn, tâm trạng vui vẻ phấn khởi, tránh bị quá tải. TS cũng cần sắp xếp thời gian ôn thi, nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý. Vì sức khỏe là yếu tố quan trọng đối với các TS trong giai đoạn này, bởi giữ được trạng thái cơ thể khỏe mạnh sẽ đảm bảo ôn tập tốt.
Ngày thi cận kề, trong khi TS dễ căng thẳng vì ôn tập, thì sự quan tâm, động viên từ phía cha mẹ cũng rất cần thiết giúp các em giải tỏa tâm lý. “Phụ huynh cần cho con thư giãn, dành nhiều thời gian hơn bên con để động viên và chia sẻ. Con sẽ cảm thấy vui hơn khi cảm nhận được sự quan tâm ân cần, sẻ chia hết mực. Từ đó, con sẽ không còn cảm thấy áp lực học hành và thi cử quá nặng nề, căng thẳng và quá ép mình vào khuôn khổ vì sợ thất bại. Người thân cũng không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào kết quả thi cho các em. Vì quãng thời gian trước, trong và sau khi thi xong rất nặng nề. Chỉ một chút sơ sểnh khi thi sẽ khiến tâm lý các em bị ảnh hưởng và tổn thương. Vì vậy, trạng thái tâm lý thoải mái nhất sẽ giúp các em vượt qua căng thẳng khi thi và mang lại hiệu quả cao nhất” - Thạc sĩ Trần Văn Thọ chia sẻ thêm.
LÊ THANH