Khung đối tác quốc gia 2017 - 2022 của WBG với Việt Nam

Cơ hội phát triển bền vững cho vùng đồng bằng sông Cửu Long

Cập nhật ngày: 25/09/2017 06:33:57

ĐTO - Tại TP.Cao Lãnh, Ngân hàng Thế giới vừa tổ chức lễ công bố Khung đối tác Quốc gia (CPF) của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) với Việt Nam giai đoạn 2017 - 2022.

Tham dự buổi lễ có đại diện của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC); Cơ quan Bảo lãnh đầu tư Đa phương (MIGA); lãnh đạo UBND các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)... Chương trình do Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương và Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dion đồng chủ trì.


Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương tặng quà lưu niệm cho ông Ousmane Dion - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam \

Tiếp nối thành công các kỳ chiến lược trước đây, sự kiện công bố CPF lần này đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác lâu dài, hiệu quả và tin cậy giữa Việt Nam và WBG.

Theo Văn kiện CPF giai đoạn 2017 - 2022, Việt Nam là một mẫu hình phát triển với những thành tích ấn tượng về giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế. Mặc dù đạt được những thành tựu đáng kể trong nhiều năm qua nhưng Việt Nam hiện vẫn phải đối mặt với những thách thức tồn tại. Cụ thể như thành tích giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tình trạng nghèo vẫn còn tập trung tại vùng nông thôn và dân tộc thiểu số; sự đe đọa bởi biến đổi khí hậu và thiên tai; tài nguyên thiên nhiên khai thác không bền vững.

CPF giai đoạn 2017 - 2022 đề ra những định hướng tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ Việt Nam của WBG, cùng đồng hành với Việt Nam trong quá trình củng cố thành tựu phát triển và thực hiện các mục tiêu tăng trưởng.

CPF này cũng hỗ trợ thực hiện các mục tiêu đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2021) của Việt Nam. Bên cạnh đó, sẽ hỗ trợ mục tiêu cân bằng giữa phát triển kinh tế và bền vững môi trường, thúc đẩy bình đẳng, nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước.

Thực hiện chương trình CPF giai đoạn 2017 - 2022 tại Việt Nam, WBG sẽ tập trung vào 4 nhóm lĩnh vực ưu tiên: tạo điều kiện tăng trưởng hòa nhập và tăng cường sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân; đầu tư vào con người và tri thức; đảm bảo bền vững môi trường và khả năng ứng phó; tăng cường quản trị nhà nước. CPF giai đoạn này cũng sẽ tiếp tục phát huy những hỗ trợ sẵn có và mạnh mẽ của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, phối hợp và bổ trợ với các đối tác phát triển khác.

CPF mới cũng huy động thêm các nguồn lực khác phục vụ phát triển, ví dụ huy động nguồn vốn thương mại và sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân.

CPF giai đoạn 2017 - 2022 được soạn thảo dựa trên các kết quả phân tích trong báo cáo Việt Nam 2035: hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Bình đẳng và Dân chủ; báo cáo Đánh giá Quốc gia 2016.


Đại biểu tham dự thể hiện quyết tâm triển khai thực hiện hiệu quả CPF giai đoạn 2017 - 2022

CPF giai đoạn này đề ra một số chuyển hướng chiến lược, thể hiện qua những lĩnh vực trọng tâm tại Việt Nam gồm: hỗ trợ toàn diện nhằm tăng cường phát triển kinh tế tư nhân và sự tham gia của kinh tế tư nhân vào mọi lĩnh vực trong nền kinh tế; hỗ trợ thực hiện bền vững tài chính trong cung cấp dịch vụ công và trợ cấp xã hội; hỗ trợ giảm nghèo trong nhóm đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các hoạt động sinh kế và tạo thu nhập; hỗ trợ đa ngành nhằm tăng cường mối liên kết giữa đào tạo và thị trường lao động; Hỗ trợ khuyến khích và tăng cường sản xuất năng lượng với mức phát thải cac-bon thấp.

Ông Ousmane Dion - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định, với CPF giai đoạn 2017 - 2022, WBG sẽ giúp Việt Nam củng cố các thành tựu phát triển và chuyển sang mô hình tăng trưởng bền vững hơn. WBG vinh dự sát cánh cùng Việt Nam trong quá trình củng cố vị thế của một nước thu nhập trung bình thành công, tạo tiền đề trở thành nước thu nhập cao.

Theo ông Ousmane Dion, trong giai đoạn thực hiện CPF sắp tới, Ngân hàng Thế giới sẽ tập trung hỗ trợ Việt Nam thực hiện các biện pháp cải cách nhằm tạo tác động mang tầm chiến lược. Ngân hàng Thế giới sẽ huy động tất cả các thể chế - Ngân hàng Thế giới, IFC, MIGA và các công cụ sẵn có nhằm tạo chuyển biến chiến lược như cho vay, đối thoại chính sách, phân tích và tư vấn, bảo lãnh.

Dịp này, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng tổ chức buổi thảo luận với lãnh đạo các địa phương khu vực ĐBSCL và các bên liên quan về việc triển khai thực hiện văn kiện CPF giai đoạn 2017 - 2022.

Thảo luận về văn kiện CPF giai đoạn 2017 - 2022, đại biểu tham dự chú trọng vào những vấn đề liên quan đến việc tạo ra giá trị gia tăng cao trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng; quản lý, phát triển đô thị; an ninh nguồn nước; ứng phó với biến đổi khí hậu; thách thức toàn cầu tác động lên khu vực và thách thức từ chính hiện trạng của vùng ĐBSCL...

Ông Ousmane Dione giải trình chi tiết những nội dung trọng tâm đại biểu đề cập tại chương trình. Ông cho rằng, những phát biểu thiết thực, tâm huyết của đại biểu tham dự giúp ông và các cộng sự hiểu rõ hơn nhu cầu của các địa phương, từ đó Ngân hàng Thế giới có hướng hỗ trợ tốt hơn nữa cho các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL.

Đồng chủ trì chương trình, Chủ tịch Nguyễn Văn Dương bày tỏ niềm vinh dự khi Đồng Tháp được Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chọn là nơi công bố CPF giai đoạn 2017 - 2022.

Ông Nguyễn Văn Dương cho rằng, khung đối tác này góp phần tạo điều kiện cho các địa phương trong khu vực xây dựng, triển khai những phương thức thực hiện liên kết vùng ĐBSCL hiệu quả hơn. Đây cũng là cơ hội phát huy tối đa tiềm năng từng tỉnh, từng ngành, từng lĩnh vực mang tính bền vững và cạnh tranh cao. Đặc biệt, các lĩnh vực trọng tâm hỗ trợ đầu tư trong văn kiện CPF lần này hoàn toàn phù hợp với những yêu cầu bức xúc của khu vực ĐBSCL hiện nay.

Chủ tịch Nguyễn Văn Dương cũng bày tỏ niềm hy vọng CPF giai đoạn 2017 - 2022 sẽ mang lại hiệu quả, cơ hội phát triển mang tính thực chất và bền vững cho vùng ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung.

Thanh Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn