Định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

Cập nhật ngày: 03/10/2024 05:23:44

ĐTO - Thời gian qua, có nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) hình thành, mang lại kết quả bước đầu, tạo cơ hội cho KTTH trong nông nghiệp phát triển.


Mô hình trồng rau kết hợp nuôi cá của Công ty TNHH nông sản Đồng Tháp Aqua (xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò)

Bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người

KTTH là hệ thống có tính tái tạo và khôi phục thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Trong nông nghiệp, KTTH được xem là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín, chất thải và phế, phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp sẽ khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao và nhất là giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với diện tích đất nông nghiệp chiếm 77%, Đồng Tháp là vùng trọng điểm về sản xuất lương thực - thực phẩm của cả nước. Theo đó, lượng phế phụ phẩm từ hoạt động sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản khá lớn, ước tính trên 5 triệu tấn/năm phụ phẩm nông nghiệp và 19 triệu tấn bùn thải ao nuôi cá tra. Trong đó, phế phụ phẩm từ hoạt động sản xuất và chế biến lúa gạo ước trên 4 triệu tấn, rau màu 389 nghìn tấn, cây ăn trái 277 nghìn tấn, chế biến cá tra là 151 nghìn tấn.

Hiện tại, phụ phẩm từ trồng trọt được xử lý bằng cách đốt tại ruộng (45,9%), làm thức ăn gia súc (29,0%), ủ phân (5%); phụ phẩm từ chế biến thủy sản được thu gom, chế biến thành các sản phẩm hữu ích (dầu cá, bột cá, phân hữu cơ...) đạt khoảng 90%. Chỉ tính riêng trên cây lúa, lượng phế phụ phẩm đốt bỏ, không tái sử dụng ước khoảng 2,2 triệu tấn, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Do đó, việc áp dụng mô hình KTTH trong nông nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp hiện nay là cần thiết nhằm giúp khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch. Đồng thời tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao và nhất là giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều lĩnh vực sản xuất thực hiện theo quy trình tuần hoàn như: Mô hình sản xuất phân hữu cơ từ vỏ ấu tại xã Bình Thành, huyện Lấp Vò; mô hình tái chế vỏ trấu của Công ty TNHH MTV Mai Anh Đồng Tháp; mô hình nuôi ruồi lính đen kết hợp chăn nuôi, trồng trọt tại thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh; mô hình thu chất thải phụ phẩm cá tra làm phân bón của Công ty CP Vĩnh Hoàn; mô hình sản xuất lúa hữu cơ tuần hoàn gắn với truy xuất nguồn gốc tại HTX Phú Thọ, xã An Long, huyện Tam Nông; mô hình Aquaponic của Công ty TNHH nông sản Đồng Tháp Aqua, xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò... Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn phát triển một số mô hình mới, cách làm hay mang hiệu quả kinh tế cao gắn sản xuất an toàn, liên kết chuỗi; phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết giá trị; phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả theo hướng tích hợp đa giá trị đã góp phần tạo nguồn nguyên liệu ổn định cung cấp cho thị trường, nâng cao thu nhập và đời sống người dân trên địa bàn.

Xây dựng lối sống xanh, tiêu dùng bền vững

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn chú trọng vào số lượng, tìm cách tăng sản lượng, tăng năng suất nhưng chưa quan tâm đúng mức đến các tiêu chí chất lượng, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Vì vậy, việc đẩy mạnh KTTH trong nông nghiệp của tỉnh đặt ra một số thách thức.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước thực tế đó, để phát triển bền vững các mô hình KTTH trong nông nghiệp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Đồng thời lồng ghép nội dung KTTH vào các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, chương trình sản xuất hữu cơ, chương trình OCOP. Tổ chức lại sản xuất, áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật theo chu trình khép kín, giảm sử dụng các vật tư đầu vào có nguồn gốc hóa học, trong đó, tận dụng tối đa chất thải và phế, phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác nhằm giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao. Khuyến khích áp dụng công nghệ tái chế, sử dụng phụ phẩm nông nghiệp, phát triển KTTH; khuyến khích sử dụng các công nghệ sử dụng tiết kiệm nguyên vật liệu, năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính. Triển khai thí điểm các mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, xây dựng mô hình nông nghiệp tuần hoàn theo liên kết chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm cho một số sản phẩm chủ lực, đặc sản có lợi thế của các địa phương.

Đồng thời xây dựng lối sống xanh, tiêu dùng bền vững. Trong đó, phát triển thị trường cho các sản phẩm nông lâm thủy sản sản xuất theo tuần hoàn, theo hướng xanh dưới các hình thức hỗ trợ trực tiếp cho đầu tư và sản xuất, cơ sở hạ tầng, xúc tiến thương mại... Mặt khác, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tổ chức tập huấn, đào tạo kiến thức về KTTH cho cán bộ ngành nông nghiệp, người sản xuất phục vụ phát triển mô hình KHTH trong nông nghiệp.

Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế; huy động nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng, phát triển nông nghiệp xanh, tuần hoàn. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; phát triển cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó, ưu tiên xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng thủy lợi tự chảy, hiện đại, đảm bảo sự liên kết đồng bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng của các ngành, lĩnh vực khác và đảm bảo phục vụ đa ngành, đa mục tiêu, tiết kiệm nước, tái sử dụng nước, tuần hoàn nước.

Bên cạnh đó, hỗ trợ bảo quản, chế biến và liên kết tiêu thụ sản phẩm; tích hợp, thực hiện hiệu quả các chính sách hiện có. Khuyến khích doanh nghiệp, tư nhân đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn, phát triển công nghiệp tái chế, tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường...

Y Du

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn