Hóa thạch khủng long tìm thấy trong đá quý ở Australia

Cập nhật ngày: 12/12/2018 04:54:25

Hàm răng của loài khủng long chân chim hoàn toàn mới được tìm thấy trong một tảng đá opal tại khu mỏ phía đông nam Australia.


Hình ảnh phục dựng khủng long Weewarrasaurus pobeni. Ảnh: Science Alert.

Các nhà cổ sinh vật học Australia công bố phát hiện một loài khủng long chưa từng được biết tới sống cách đây 100 triệu năm ở kỷ Phấn trắng, Science Alert hôm 5/12 đưa tin. Hóa thạch được tìm thấy bên trong một tảng đá opal lấp lánh tại khu mỏ Wee Warra, bang New South Wales, phía đông nam nước này.

Sinh vật mới được đặt tên là Weewarrasaurus pobeni, có kích thước chỉ tương đương giống chó chăn cừu Kelpie ngày nay. Chúng được xếp vào nhóm khủng long chân chim, một loài khủng long cỡ nhỏ ăn thực vật, di chuyển bằng hai chân và phân bố rộng rãi ở các vùng đồng bằng ngập nước thời tiền sử.

Hóa thạch xương hàm của Weewarrasaurus pobeni tình cờ được phát hiện bởi Mike Poben, người đã mua một túi đá opal từ các thợ mỏ ở Wee Warra. "Tôi đang phân loại các viên đá opal thô thì thấy hai đường vân bất thường nhô ra khỏi lớp bụi bẩn. Thật đáng kinh ngạc! Đó là một mảnh xương hàm màu trắng sữa", Poben cho biết.

Ông Poben sau đó đã tặng mảnh xương hóa thạch cho nhà cổ sinh vật học Phil Bell thuộc Đại học New England để phân tích. "Thật tiếc vì bộ xương không còn được lưu giữ nguyên vẹn do hoạt động khai thác, nhưng nếu không hóa thạch có thể sẽ không bao giờ được tìm thấy".

Phát hiện của nhóm nghiên cứu đã được xuất bản trên tạp chí Peerl. Hàm răng quý hiếm của loài Weewarrasaurus pobeni hiện được trưng bày ở Trung tâm Opal Australia, nơi lưu giữ một bộ sưu tập hóa thạch khủng long rất đa dạng.

Đoàn Dương (VNE)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn