Mekong connect 2020

Giải pháp đưa sản phẩm địa phương vào chuổi giá trị toàn cầu

Cập nhật ngày: 12/02/2021 06:03:50

ĐTO - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - vựa lúa lớn nhất nước, với hơn 4 triệu ha, đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay đa phần nông sản của ĐBSCL vẫn xuất khẩu ở dạng thô với hàm lượng chế biến còn hạn chế. Điều đó làm cho sức cạnh tranh và mức độ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL còn thấp, đặc biệt là những khâu có giá trị gia tăng cao.


Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh 
Đồng Tháp và ông Trần Đức Viên -  Chủ tịch Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam ký kết hợp tác xây dựng “Chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030, tầm nhìn 2050”

Nông sản sạch - xu thế tất yếu để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Theo các chuyên gia, liên kết được xem là một trong những chìa khóa quan trọng để đi đến thành công, nhưng đồng thời đó cũng đang được cho là điểm nghẽn của nền kinh tế, đặc biệt là trong liên kết vùng. Thực tế cho thấy, thời gian qua việc liên kết vùng ĐBSCL đã có những thành công bước đầu, tuy nhiên sự liên kết chủ yếu dựa vào tự nhiên, còn lỏng lẻo. Trong khi đó, theo báo cáo kinh tế thường niên về ĐBSCL của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Đại học Fullbright đã nhận định, ĐBSCL đang đứng trước những thách thức do biến đổi khí hậu (BĐKH) và những vấn đề nội sinh trong quá trình phát triển bền vững khiến nông sản ĐBSCL không phát huy được lợi thế của từng địa phương.

Theo ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Cần Thơ, sản xuất sạch, an toàn chất lượng chính là điều nông dân cần thay đổi để hòa mình vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, giúp giảm bớt hàng rào thuế quan với 71% tổng giá trị hàng Việt Nam xuất sang EU. Trong vòng một thập niên tới, con số này sẽ lên đến 99%. Tuy nhiên, ông Lam và các diễn giả tại Mekong Connect 2020 cũng chỉ ra rằng, một khi hàng rào thuế quan được giảm bớt thì các hàng rào kỹ thuật khác lại được dựng lên. Và đây là những thách thức mới đối với hàng hóa và dịch vụ của đồng bằng muốn vào thị trường EU.

Ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp Hội doanh nghiệp Châu âu tại Việt Nam cho biết, thị trường EU đòi hỏi các tiêu chuẩn khắt khe về truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch, vệ sinh và phát triển bền vững, tuy nhiên thách thức của nông sản Việt Nam vẫn là quy mô nuôi trồng, quy mô quy hoạch vùng nguyên liệu, quy mô chế biến của Việt Nam ở mức độ nhỏ. Chính vì vậy, để liên kết bền vững đòi hỏi các tỉnh trong khu vực phải có một chiến lược phát triển đồng bộ về quy hoạch, hạ tầng cũng như áp dụng nông nghiệp số, logistics...

Nói về vấn đề này, ông Lê Minh Hoan - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, chúng ta đừng chỉ nhìn vào những lợi thế sẵn có mà phải biết tận dụng khoa học công nghệ khai thác những giá trị từ chính những tài nguyên bản địa đó để nâng cao hơn nữa giá trị nông sản. Thứ trưởng cũng cho rằng, để có thể kết nối chuỗi giá trị toàn cầu thì trước hết nông nghiệp phải sạch, nông nghiệp không làm tổn thương đến môi trường, không gây hiệu ứng nhà kính. Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị nên xây dựng nền nông nghiệp chung của ĐBSCL dựa trên nền sản xuất sạch, an toàn, bảo vệ môi trường thì mới mong phát huy hết được lợi thế của từng địa phương trong tổng thể chung của vùng.

Cần tận dụng tốt hơn chuyển đổi số, logistics

Ngân hàng Thế giới ước tính, nếu thực hiện đầy đủ EVFTA sẽ giúp xuất khẩu Việt Nam tăng 12% trong giai đoạn 2021-2030. Chính vì vậy, bên cạnh việc thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, ĐBSCL cần tận dụng tốt hơn chuyển đổi số, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và logistics để khai thác hiệu quả hơn giá trị nông sản của vùng.

TS.Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch Mylan Group cho rằng, gần như 9,8 triệu nông hộ ở Việt Nam vẫn còn sản xuất theo tư duy cũ. Tuy nhiên, hội nhập sâu rộng như hiện nay, muốn nông sản đi thẳng vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu thì đầu tiên nông dân phải thay đổi trước tiên. Tức là phải bỏ qua tư duy sản xuất cũ, cùng hợp lại làm lớn. Với kinh nghiệm ứng dụng công nghệ vào sản xuất của mình, TS.Mỹ cho rằng, tiềm năng ứng dụng công nghệ, AI kết hợp IoT cùng dữ liệu lớn còn có thể giúp thay đổi sâu sắc hơn nữa ngành nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp.

Tất nhiên, câu chuyện chuyển đổi số để nâng cao giá trị nông sản tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu là điều mà ai cũng nhìn nhận. Tuy nhiên, để chuyển đổi số thành công, theo nhiều chuyên gia, cần tạo nên một nền tảng nhằm liên kết giữa người dân và chính quyền và kết nối giữa người nông dân với các kênh bán hàng. “Bên cạnh những yếu tố trên, thì nguồn nhân lực vô cùng quan trọng. Do vậy, trước tiên người dân cần phải thay đổi tư duy và có mong muốn chuyển đổi số. Truyền thông, khách hàng và chiến lược là những yếu tố quan trọng tiếp theo trong chuyển đổi số. Công nghệ là yếu tố quan trọng cuối cùng, vì công nghệ là cần thiết nhưng không phải là yếu tố quan trọng nhất”, ông Phạm Anh Đức - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp, Viettel khẳng định.

Khẳng định kết nối chuỗi cung ứng và chuyển đổi số có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đưa sản phẩm địa phương vào chuỗi giá trị toàn cầu, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, chiếm hơn 30% cơ cấu kinh tế của tỉnh, ngành nông nghiệp Đồng Tháp có nhiều tiềm năng khi chuyển đổi kinh tế số. Và thực tế, thời gian qua nhiều mô hình chuyển đổi số của tỉnh đã mang lại những hiệu quả tích cực. Chính vì vậy, các doanh nghiệp và nông dân Đồng Tháp đang đặt niềm tin và kỳ vọng rất lớn vào các máy móc, công nghệ thiết bị tự động như drone, cảm biến đo lường và thu thập dữ liệu...

Tuy nhiên, theo ông Phạm Thiện Nghĩa, để xuất khẩu ra thị trường quốc tế đòi hỏi tiêu chuẩn về quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc và lưu giữ hồ sơ dữ liệu, chính vì thế áp dụng công nghệ số sẽ là giải pháp tối ưu cho sản xuất và kinh doanh nông nghiệp. Vì thế, chuyển đổi kinh tế số trong nông nghiệp từ nền tảng của tư duy “kinh tế nông nghiệp” mà hơn 5 năm qua Đồng Tháp đã thực hiện, sẽ được tiếp tục và làm mạnh hơn nữa.

Đưa sản phẩm địa phương vào chuỗi giá trị toàn cầu là chủ đề Diễn đàn Mekong Connect 2020 tại Đồng Tháp. Đây là lần đầu tiên sự kiện này được tổ chức tại Đồng Tháp và là lần thứ 5 Mekong Connect được tổ chức ở ĐBSCL. Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, thông qua diễn đàn, Đồng Tháp kỳ vọng sẽ cùng các tỉnh ĐBSCL cùng đồng hành kết nối chuỗi cung ứng lại với nhau để thực hiện tốt vai trò nâng cao chuỗi giá trị nông sản của vùng trong thời gian tới.

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn