Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy

Cập nhật ngày: 02/12/2015 13:27:23

Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác giảng dạy, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã phổ cập phần mềm E-learning Adobe Presenter, iSpring đến cán bộ quản lý, giáo viên (GV), đồng thời chỉ đạo các trường thiết kế bài giảng điện tử (e-learning) với khẩu hiệu: “Mỗi GV xây dựng ít nhất một bài giảng điện tử”.


Giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng giúp học sinh hứng thú hơn khi học tập

Năm học 2014-2015, Sở GD&ĐT tổ chức cuộc thi bài giảng điện tử, thu hút đông đảo GV Tiểu học (TH), THCS, THPT tham gia với tổng số 337 sản phẩm dự thi. Các sản phẩm dự thi được xây dựng trên các công cụ hỗ trợ đóng gói sản phẩm theo chuẩn SCORM hoặc AICC, cụ thể là phần mềm Adobe Presenter, iSpring đáp ứng các tiêu chuẩn của một bài giảng điện tử theo chuẩn e-learning. Bài giảng dự thi có ghi âm lời giảng của GV, cho xuất hiện hình và video. Các GV khai thác, sử dụng các công cụ, phần mềm hỗ trợ thiết kế bài giảng như: máy quay phim, phần mềm ghi âm, cắt video, ghép hình, ghép video... Sản phẩm dự thi có màu sắc, phông chữ hài hòa, không lòe loẹt, âm thanh rõ ràng. Điều đáng mừng là các thầy, cô giáo ở các trường vùng sâu đều tham gia như bài giảng hình nón - hình nón cụt của thầy Võ Thành Tân - Trường THCS Thường Thới Hậu A (huyện Hồng Ngự); bài giảng tìm kiếm và thay thế của cô Lưu Thị Bé Hằng, môn Tin học, Trường THCS Tân Hộ Cơ (huyện Tân Hồng); rượu Etylic của thầy Huỳnh Văn Điện, môn Hóa học - Trường THCS Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự)... Thầy Tô Ngọc Sơn - GV Trường TH Chu Văn An (TP.Cao Lãnh) dự thi bài giảng ôn tập về các phép tính với số đo thời gian cho biết: “Tham gia cuộc thi, GV chúng tôi được nâng cao kiến thức chuyên môn, kiến thức tin học. Những bài giảng điện tử giúp các em tiếp thu bài tốt hơn...”.

Theo Ban Tổ chức cuộc thi, đa số các bài dự thi có sự đầu tư chu đáo, có đủ phần mô tả tên tác giả, tên bài giảng, mục tiêu và các nội dung trọng tâm của bài, đảm bảo chính xác, khoa học về nội dung và kiến thức bài giảng, có đổi mới phương pháp dạy học, rõ ràng trong trích dẫn các tài liệu, học liệu tham khảo. Bài giảng phát huy được nhu cầu tự học, lời giảng và thuyết minh rõ ràng, dễ hiểu, có hệ thống câu hỏi hướng dẫn để người học tư duy, học một cách tích cực; có tính tương tác, thân thiện; có nội dung kiểm tra, đánh giá, củng cố bài dạy; đảm bảo tính hấp dẫn và đem lại hiệu quả cho người học, có thể áp dụng đại trà, phổ biến. Bên cạnh những thuận lợi, một vài sản phẩm của thầy, cô giáo còn đơn điệu, chưa đáp ứng nhu cầu tự học; chưa xác định được đối tượng người học; lời giảng của GV chưa truyền cảm, thuyết minh văn bản khó hiểu, viết hoa chưa chính xác; ghép nhạc nền chưa phù hợp với nội dung; một vài sản phẩm chưa đổi mới phương pháp dạy học, chưa kích thích tư duy của người học; chưa tạo được các tình huống học tập, hấp dẫn người học, hiệu quả chưa cao và chưa thể áp dụng đại trà.

Chủ động đẩy mạnh ứng dụng CNTT cho đội ngũ cán bộ quản lý, GV, Sở GD&ĐT chỉ đạo Phòng GD&ĐT, các trường THPT và Trung tâm giáo dục thường xuyên chưa có sản phẩm dự thi trong năm học 2014-2015 cần quán triệt trong đơn vị ngay từ đầu năm học, tăng cường thực hiện bài giảng điện tử và phải có sản phẩm e-learning dự thi trong năm học 2015-2016. Sở sẽ tuyển chọn các sản phẩm có chất lượng, ý tưởng hay đưa lên website của Sở để cán bộ quản lý và GV tham khảo, học tập kinh nghiệm; duy trì và tổ chức cuộc thi “Thiết kế bài giảng điện tử E-Learning” lần thứ 3; thu nhận sản phẩm dự thi vào cuối tháng 5/2016. Trong năm học 2015- 2016, Sở sẽ tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức CNTT và các kỹ năng ứng dụng CNTT cho GV các cấp học để tạo sản phẩm dự thi đạt chất lượng cao.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn