Những hình khắc bí ẩn trên đá ở Sa Pa

Cập nhật ngày: 15/08/2012 07:20:21

Gần 90 năm trước, một nhà khoa học người Pháp tình cờ phát hiện những hình khắc bí ẩn trên một số tảng đá trong thung lũng Mường Hoa, nơi cách trung tâm Sa Pa 12 km về phía nam.


Một đoàn khảo cổ sao chép những hình khắc trên đá
ở bãi đá cổ tại Sa Pa, Lào Cai

Bãi đá cổ Sa Pa nằm trong thung lũng Mường Hoa, thuộc địa phận ba xã Hầu Thào, Sử Pan, Tả Van, cách trung tâm Sa Pa 12 km về phía nam. Ở đó, trong một thung lũng có diện tích 8 km2 (dài 4 km, rộng 2 km) có rất nhiều tảng đá nằm lấp trong cây, xen trong cỏ, bên bờ suối, giữa nương rẫy... mang những hình khắc bí ẩn, kỳ lạ. Cách đây gần 90 năm, vào năm 1925, nhà Đông phương học người Pháp gốc Nga là Victor Gouloubev trong một chuyến khảo sát điền dã đã tình cờ phát hiện được một số tảng đá có những hình khắc bí ẩn. Ông đã viết bài giới thiệu trên một số tập san khảo cổ học. Bãi đá cổ Sa Pa được dư luận chú ý đến từ đó.

Những hình khắc trên đá đã được phát hiện ở nhiều nơi trên thế giới như quần thể khảo cổ khuỷu sông Boyne (Ireland), Vườn Quốc gia Sereda Capivara (Brazil), đồi Matopo (Zimbabwe), sa mạc Sahara (châu Phi), Chile, Lybi, Mexico, Nam Phi, Italy, Pháp... Giới khoa học tại những nước gần Việt Nam như Ấn Độ, Myanmar, Trung Quốc cũng đã phát hiện được địa điểm có hình khắc trên đá. Ở nước ta, những hình khắc trên đá, trên xương, trên sừng... cũng đã được phát hiện ở một số di chỉ khảo cổ như Gò Hên (Hòa Bình), Đồng Nội (Ninh Bình), Làng Bon, Gò Mun (Phú Thọ). Đặc biệt, gần đây các nhà khoa học đã phát hiện được thêm một số địa điểm có những tảng đá có những hình khắc tương tự như ở Sa Pa và cũng gần Sa Pa. Đó là các địa phương Tả Phìn (Lào Cai), Vị Xuyên (Hà Giang). Tuy nhiên, bãi đá cổ Sa Pa là nơi có nhiều hình khắc nhất và sự phong phú của những hình khắc cũng đạt mức cao nhất.

Những tấm bản đồ bằng đá

Nhìn lên những hình khắc trên đá ở Sa Pa, người ta thấy một khối lượng khổng lồ, đa dạng và phong phú gồm những hình vuông, hình chữ nhật được nối với nhau bằng những đường đơn. Ở nhiều nơi lại là hình song song liên tục, dày đặc và có những đường cắt ngang. Có hình vẽ lại gợi cho ta mặt bằng của một tòa thành, một mê cung. Sự sắp xếp của chúng trên một tảng đá khiến người xem liên hệ đến một tấm bản đồ. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây chính là những tấm bản đồ trên đá.

Nếu đây là những tấm bản đồ thì sự phong phú, đa dạng của chúng chẳng kém những tấm bản đồ hiện đại. Nếu ngồi trên máy bay hay leo lên các đỉnh cao nhìn xuống một thung lũng nào đó, người quan sát sẽ thấy các bờ ruộng bậc thang tạo nên một hình ảnh các đường cong song song, dày đặc. Trên các tấm bản đồ bằng đá ở đây cũng có những hình ảnh tương tự như thế. Phải chăng người xưa đã biết đắp bờ theo các đường bình độ (cùng một độ cao như nhau) để giữ nước canh tác và đã biết thể hiện chúng một cách chính xác lên bản đồ? Những đường cắt ngang, những đường đôi lại gợi cho chúng ta hệ thống kênh mương thủy lợi phục vụ cho nông nghiệp. Những hình vuông, hình chữ nhật thể hiện những căn nhà. Các đường bao ngoài căn nhà là tường thành (bằng đất hay đá) bảo vệ căn nhà. Còn các đường đơn nối các căn nhà với nhau thể hiện đường đi (hay lối đi) giữa các ngôi nhà.

AT (Theo Kiến thức)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn