Đồng bằng sông Cửu Long chuyển đổi mô hình phát triển phù hợp với biến đổi khí hậu

Cập nhật ngày: 26/09/2017 19:50:38

ĐTO - Ngày 26/9, tại TP.Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).


Các đại biểu tham dự hội nghị

Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đồng chủ trì hội nghị. Ngoài ra, còn có lãnh đạo các cơ quan Đảng, Quốc hội, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và TP.Hồ Chí Minh, các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế. 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ luôn quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển ĐBSCL, tập trung huy động các nguồn lực đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng, thích ứng với BĐKH. Với sự nỗ lực của các địa phương, sự giúp đỡ của các đối tác phát triển, ĐBSCL đã có bước phát triển tích cực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH)”.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, “ĐBSCL là một trong bốn đồng bằng bị tác động mạnh nhất do BĐKH, nước biển dâng. ĐBSCL đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều tác động nghiêm trọng do BĐKH, nước biển dâng, khí hậu cực đoan, khai thác và sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mê Kông và các hoạt động nhân sinh khác, cũng như từ bản thân mô hình phát triển thiếu tính tổng thể, gắn kết nội tại trong vùng, quản lý nhà nước còn bất cập, thừa chồng chéo, thiếu phối hợp.

Những tác động này tạo ra các thách thức vô cùng to lớn, đe doạ quá trình phát triển của vùng ĐBSCL, sinh kế và đời sống người dân trong vùng nói riêng và cả nước nói chung, qua đó tác động tới khu vực và quốc tế, đặc biệt là an ninh lương thực. Những ưu thế tự nhiên cho phát triển trước đây và hiện nay của ĐBSCL sẽ thay đổi theo xu thế suy giảm tài nguyên nước, phù sa; sự gia tăng của nước mặn, nước lợ; sụt lún đất và nước biển dâng sẽ tác động lớn tới tài nguyên đất, cơ cấu sử dụng đất, các hệ sinh thái và môi trường, làm thay đổi căn bản mô hình sản xuất, tập quán sinh hoạt, sinh kế và đời sống của người dân trong vùng”.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, định hình chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu có ý nghĩa rất quan trọng, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm, chỉ đạo.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ĐBSCL hiện có 2.538 quy hoạch, trong đó có 2 quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, bao gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH vùng ĐBSCL đến năm 2020 và  Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Có 8 quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm, lĩnh vực cấp vùng, bao gồm:thủy lợi; nuôi, chế biến cá tra; nuôi tôm nước lợ; sản xuất lúa; du lịch; cấp nước; thoát nước; giao thông vận tải. Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 (Lập và phê duyệt 2009; điều chỉnh 2014).

Quy hoạch sử dụng đất của 13 tỉnh thuộc ĐBSCL đã được phê duyệt, tuy nhiên nhìn chung còn thiếu sự gắn kết, kết nối và tích hợp các yếu tố vùng. Hiện tại chưa có quy hoạch sử dụng đất cho toàn vùng ĐBSCL.

Để có thể chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL và thích ứng với BĐKH, cần thiết phải nhận diện được các thách thức và các cơ hội đối với ĐBSCL để có thể đề xuất những giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển phù hợp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu tại hội nghị tập trung vào các vấn đề chính: phân tích, nhận diện được đầy đủ hơn các thách thức do BĐKH, quá trình phát triển nội tại của vùng ĐBSCL, các hoạt động sử dụng nguồn nước ở thượng nguồn; dự báo được các xu thế tác động chính, nhận diện được các cơ hội trong ngắn hạn và dài hạn làm cơ sở cho định hình mô hình phát triển vùng ĐBSCL và các định hướng chuyển đổi lớn; thảo luận và đề xuất các cơ chế chính sách đổi mới có tính đột phá nhằm tận dụng cơ hội chuyển hoá các thách thức thúc đẩy quá trình chuyển đổi, phát triển bền vững ĐBSCL; trong đó, tập trung vào các cơ chế về đất đai, thuế, kiến tạo thị trường, xúc tiến đầu tư, khoa học công nghệ, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; xác định các dự án, các nhóm nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án ưu tiên với nguồn lực, lộ trình thực hiện phù hợp trong tổng thể phát triển toàn vùng với sự tham gia của các bên bao gồm: Chính phủ, địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là người dân và doanh nghiệp trong vùng ĐBSCL và các khu vực lân cận, nhất là TP.Hồ Chí Minh.

“Hội nghị cần có sự đổi mới mạnh mẽ trong tư duy và cách tiếp cận theo hướng mở, hiện đại, lấy tri thức khoa học công nghệ làm nền tảng, kinh nghiệm thực tiễn trong nước và quốc tế là sức mạnh trong các giải pháp ứng phó với BĐKH. Các giải pháp đưa ra cần có tính đột phá, khả thi cao, mang tính kết nối liên vùng và nội vùng, có sự thống nhất, kế thừa các chủ trương, chính sách, các giải pháp ứng phó với BĐKH tại vùng ĐBSCL đã được đề ra trong thời gian vừa qua…”. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ đạo.

Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 26 và 27/9.

Hoài Minh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn