Tập trung công tác đảm bảo an toàn thực phẩm

Cập nhật ngày: 05/08/2016 13:43:43

ĐTO - Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) được tỉnh quan tâm từ việc ban hành các văn bản chỉ đạo đến việc đầu tư nguồn lực. Các sở, ngành tỉnh, địa phương đã vào cuộc quyết liệt, đưa ra các chương trình hành động cụ thể trong bảo đảm ATTP. Nhiều vấn đề ATTP được người tiêu dùng phát hiện, thông tin cho cơ quan chức năng và được xử lý kịp thời.

6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã thành lập 160 đoàn thanh tra, kiểm tra ATTP (4 đoàn tuyến tỉnh, 12 đoàn tuyến huyện, 144 đoàn tuyến xã); đã thanh, kiểm tra 9.346 cơ sở, trong đó có 7.657 cơ sở đạt yêu cầu, chiếm 81,93%; tiến hành xử lý 157 cơ sở trong số 1.689 cơ sở không đạt, tổng số tiền phạt trên 740 triệu đồng; đình chỉ hoạt động 3 cơ sở; đình chỉ lưu hành sản phẩm của 3 cơ sở; 1 cơ sở phải khắc phục về nhãn; 31 cơ sở bị hủy hoặc tự hủy sản phẩm. Các ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về ATTP, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định ATTP. Cụ thể, ngành y tế đã thanh, kiểm tra 8.825 cơ sở, xử lý 55 cơ sở, tổng số tiền phạt là 336 triệu đồng; ngành công thương kiểm tra 486 vụ, xử lý 8 cơ sở, tổng tiền phạt 5,3 triệu đồng; ngành nông nghiệp thành lập 7 đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành quản lý nông lâm thủy sản, phát hiện 18/156 mẫu không đạt chất lượng vệ sinh ATTP, phạt tiền 70 triệu đồng, riêng lĩnh vực thú y, phát hiện 80 cơ sở vi phạm, phạt tiền trên 328 triệu đồng; ngành công an tham gia đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Y tế và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, kiểm tra phát hiện 122 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt 13 trường hợp với tổng số 160 triệu đồng, đang củng cố hồ sơ 7 trường hợp.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các đoàn kết hợp lấy 286 mẫu thực phẩm gửi xét nghiệm tại labo (phòng thí nghiệm), kết quả có 29 mẫu không đạt (chiếm 10,13%). Các đoàn còn thực hiện xét nghiệm nhanh tại chỗ 2.779 mẫu thực phẩm, có 113 mẫu dương tính (hàn the, methanol, dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật và một số chỉ tiêu khác). Các mẫu xét nghiệm tại labo có kết quả không đạt đều được các đoàn kiểm tra đề nghị xử lý theo quy định. Riêng các mẫu xét nghiệm nhanh có kết quả dương tính được đoàn kiểm tra vận động cơ sở tự hủy hoặc tiếp tục lấy mẫu gửi xét nghiệm tại labo và thực hiện quy trình xử lý theo quy định. Ngoài ra, ngành nông nghiệp còn lấy 1.080 mẫu nông sản, thực phẩm kiểm tra dư lượng bảo vệ thực vật, hàn the, dư lượng các chất độc hại trong thủy sản, giám sát rau an toàn..., trong đó phát hiện 43 mẫu (được test nhanh hoặc gửi labo) không đạt và tiến hành xử lý theo quy định.

Theo đánh giá, tình hình vi phạm quy định về ATTP còn phức tạp và có xu hướng gia tăng. Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, khó phát hiện như: tẩm, ướp hàn the vào thịt gia súc, gia cầm tại các chợ nông sản; kinh doanh thực phẩm chay có sử dụng hàn the; sử dụng tràn lan hóa chất không có nguồn gốc trong sản xuất giá đậu; cơ sở sản xuất bún không đảm bảo điều kiện vệ sinh; sử dụng phẩm màu ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất dưa cải; phát hiện sản phẩm rượu có chứa methanol... Việc sử dụng các loại hóa chất phụ gia cấm, không rõ nguồn gốc vào các thực phẩm thiết yếu hàng ngày của người dân ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, về lâu dài ảnh hưởng đến chất lượng dân số, chất lượng giống nòi.

Để phát huy hiệu quả quản lý ATTP, trước tiên là nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là chính quyền địa phương trong quản lý vệ sinh ATTP, phải xác định đây là nhiệm vụ cần tập trung, ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành; ưu tiên bố trí đủ nguồn lực cho công tác ATTP;...

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn