Việt Nam ưu tiên nghiên cứu khoa học biển
Cập nhật ngày: 29/04/2017 05:50:17
Khoa học biển là một trong 4 lĩnh vực được ưu tiên phát triển trong thời gian tới. Nhà nước sẽ có phương án đầu tư và thuê tàu nghiên cứu về khoa học biển.
Theo Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển giai đoạn 2017-2025 được Thủ tướng phê duyệt ngày 25/4, Việt Nam sẽ ưu tiên xây dựng đội ngũ nhà khoa học có trình độ cao theo chuẩn quốc tế.
Chính phủ kỳ vọng đến năm 2025, một số ngành nói trên sẽ đứng thứ 3-4 trong trong khối các nước ASEAN. Số công trình khoa học được công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế trung bình hàng năm tăng 20-25%, đối với ngành Khoa học biển tăng 10-15%.
Theo chương trình được phê duyệt, các lĩnh vực Hóa học; Khoa học sự sống; Khoa học trái đất; Khoa học biển (gồm hải dương học và tương tác biển - khí quyển - lục địa; hóa học biển; sinh học và sinh thái biển; địa lý, địa chất, địa vật lý biển; cơ học và công trình biển) sẽ được ưu tiên phát triển.
Nhà nước sẽ đặt hàng các nhiệm vụ cấp quốc gia theo hướng nghiên cứu ưu tiên cho các tổ chức khoa học công nghệ chuyên ngành. Mục tiêu của việc này là hướng đến các sản phẩm ứng dụng trong sản xuất và đời sống. Các tiến sĩ trẻ cũng sẽ được giao nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sau đại học cần được chú trọng. Bên cạnh đó, cần thưởng cho các nhà khoa học đã công bố bài báo quốc tế trong nghiên cứu cơ bản (ISI, SCI, SCIE) cũng như đầu tư một số trang thiết bị lớn, hiện đại, đặc thù có cơ chế sử dụng chung.
"Sẽ có phương án đầu tư và thuê tàu nghiên cứu về khoa học biển", quyết định nêu rõ.
Mặt khác, bốn lĩnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển sẽ được ưu tiên nhận tài trợ từ quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia thông qua các Hội đồng chuyên ngành.
Thời gian tới, việc hợp tác quốc tế, hợp tác song phương và các quốc gia có nền khoa học cơ bản tiên tiến khác ở Đông Á, EU, Bắc Mỹ sẽ được tăng cường. Hợp tác đa phương, trong đó tập trung các chương trình của UNESCO cũng được chú trọng.
Theo VNE